GS Nguyễn Lân Dũng đồng tình phương án kéo dài THCS 5 năm

“Tăng lên 5 năm ở bậc THCS để phân ban sâu ở THPT là hợp lý. Vấn đề là nên tham khảo việc phân ban sâu của Nepal, một nước nghèo hơn Việt Nam nhưng hệ thống giáo dục lại rất tốt”-GS Nguyễn Lân Dũng.

Trong phiên hợp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa qua có đề cập, bàn bạc đến việc xác định lại số năm học của mỗi cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó có ý kiến học sinh bậc THCS sẽ học 5 năm thay vì 4 năm.

Ngay sau khi ý kiến được đưa ra lập tức thu hút được nhiều ý kiến trái chiều. PV Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với GS, TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng xung quanh vấn đề này.

Theo như ý kiến được đưa ra tại phiên họp, việc xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân được bàn đến với 2 phương án:

Phương án 1: Giáo dục cơ bản thực hiện trong 10 năm (5 năm tiểu học, 5 năm THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm.

Phương án 2: Giáo dục cơ bản thực hiện trong 9 năm (5 năm tiểu học, 4 năm THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 3 năm. Và hiện nay nghiêng nhiều ý kiến về phương án 1.  Theo ông cách phân chia nào hợp lý?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi tán thành phương án 1. Hai năm cuối mới nên phân ban. Hạnh phúc của mỗi đời người là được trang bị kiến thức phổ thông trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Nếu phương án 2 chỉ phân ban ở lớp 11, 12 tôi cũng đồng ý, nhưng như vậy thì không khác gì phương án 1.

Có ý kiến cho rằng không cần thay đổi số năm học THCS từ 4 lên 5 năm vì nó chỉ mang tính hình thức giống như trước đây tên gọi Cấp I, Cấp II, Cấp III thì bây giờ là tiểu học, THCS và THPT. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Tăng lên 5 năm ở Cấp II để phân ban sâu ở cấp III là hợp lý. Vấn đề là nên tham khảo việc phân ban sâu của Nepal, một nước nghèo hơn Việt Nam nhưng hệ thống giáo dục lại rất tốt. Họ phân ra 4 phân ban sâu: Quản trị kinh doanh, Khoa học-Xã hội, Toán-Lý, Hóa-Sinh. Mỗi phân ban chỉ học 4 môn (!).

Chính vì vậy mà tôi đã mua hai cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 11 và 12 của Nepal, và thấy mỗi cuốn dày đến... 700 trang (!) Lớp 11, 12 của ta đang học 12-13 môn và sách giáo khoa mỗi môn mỏng như... lưỡi mèo.

Phân ban sớm giảm kiến trhức chung

Là người từng trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy, xin ông cho biết với cách thay đổi như trên kéo theo việc thay đổi lại toàn bộ sách giáo khoa như vậy liệu người giảng dạy và người học có gặp khó khăn?

Phân ban sớm sẽ làm giảm thời gian học các kiến thức chung, những thứ sau này rất có ích trong cuộc đời và làm cơ sở cho việc tự học thêm để đáp ứng với các yêu cầu của cuộc sống.

Tuy nhiên, khi xem dự án của Bộ Giáo dục tôi không đồng ý việc tích hợp ba môn Lý-Hóa-Sinh và hai môn Sử-Địa (không hiểu nước nào làm như vậy). Dù Thủ tướng đã yêu cầu cho phép có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng nếu tích hợp như thế thì chắc chẳng có nhóm khoa học nào muốn viết sách giáo khoa.

Hơn nữa theo dự kiến mỗi phần trong các môn tích hợp này chỉ có 45 phút mỗi tuần (!). Trong khi đó lại dành tới 630 tiết cho môn Đạo đức-Công dân (!). Đúng là từ thái cực này chuyển sang thái cực khác.

Đừng nghĩ giảng nhiều về tiêu chí đạo đức thì học sinh sẽ sống tốt hơn. Càng khôi hài khi lại cắt khúc nội dung giảng dạy đạo đức thành từng phần qua các lớp học khác nhau (!). Tôi tin là trên thế giới không có nước nào làm như vậy.

Sắp tới Ủy ban Văn hóa – xã hội – thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sẽ có 1 ngày thảo luận về vấn đề này. Tôi sẽ phát biểu kỹ hơn về chuyện đó.

Kiến thức thi đại học hiện nay chủ yếu nằm trong chương trình 3 năm học THPT. Vậy nếu thay đổi chỉ còn lại 2 năm liệu có đảm bảo về mặt kiến thức cho các em thi đại học?

Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu phân ban sâu như nước Nepal. Thế hệ chúng tôi học cả bậc phổ thông chỉ có 9 năm, lại trong điều kiện cực kỳ khó khăn và vô cùng thiếu thốn của những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Nhưng nhờ có đội ngũ thầy cô giáo vừa giỏi vừa gương mẫu, cộng thêm tinh thần tự giác và ham thích học tập của học sinh, nên tuy học 9 năm nhưng đều nắm rất tốt các kiến thức cơ bản.

Bây giờ học sinh và thầy cô giáo quá đông nhưng học tới 12 năm, khoa học ngày càng phát triển, nếu phân ban sâu ở hai năm cuối cấp thì kiến thức sẽ rất đầy đủ. Tất nhiên là phải có một bộ chương trình chuẩn rất hợp lý, phù hợp với ba tiêu chí: hội nhập quốc tế, phù hợp với Việt Nam và có thể sử dụng được lâu dài.

Tôi đã nhiều lần kiến nghị là giao cho các Hội Khoa học chuyên ngành xây dựng Chương trình môn học dưới sự chỉ đạo của Bộ. Đây là Hội gồm những chuyên gia tài giỏi và các giáo viên nhiều kinh nghiệm giảng dạy phổ thông.

Để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay chúng ta nên chú trọng vào mặt nào hơn?

Bộ GD&ĐT nói Bộ đã có 40 chương trình giáo dục của các nước để tham khảo, như vậy là quá tốt. Nếu để các Hội khoa học chuyên ngành tham gia biên soạn chương trình có sự hỗ trợ của Bộ về các tài liệu tham khảo này và có một Hội đồng Nhà nước đủ uy tín thẩm định chương trình thì đâu có cần quá nhiều thời gian và cũng đâu có cần thật nhiều tiền bạc.

Thủ tướng đã yêu cầu có nhiều bộ Sách giáo khoa sau khi đã có một Chương trình chuẩn. Như vậy chỉ còn là công việc thi đua lành mạnh giữa các nhóm tác giả cùng với các Nhà xuất bản. Nhà nước đâu cần chi từ ngân sách cho công việc này.

Việc bồi dưỡng giáo viên cần thay đổi về cơ bản. Nên cung cấp từ Thư viện nhà trường các sách tham khảo sâu dịch từ nước ngoài (như cuốn Sinh học của R.Campbell dầy tới trên 2100 trang khổ 20x28 cm, in màu rất đẹp, các môn học học cũng đang có hoặc sẽ có các sách tham khảo được dịch quý như vậy) và giáo viên sẽ tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng bài giảng.

Việc bồi dưỡng chuyên môn như mọi năm thật sự là quá tốn kém và rất ít hiệu quả. Nếu cần bồi dưỡng theo tôi chỉ nên bồi dưỡng về Triết lý Giáo dục và Đạo đức người Thầy.

Xin cảm ơn GS!

Infornet, http://infonet.vn/gs-nguyen-lan-dung-toi-ung-ho-hoc-sinh-thcs-hoc-5-nam-post141994.info