Dưới đây là những kết quả nghiên cứu về vấn đề hài hước ở nơi làm việc – và những chi tiết giúp chúng ta trở nên hài hước hơn trong những khía cạnh thường là nghiêm túc trong cuộc sống.
Con người giao tiếp tốt hơn khi họ pha trò
Chúng ta thường cho rằng mình không thể đùa cợt và làm việc cùng một lúc. Nhưng sự hài hước thực ra lại có thể giúp người ta làm việc tốt hơn, vì nó khiến họ nói chuyện với nhau hiệu quả hơn.
Nghiên cứu do Nale Lehmann-Willenbrock tại đại học VU tại Amsterdam đã tìm hiểu để xem các mô thức hài hước khi nói chuyện sẽ thể hiện các loại hình giao tiếp khác, cũng như hiệu quả công việc của cả đội ra sao.
Kết quả cho thấy những đội pha trò và cười đùa với nhau nhiều hơn cũng đưa ra nhiều phát ngôn mang tính xây dựng và ủng hộ đối với nhau hơn. Điều đó, đến lượt mình, lại giúp họ làm việc tốt hơn ở một số tiêu chí, ví dụ như đạt được mục tiêu và cải thiệu hiệu suất công việc. Giải thích cho kết quả này, các nhà khoa học cho rằng sự hài hước có thể cải thiện sự tương tác giữa các thành viên và làm nảy sinh các hình thức giao tiếp tích cực.
Một chút châm biếm sẽ làm tăng sự sáng tạo
Trong một nghiên cứu do tiến sĩ Li Huang chỉ đạo, những người tham gia được xem một bộ tranh biếm họa với lời thoại để trong khung. Một số người được yêu cầu phản hồi sau khi tưởng tượng ra nhân vật trong bộ tranh kia nói gì đó với mình theo phong thái trang trọng hay giọng điệu châm biếm. Những người khác không được cung cấp thông tin gì về giọng điệu của nhân vật trong tranh, nhưng họ phải đưa ra câu trả lời ở hai phong thái: trang trọng hoặc hài hước.
Kết quả cho thấy những người có sự tương tác châm biếm qua lại nhiều khả năng hơn sẽ tìm được giải pháp cho một vấn đề cần có sự sáng tạo, như các câu đố logic về việc sắp xếp thứ tự các hình.
Nói như vậy không có nghĩa là ta phải liên tục nói những lời châm biếm với mọi người trong công sở. Nghiên cứu nêu trên còn cho thấy sự châm biếm sẽ có tác dụng tốt nhất với những đồng nghiệp có mức độ tin cậy cao. Với những người ít thân thiết hơn, châm biếm có thể làm tăng sự sáng tạo, nhưng cũng dễ dẫn đến xung đột và hiểu lầm.
Sự hài hước thể hiện mức độ tự tin
Trong một loạt các nghiên cứu thực hiện ở Wharton, những người tham gia phải đánh giá một người sử dụng sự hài hước hoặc giữ thái độ nghiêm túc khi họ thuyết trình hoặc trả lời các câu hỏi phỏng vấn. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người pha trò thường được đánh giá là tự tin hơn. Tại sao? Vì pha trò chứa đựng nhiều rủi ro, và những ai chịu đón nhận rủi ro đó sẽ được coi là tin vào bản thân mình. Những người hay pha trò cũng được coi là thông minh và tài giỏi hơn.
Cẩn thận trước khi quá muộn
Với những lợi ích nêu trên, việc pha trò rất dễ khiến người ta đi quá giới hạn. Nhiều khi nó còn khiến một người bị đuổi việc. Hay ít nhất, những người pha trò quá trớn sẽ bị coi là kém thông minh và có địa vị thấp hơn.
Tất nhiên, khi pha trò với đồng nghiệp ta cần loại bỏ những trò đùa ác ý hoặc không phù hợp. Và chúng ta cũng nên khiêm tốn khi đánh giá những gì mà các đồng nghiệp coi là phù hợp, vì có thể chúng ta không hiểu rõ họ như ta vẫn nghĩ.
Theo kynang.edu.vn