Đa số nhà quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh bậc THCS tại Hà Nội đều mong muốn sở GD&ĐT công bố bỏ bài thi thứ 4, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
1. Lứa học sinh chịu nhiều ảnh hưởng do COVID-19
Lý do, học sinh lớp 9 năm nay là lứa chịu nhiều thiệt thòi nhất khi có tới 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Từ năm lớp 7, các em đã có nhiều tháng học trực tuyến; lớp 8 cũng không ngoại lệ và năm nay đặc biệt nhất, hết học kỳ I, các em mới được đến trường.
Tuy nhiên, học sinh đến trường nhưng lại không được học ổn định. Nhiều lớp vừa học trực tiếp được một hai buổi lại phải chuyển sang học trực tuyến, chất lượng không đảm bảo.
Em Nguyễn Bá Bách, lớp 9A8, trường THCS Phú La, quận Hà Đông, nói năm nay, em và các bạn chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp đầy căng thẳng. Vừa học trực tiếp chưa được bao lâu, lớp có 16 bạn F0, F1 buộc phải tạm dừng học trực tiếp. Lo lắng cho kỳ thi vượt cấp nên hiện nay, ngoài học một buổi trên lớp, em dành 4 buổi/tuần để học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và tự học các môn còn lại.
“Em và các bạn đều hi vọng được bỏ bài thi môn thứ 4, nếu được như vậy sẽ giảm rất nhiều áp lực cho bọn em”, Bách nói.
Hà Nội cho học sinh lớp 7-12 tới trường từ sau Tết Nguyên đán để thầy trò ôn tập, củng cố kiến thức. Thế nhưng, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi lớp học trực tiếp vơi dần, học sinh liên tục chuyển từ “on sang off”.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết chỉ còn khoảng 3 tháng nữa kết thúc năm học nên nhà trường, giáo viên nỗ lực hết sức để dạy trực tiếp, có khi lớp chỉ còn 6-7 học sinh vẫn dạy nhưng rồi giáo viên nhiều người trở thành F0.
“Các em lớp 9 năm nay có đến 5 học kỳ ảnh hưởng của dịch, học trực tuyến nhiều hơn trực tiếp. Do đó, nguyện vọng của học sinh, giáo viên, phụ huynh và cả nhà trường là nên bỏ bài thi thứ 4 để giảm áp lực cho các em. Nếu không, Hà Nội nên công bố sớm để giáo viên có kế hoạch dạy học, ôn tập”, bà Thuỷ nói.
Lứa học sinh khối 9 năm nay tại Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19
2. Thay đổi để phù hợp với chương trình mới
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng dù các nhà trường phải tổ chức dạy học trong bối cảnh dịch bệnh, không nên bỏ bài thi thứ 4. Ví dụ năm ngoái, học sinh chịu ảnh hưởng của dịch nhưng giữ nguyên 4 bài thi.
“Có thể đề thi ở môn này chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản, không đòi hỏi học sinh phải học căng thẳng, vất vả nhưng nếu công bố bỏ bài thi thứ 4, học sinh sẽ 'buông' tất cả môn còn lại từ rất sớm. Cách học của học sinh lâu nay vẫn là 'thi gì học nấy', vì thế khi lên THPT, các em bị hổng kiến thức các môn như Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý… khiến giáo viên rất vất vả”, bà Quỳnh nói.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), ngoài lý do dịch bệnh, cần đặt câu hỏi hiện nay cách thức lựa chọn và công bố môn thi thứ 4 như Hà Nội liệu có còn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho năm học 2022-2023 đối với lớp 10 hay không.
Theo thầy Khang, với chương trình mới áp dụng cho lớp 10, đặc thù là các nhà trường sẽ tăng cường dạy học tự chọn theo năng lực, sở thích của học sinh, giảm số môn học bắt buộc. Điều này sẽ không còn phù hợp với việc yêu cầu học sinh học cùng lúc nhiều môn vì lên THPT có những môn các em không chọn.
“Hà Nội nên thay đổi việc tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học tới để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Khang nói.
Đến nay, khoảng 15 địa phương đã công bố phương án thi tuyển lớp 10 với 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Một số địa phương như Ninh Bình, Hưng Yên còn tổ chức thêm bài thi tổ hợp (gồm các môn khác) ngoài những môn cơ bản. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý giáo dục khẳng định cách thi nhiều môn cho kỳ thi vượt cấp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là tăng áp lực không cần thiết lên học sinh.
> Trường THPT chuyên Ngoại ngữ tuyển 500 chỉ tiêu cho năm 2022
> Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm thi lớp 10 ngày 1.6
Theo ZING News