Hiện nay dù sắp sửa chốt nguyện vọng thi vào 10 nhưng nhiều học sinh vẫn có nhiều bối rối dẫu được khuyến cáo cân nhắc tiêu chí tổ hợp môn tự chọn theo chương trình lớp 10 mới.

Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 trường tư thục tại TP HCM

Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 trường tư thục tại TP HCM

Thành phố HCM công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 trường tư thục. Theo tin tức này, hiện tại hệ thống tư thục thành phố có thể cung cấp 29.000 chỉ tiêu tuyển sinh.

Ngày 11/5, Hải Đăng, lớp 9, quận Thanh Xuân, hoàn thành phiếu đăng ký dự tuyển lớp 10 năm 2022-2023. Em tận dụng cả ba nguyện vọng lần lượt vào các trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân, Khương Hạ (cùng quận Thanh Xuân) và Đại Mỗ (quận Nam từ Liêm).

Đăng giải thích, hai tiêu chí để em sắp xếp nguyện vọng là trường gần nhà và điểm chuẩn vừa sức. Năm ngoái, trường Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân lấy 41 điểm, Khương Hạ 38, còn Đại Mỗ 34,5 (trung bình 5,75-6,8 điểm một môn). So với sức học của mình, Đăng đánh giá các lựa chọn này phù hợp.

Học sinh lớp 9 được khuyến cáo tìm hiểu kỹ tổ hợp các môn lựa chọn theo chương trình mới trước khi đăng ký nguyện vọng, nhưng Đăng bỏ qua.

Nhiều học sinh vẫn bối rối về chương trình lớp 10 mới dù sắp chốt nguyện vọng - Ảnh 1

Nhiều học sinh vẫn bối rối về chương trình lớp 10 mới dù sắp chốt nguyện vọng

Năm học 2022-2023 tới, Đăng sẽ học chương trình lớp 10 mới. Em chỉ phải học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Các em chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Theo lý thuyết, việc chọn năm môn từ ba nhóm môn tạo ra 108 cách. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường THPT có thể xây dựng 3-6 tổ hợp và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu của người học, đồng thời bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Khi được giải thích về chương trình mới và ba nhóm môn, Đăng nói có thể sẽ chọn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) cùng Lý, Tin học. Tuy nhiên, Đăng không tìm hiểu xem ba trường Trần Hưng Đạo, Khương Hạ, Đại Mỗ đã xây dựng những tổ hợp nào và công bố hay chưa.

"Em vẫn ưu tiên hai yếu tố gần nhà, điểm chuẩn vừa sức và đành chấp nhận chọn tổ hợp na ná nếu trường không có tổ hợp em muốn", Đăng nói.

Nhiều học sinh lớp 9 khác cũng ít quan tâm đến sự thay đổi trong chương trình lớp 10 dù việc chọn tổ hợp môn được cho là sẽ tác động đáng kể đến định hướng nghề nghiệp sau này.

Mai Chi, học sinh lớp 9 một trường THCS ở Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), ngơ ngác khi được hỏi về chương trình mới và việc lựa chọn môn học. "Không phải chỉ có tổ hợp kiểu Toán - Văn - Anh hay Toán - Lý - Hóa sao?", nữ sinh nhầm với tổ hợp xét tuyển đại học.

Không có khái niệm về chương trình mới, trong khi 13/5 là hạn cuối nộp phiếu đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 công lập, Chi cũng không phân vân nhiều. Em và gia đình đã thảo luận để xếp nguyện vọng cao nhất vào THPT Mỹ Đình theo các tiêu chí: gần nhà (cách chừng 2 km), điểm trúng tuyển năm ngoái phù hợp với khả năng (43 điểm).

"Em không nghe các bạn trong lớp nói gì về việc chọn tổ hợp hay chương trình mới. Chúng em chọn trường vẫn theo các tiêu chí như mấy năm trước, chủ yếu căn cứ vào chất lượng trường và có gần nhà hay không", Chi nói.

Trong một khảo sát học sinh, phụ huynh trên VnExpress về hiểu biết của họ đối với chương trình lớp 10 mới, chỉ 15% ý kiến khẳng định "hoàn toàn nắm rõ vấn đề", 40% "biết có sự thay đổi nhưng không nắm rõ chi tiết", 45% còn lại thậm chí "lần đầu nghe thấy" điều này.

Việc học sinh chưa quan tâm đúng mức đến các tổ hợp môn sắp học, theo nhiều lãnh đạo trường, là do các em thiếu thông tin.

Hiệu trưởng một trường liên cấp ở Hà Nội nhận định do ảnh hưởng của Covid-19, ba năm qua các trường có nhiều mối lo nên chưa thể tuyên truyền kịp thời về chương trình mới.

Bên cạnh đó, hầu hết các trường THPT ở Hà Nội chưa công bố tổ hợp môn tự chọn và chuyên đề sẽ triển khai trong năm học tới. "Học sinh vì thế không có thông tin để nghiên cứu hay cân nhắc", hiệu trưởng này nói.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết Sở không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho các trường THPT về việc công bố các tổ hợp môn tự chọn, bởi việc này ảnh hưởng đến quyền tự quyết của từng trường. "Chúng tôi thực hiện theo hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo", vị này nói.

Giữa tháng 4, Bộ yêu cầu các trường sau khi xây dựng tổ hợp phải công bố sớm, rộng rãi để học sinh, phụ huynh hiểu rõ để đăng ký, nhưng cũng không có quy định về thời hạn.

Sau khi đăng ký nguyện vọng, học sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM sẽ trải qua kỳ thi đầy cạnh tranh để giành một suất vào lớp 10 công lập. Ví dụ, hệ thống trường công ở Hà Nội chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, 77.000 chỉ tiêu trong số 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022. 40% còn lại sẽ theo học trường tư thục hoặc các trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Vì vậy, ở góc nhìn khác, bà Phạm Thị Hương Giang, hiệu trưởng THCS Nguyễn Tri Phương, cho rằng, trước khi nghĩ sẽ học tổ hợp môn nào, hầu hết học sinh chỉ quan tâm đến việc mình có đỗ trường công hay không.

Dù vậy, bà Hương Giang và nhiều nhà giáo khác nhận định các trường vẫn cần công bố sớm tổ hợp môn tự chọn. Điều này sẽ giúp học sinh đỡ bỡ ngỡ khi được yêu cầu chọn môn lúc mới vào lớp 10, đồng thời có căn cứ để chọn đúng trường và tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở thích.

> Biến động trong tỷ lệ chọi vào lớp 10, thí sinh có nên điều chỉnh nguyện vọng?

> Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Nhiều trường THPT có tỷ lệ chọi cao

Theo VnExpress