Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đón hiệu trưởng chính mới là nhà khoa học người Pháp và Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ 2021-2026.
Từ trái qua: GS Châu Văn Minh (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), GS Chu Hoàng Hà (giữa) và GS Jean-Marc LAVEST
Tại Hà Nội, Trường ĐH Khoa học - Công nghệ Hà Nội (USTH), còn gọi là Trường ĐH Việt Pháp, đã diễn ra lễ ra mắt và trao quyết định Hội đồng trường nhiệm kỳ 2021-2026, công nhận Chủ tịch Hội đồng trường, đồng thời công bố quyết định của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam bổ nhiệm mới hiệu trưởng chính của trường.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng trường của USTH nhiệm kỳ 2021-2026 là GS Chu Hoàng Hà. Còn hiệu trưởng chính mới được bổ nhiệm của trường là một nhà khoa học người Pháp, GS Jean-Marc Lavest.
GS Chu Hoàng Hà tốt nghiệp đại học chuyên ngành sinh hóa tại ĐH Quốc gia Hà Nội và nhận học vị tiến sĩ sinh học phân tử tại ĐH Martin-Luther Halle-Wittenberg, Đức. Hiện ông đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học.
Về nghiên cứu khoa học, GS Chu Hoàng Hà đã tham gia công bố nhiều công trình khoa học có chất lượng, sở hữu 5 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, tác giả của 5 đầu sách chuyên ngành thuộc các nhà xuất bản uy tín.
GS Jean-Marc LAVEST tốt nghiệp chương trình kỹ sư điện và lấy bằng tiến sĩ về thị giác nhân tạo tại ĐH Clermont-Ferrand, Pháp. Ông đã có nhiều năm đảm nhiệm cương vị lãnh đạo tại các trường ĐH và tổ chức uy tín ở Pháp và nước ngoài như: Phó hiệu trưởng ĐH Auvergne; Giám đốc Viện Công nghệ ĐH Auvergne; Giám đốc Viện Cơ học tiên tiến Pháp; Hiệu trưởng ĐH Pháp tại Armenia (UFAR); Giám đốc AUF khu vực châu Á - Thái Bình Dương...
Về nghiên cứu khoa học, GS Jean-Marc LAVEST có hàng trăm công bố khoa học, 6 bằng sáng chế…
Tại buổi lễ, GS Jean-Marc LAVEST khẳng định, các giá trị mà trường USTH tạo dựng là chăm chỉ, chính trực, vị tha, xuất sắc. “Chúng ta sẽ không thể đạt được các giá trị này nếu không có sự đóng góp của tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường”, GS Jean nói.
Còn GS Chu Hoàng Hà cũng bày tỏ: “Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng trường đồng thời cũng là Phó chủ tịch Viện Hàn lâm phụ trách công tác đào tạo, tôi sẽ cố gắng hỗ trợ nhà trường khai thác tốt nhất các nguồn lực và sự hỗ trợ của Viện Hàn lâm, cũng như kêu gọi sự ủng hộ từ các viện chuyên ngành đối với sự phát triển của trường”.
USTH được thành lập tháng 12.2009, trong khuôn khổ Hiệp định Liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp và được đánh giá là dự án hợp tác giáo dục đại học lớn và tham vọng nhất của Chính phủ Pháp tại nước ngoài. Theo hiệp định, trường sẽ có 2 hiệu trưởng đều do cơ quan chủ quản bổ nhiệm trên kết quả bầu cử của hội đồng trường. Hiệu trưởng chính là người Pháp, hiệu trưởng còn lại là người Việt. Hội đồng trường có 10 thành viên người Pháp, 10 thành viên người Việt. Hiện nay, trường có 16 ngành đào tạo đại học. Bằng cấp và tín chỉ của USTH được công nhận tương đương với các trường đại học tại châu Âu. Trường cũng hợp tác với các trường ĐH Pháp cấp song bằng Việt Nam-Pháp các chương trình thạc sĩ. Hiện tại, trường đã xây dựng được 4 phòng thí nghiệm liên kết quốc tế và tập thể nghiên cứu mạnh, quy tụ sự tham gia của nhiều nhà khoa học ưu tú, giàu kinh nghiệm tại các đại học, tổ chức nghiên cứu của Việt Nam, Pháp và nhiều quốc gia khác. Trung bình mỗi giảng viên của trường công bố 1,5 bài báo thuộc danh mục SCIE/ năm, tiệm cận với năng suất công bố quốc tế của các trường đại học trong khu vực và quốc tế. |
> Ra mắt Trường Đại Học Quản lý và Công nghệ TP.HCM
> ĐH Quốc gia Hà Nội: Xét học bổng cho các nghiên cứu sinh thế nào?
Theo Thanh Niên