Trường ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo quy định xét học bổng cho các nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ xuất sắc với mức phí từ 100 - 120 triệu đồng/năm.

hoạt động giảng dạy

Lễ trao bằng tiến sĩ ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội

Mức học bổng là 100 và 120 triệu đồng/năm

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ra quyết định ban hành quy định xét cấp học bổng cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ có năng lực nghiên cứu xuất sắc. Mục đích để thu hút, khuyến khích người học có thành tích, năng lực nghiên cứu tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ, thực tập sau tiến sĩ; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo quyết định này, từ năm 2022, mỗi nghiên cứu sinh được xét cấp học bổng sẽ được cấp tối đa 100 triệu đồng/năm (12 tháng), đơn vị đào tạo có thể xem xét quyết định miễn học phí cho nghiên cứu sinh; mỗi thực tập sinh được cấp tối đa 120 triệu đồng/năm.

Với nghiên cứu sinh, để được đăng ký xét cấp học bổng, ứng viên là thí sinh dự tuyển đào tạo tiến sĩ hoặc đang là nghiên cứu sinh đang tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ tại đơn vị đào tạo thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội; có năng lực nghiên cứu tốt, có khả năng công bố quốc tế và cam kết đạt các chuẩn đầu ra mà ĐH Quốc gia Hà Nội quy định.

Điểm trung bình chung học tập ở bậc đại học (với ứng viên dự tuyển từ cử nhân), hoặc đại học và thạc sĩ (ứng viên dự tuyển từ thạc sĩ), đều phải đạt tối thiểu từ 2,8 (trên thang điểm 4) trở lên. Có đề cương nghiên cứu, trong đó có dự kiến kế hoạch thực hiện để trong thời gian đào tạo là tác giả chính của ít nhất 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc danh mục tạp chí ISI/Scopus, trong đó có ít nhất 1 bài đăng trên tạp chí được xếp hạng Q1 đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, hoặc ít nhất một bài trên tạp chí Q2 trở lên với các lĩnh vực khác.

Ứng viên phải có nhà khoa học có uy tín bảo trợ giới thiệu (nhà khoa học này không nhất thiết là người hướng dẫn luận án của nghiên cứu sinh).

Với thực tập sau tiến sĩ, ứng viên có thể là người ở trong hoặc ngoài nước, trong hoặc ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội, có năng lực nghiên cứu tốt, đề cương nghiên cứu phù hợp và có nhà khoa học nhận làm người hướng dẫn, bảo trợ nghiên cứu. Trong thời gian thực tập, thực tập sinh phải đạt tối thiểu mỗi năm 1 bài báo Q2 trở lên. Có nhà khoa học bảo trợ giới thiệu và được một giảng viên hoặc nghiên cứu viên cơ hữu của ĐH Quốc gia Hà Nội nhận làm người hướng dẫn trong thời gian thực tập sinh.

Xét học bổng 6 tháng/lần

ĐH Quốc gia Hà Nội cũng giới hạn độ tuổi với nghiên cứu sinh (đến ngày có quyết định công nhận nghiên cứu sinh) là không quá 40 tuổi; thực tập sinh (đến ngày dự tuyển) không quá 45 tuổi. Riêng với thực tập sinh còn có thêm điều kiện ứng viên mới có bằng tiến sĩ không quá 5 năm.

Cả 2 đối tượng này đều phải chịu sự quản lý của đơn vị đào tạo trong thời gian học tập, nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội. Các công bố của nghiên cứu sinh, thực tập sinh đều phải ghi tên đơn vị đào tạo thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và chú thích là kết quả nghiên cứu được quỹ học bổng dành cho nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau tiến sĩ của ĐH Quốc gia Hà Nội tài trợ.

Việc xét học bổng lần đầu và học bổng duy trì mỗi năm được thực hiện 2 lần, vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Hội đồng xét học bổng sẽ xem xét và đánh giá cấp học bổng định kỳ cho nghiên cứu sinh, thực tập sinh. Với mỗi ứng viên sẽ có xét học bổng lần đầu các các lần tiếp theo 6 tháng/lần. Với nghiên cứu sinh, mỗi lần xét các lần tiếp theo, các em không cần phải có bài báo, mà chỉ cần cam kết có đủ bài khi tốt nghiệp.

Mục tiêu là để bồi dưỡng đội ngũ kế cận

GS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết nguồn kinh phí để cấp học bổng cho nghiên cứu sinh, thực tập sinh huy động tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thông qua Quỹ học bổng do Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ định; kinh phí được cân đối từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho ĐH Quốc gia Hà Nội; kinh phí từ các nguồn thu của đơn vị để cùng cấp học bổng cho các nghiên cứu sinh, thực tập sinh của đơn vị.

Chỉ tiêu cấp học bổng không hạn chế, miễn là đạt các yêu cầu về năng lực nghiên cứu khoa học. ĐH Quốc gia hy vọng thu hút ổn định được khoảng 200 – 300 ứng viên, trong đó khoảng 20% là nghiên cứu sinh, còn lại là thực tập sinh. “Với nghiên cứu sinh, với yêu cầu phải tham gia đào tạo toàn thời gian nên ứng viên các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, y dược sẽ có lợi thế. Các lĩnh vực còn lại thì có thể có thêm ngành kinh tế”, GS Quân nói.

GS Quân cũng cho biết thêm, bên cạnh học bổng, nếu nghiên cứu sinh và thực tập sinh có nguyện vọng thì sẽ được ký hợp đồng trợ giảng hoặc giảng viên, vì hiện nay ĐH Quốc gia Hà Nội có định mức 60 giờ giảng/năm học với những người trong diện bồi dưỡng giảng viên.

Để tránh việc chạy theo thành tích nghiên cứu khoa học một cách hình thức của ứng viên, việc xét học bổng sẽ gắn với uy tín và trách nhiệm của người thầy. Cơ chế để đảm bảo nghiên cứu thực chất là trong quá trình đào tạo, nghiên cứu sinh sẽ làm việc toàn thời gian và tham gia cùng nhóm nghiên cứu, có hội đồng thẩm định khi tốt nghiệp.

“Những người được hưởng học bổng vừa là nguồn lực cho khoa học công nghệ, vừa là lực luợng bổ sung quan trọng để bồi dưỡng đội ngũ kế cận”, GS Quân nói.

Theo GS Quân, vấn đề quan trọng nhất trong việc thực hiện quyết định này là có đủ nguồn “người giỏi”, những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học. Còn phía ĐH Quốc gia sẽ có trách nhiệm tìm kiếm nguồn kinh phí để phát triển quỹ bền vững. Quỹ học bổng hiện đã có 5 tập đoàn bảo trợ ban đầu, nên ngoài việc được hưởng học bổng trong quá trình học tập - nghiên cứu, nghiên cứu sinh còn được hưởng lợi ích khác là có cơ hội hợp tác với các tập đoàn để phát triển hoạt động nghiên cứu.

Cách đây 2 năm, Quỹ Sáng tạo đổi mới VINIF (Vingroup) trao tặng đợt học bổng đầu tiên dành cho sinh viên sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ). Theo GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học VINIF, mục tiêu đầu tiên của hoạt động này là để hỗ trợ cho các bạn trẻ yêu khoa học; nhưng mục tiêu thứ hai, quan trọng hơn, là quỹ muốn khẳng định học sau đại học là một giai đoạn rất cấp thiết, một nghề nghiệp, và cần được làm với toàn vẹn thời gian và sức lực (full-time). Bởi những người với bằng cấp cao này sẽ là những nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc phát triển công nghệ, cũng như giảng dạy trong các trường đại học và tấm bằng của họ phải được thực sự tin tưởng. Việc ĐH Quốc gia Hà Nội, cơ sở đào tạo đại học lớn nhất của cả nước, sẽ phê duyệt học bổng rất có giá trị giành cho nghiên cứu sinh và thực tập sau tiến sĩ là một tin rất vui, thể hiện bước đột phá về nhận thức và hành động với hoạt động đào tạo tiến sĩ. Rất hy vọng những chương trình tương tự sẽ được thực hiện bởi các đại học lớn trong nước trong một ngày không xa, và tấm bằng tiến sĩ sẽ được trở lại giá trị thật của nó”, GS Văn chia sẻ.

Đại học Quốc Gia TP.HCM sẽ cải tiến bài thi đánh giá năng lực

Phương pháp dạy học lịch sử bằng âm nhạc của cô giáo Sán Dìu

Theo Thanh Niên