Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

GS. Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để có chất lượng của một trường đại học thì ít nhất cũng phải mất 15 năm, do đó định kiến xã hội đối với các trường ngoài công lập (NCL) kém hơn các trường công là không công bằng. Ngoài vấn đề không công bằng về bao cấp, GS. Trần Phương còn thẳng thắn đề nghị Bộ GD&ĐT sắp xếp lại hệ thống đại học.

Quan điểm, chủ trương sai lầm của Bộ GD&ĐT

Có chăng các trường NCL chỉ kém hơn trường công ở khoản bao cấp của nhà nước đối với học phí, trường sở. Thực tế trường công lập chưa rõ đào tạo tốt hay không tốt nhưng người học chỉ phải trả 30% học phí, NCL là 100%.

Sau hơn 20 năm, hiện cả nước đã có đã có 83 trường đại học, cao đẳng NCL, trong đó có hơn 30 trường đã hoạt động hiệu quả, góp phần tạo nên diện mạo mới của nền giáo dục nước nhà, tạo thêm nhiều cơ hội được học tập và tạo việc làm cho hàng chục vạn người.

Bản thân các trường NCL đã thực hiện tốt 2 sứ mạng quan trọng là huy động lực lượng xã hội làm giáo dục và xây dựng mô hình đại học năng động, sáng tạo, hiệu quả.

Giáo sư Trần Phương: Đề nghị sắp xếp lại hệ thống giáo dục

Cần sắp xếp lại hệ thống giáo dục Việt Nam

Qua thực tiễn cho thấy, mô hình đại học NCL đang dần trở thành một xu thế hiển nhiên của thế giới. Đối với Việt Nam mô hình này đang trong giai đoạn phát triển, tuy nhiên sự phát triển đó chưa hết tiềm năng vốn có.

Một trường đại học mạnh là trường có quy mô sinh viên lớn, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, có đội ngũ giáo viên đảm bảo cho yêu cầu đào tạo. Thiếu một trong những cơ sở trên sẽ dẫn đến nguy cơ không đảm bảo chất lượng. Hiện nay xã hội vẫn thành kiến các trường NCL thường rơi vào thực trạng này, nhưng xét toàn diện hệ thống thì nhiều trường công lập cũng chung số phận.

GS. Trần Phương cảnh báo, một trường đại học mà chỉ có vài nghìn sinh viên và vài trăm giáo viên thì chưa phải đã thành trường. “Chúng ta cũng biết để đào tạo một ngành tối thiểu phải có 30 giáo viên thuộc các chuyên môn khác nhau, nếu có 10 ngành phải có 300 giáo viên, chưa nói giáo viên về quốc phòng. Tôi nói ít nhất 10 năm mới thành trường, để có chất lượng ít nhất cũng phải 15 năm” GS. Trần Phương khẳng định.

Cũng theo nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương, Bộ GD&ĐT có chủ trương siết chặt số lượng để nâng cao chất lượng, đó là quan điểm, chủ trương sai lầm. Một trường đại học phải có 1 vạn sinh viên và 1.000 giáo viên lúc đó mới gọi là trường và số giáo viên này mới đảm nhận được, cho nên phải có số lượng thì mới có chất lượng, hai yếu tố này phải được gắn bó với nhau.

Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Lê Hữu Lập cũng từng thừa nhận với báo chí rằng, nên xóa bỏ bao cấp trường công sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các trường công lập và NCL. Và do vậy để tạo cho các trường công lập cần phải năng động, sáng tạo hơn để giữ chân người giỏi.

Đối với các trường đại học mang tính trọng điểm có thể vẫn nhận sự bao cấp của nhà nước để các trường này nâng tầm giáo dục Việt Nam.

***Loay hoay với khung trình độ quốc gia

Đề nghị Bộ GD&ĐT sắp xếp lại hệ thống đại học

Ngoài vấn đề không công bằng về bao cấp, GS. Trần Phương còn thẳng thắn đề nghị Bộ GD&ĐT sắp xếp lại hệ thống đại học. Ông lấy ví dụ như Đại học Kinh tế thuộc ĐHQG HN lập ra năm 1974, hiện nay cũng đào tạo ngành Quản lí kinh doanh, cũng Tài chính ngân hàng thì không thể có chất lượng được vì sứ mệnh của ĐHQG là khác: “Chắc chắn  trường đó đào tạo kém hơn trường tôi” GS. Trần Phương khẳng định.

Chính vì sứ mệnh các trường khác nhau nên phải được phân tầng rõ ràng. Theo GS. Trần Phương hệ thống cần phải được chia thành ba loại đại học: Đại học theo hướng nghiên cứu, chỉ tuyển thí sinh tinh hoa. Thi tuyển sẽ tiến hành vào tháng 7 hàng năm; Đại học ứng dụng thực hành, sẽ thu nhận khoảng 90% thí sinh. Công tác tuyển sinh do từng trường đảm nhiệm, có thể tuyển sinh thành 2 đợt; Đại học địa phương không cần thi tuyển chỉ cần xét tuyển.

Không phải tất cả các trường ĐHQG là đại học ưu tú, tôi chắc chắn 90% các ngành học của ĐHQG không phải là nghiên cứu. Nếu đã là đại học nghiên cứu có thể đầu tháng 7 thi để tuyển chọn những lớp tinh hoa. Loại hai là đại học ứng dụng như Đại học Thương mại, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Kinh doanh công nghệ Hà Nội.

Trước khi có 3 chung trường tôi có 6 năm tự chủ tuyển sinh, bộ cho 3.000 chỉ tiêu nhưng có tới 6.000 thí sinh đến với trường tôi, nhưng số 3.000 đó cũng có phần trăm bỏ vì không học được, dạy tới năm thứ hai thì 20% bỏ, không sao. Tôi không cần điểm sàn của bộ, do vậy bộ bảo vệ điểm sàn tôi cho là sai lầm” GS. Trần Phương nêu thực trạng.

Theo Báo Giáo dục, tin gốc