Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội hôm 18/1, cho biết thành phố sẽ vẫn công bố môn thi thứ tư, bên cạnh Toán, Văn, Ngoại ngữ, vào tháng 3 như quy định.
Dù trước đó, nhiều nhà trường, phụ huynh và học sinh đề nghị công bố sớm. Lý do được đưa ra là "Nếu công bố sớm môn thi thứ tư, học sinh không học các môn không thi, dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học".
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, bày tỏ sự khó hiểu với quyết định này. Ông là một trong những nhà giáo từng kiến nghị thành phố công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 sớm, đồng thời bỏ môn thứ tư trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thầy Khang nhận định, việc công bố môn thứ tư vào tháng 3 như mọi năm sẽ gây rất nhiều áp lực cho học sinh và nhà trường. Hiện, phần lớn học sinh lớp 9 ở Hà Nội chưa đến trường. Nên khi được học trực tiếp, nhà trường cần thời gian để bù đắp cho các em rất nhiều kiến thức bị hổng do học online.
"Nhà trường vừa phải đảm bảo củng cố kiến thức, vừa cấp tập ôn thi trong thời gian ngắn. Việc này tạo ra rất nhiều áp lực", ông Khang nói và cho rằng, giữ mốc công bố "đúng theo quy định hàng năm" trong bối cảnh học sinh nhiều tháng chưa được đến trường là cứng nhắc, không cần thiết.
Cùng quan điểm với ông Khang, hiệu trưởng một trường THCS công lập quận Ba Đình, đánh giá học sinh khối 9 năm nay trải qua rất nhiều đợt nghỉ vì dịch bệnh, kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay. Học online là giải pháp phù hợp nhưng không đạt chất lượng như học trực tiếp. Thực tế này đặt ra nhu cầu được thông báo sớm kế hoạch thi vào lớp 10, dù có môn thứ tư hay không, theo cô hiệu trưởng.
Hà Nội sẽ công bố môn thi thứ 4 vào tháng 3 theo quy định
Trước quan điểm của Hà Nội cho rằng, thi môn thứ tư để đảm bảo học sinh có kiến thức toàn diện, sẵn sàng bước vào bậc THPT, ông Khang nói thi môn thứ tư không giải quyết vấn đề gì bởi chương trình giáo dục đã thay đổi.
Ông phân tích, lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu giai đoạn "giáo dục định hướng nghề nghiệp". Nội dung giáo dục cấp THPT gồm các môn học bắt buộc và tự chọn. Bảy môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các em được lựa chọn 5 môn từ ba nhóm (mỗi nhóm ít nhất một môn) gồm Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Điều này cho thấy định hướng nghề nghiệp rõ ràng và tính phổ thông toàn diện giảm xuống.
Tuy nhiên, theo quy định tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, môn thứ tư là một trong sáu môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Như vậy, nếu môn thứ tư là Vật lý, có những thí sinh phải dành nhiều thời gian ôn luyện để thi Vật lý dù đây có thể không phải môn mà em lựa chọn để học ở bậc THPT.
"Trong khi học sinh được quyền học hay không các môn này ở cấp THPT, việc các em buộc phải thi môn thứ tư theo lựa chọn của người khác liệu có phù hợp không? Hà Nội có nên tiếp tục thi môn thứ tư theo cách này nữa không?", ông Khang đặt câu hỏi.
Nhà giáo này cho biết để chuẩn bị cho chương trình lớp 10 mới triển khai từ năm học tới, các trường THPT buộc phải thay đổi đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. "Vậy tuyển sinh có nên để như cũ không?", ông Khang tiếp tục đặt câu hỏi và nhấn mạnh "Tư duy và hành động cần phải thay đổi căn bản".
> Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Thí sinh 'tranh suất' vào trường chuyên
> Hà Nội công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2021 khi nào?
Theo VnExpress