Kỹ năng giao tiếp: Cách bắt đầu và duy trì câu chuyện với bạn mới quen


Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người đều cố gắng phát triển bản thân mình. Kể cả mối quan hệ xã hội cũng vậy, bạn luôn luôn có những người bạn mới. Những mối quan hệ mới và hơn hết đó là những người xa lạ đối với bạn. Bạn nghĩ sao nếu mỗi ngày bạn có thêm một mối quan hệ và người bạn đó là người tốt. Thật tuyệt vời nếu như bạn là một người có kỹ năng giao tiếp hiệu quả, và chuyện giao tiếp với người lạ là điều rất dễ dàng với bạn. Nhưng nếu bạn chưa biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào, nói chuyện với người lạ ra sao thì hãy tham khảo các kinh nghiệm sau:


Các gợi ý hữu ích giúp bạn bắt chuyện với người lạ trong một sự kiện

1. Đây có phải là lần đầu bạn tham dự sự kiện như thế này không?

Đây là một trong những câu hỏi phổ biến nhất để bắt chuyện với người lạ tại bất kỳ sự kiện nào. Thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn hỏi câu như vậy? Ví dụ người nghe xác nhận rằng đây không phải là lần đầu của họ, bạn có thể hỏi tiếp về việc họ cảm thấy sự kiện này như thế nào so với các sự kiện họ đã tham gia. Khi đó, câu chuyện sẽ tự nhiên được duy trì, và bạn đã thành công trong việc bắt chuyện với người mới rồi.

Còn giả sử như đây là lần đầu của họ, bạn có thể tiếp tục bằng cách hỏi họ về cảm giác của họ khi đến những chỗ đông người như thế này hoặc hỏi họ cảm thấy sự kiện như thế nào và có dự định tham gia những ngày hội tương tự như vậy không. Tóm lại, câu nói trên là một mở đầu hoàn hảo cho bất cứ cuộc hội thoại nào tại các sự kiện đó.

2. Tôi rất thích những điều anh đã trình bày!

Nếu bạn muốn làm quen với diễn giả, đây có lẽ là lời mở đầu tuyệt vời nhất. Bạn thử nghĩ xem, ai mà không thích được khen, đặc biệt là khi diễn giả đã bỏ ra rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho bài nói tuyệt vời mà bạn vừa nghe xong. Mở đầu bằng một lời khen chân thành như vậy khiến bạn và diễn giả trở nên gần nhau hơn và mọi câu chuyện sẽ bắt đầu từ đó. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý khen cũng là một kỹ năng sống quan trọng cần phải học đấy nhé!

Vậy thì sau khi bạn nói câu đó, diễn giả sẽ đáp lại như thế nào? Họ sẽ cười và cảm ơn bạn. Và bây giờ bạn chỉ cần hỏi tiếp những điều chưa rõ trong bài nói vừa rồi của diễn giả thôi.

3. Bạn có biết chương trình kế tiếp gồm những gì không?

Đây cũng là một bí quyết bắt chuyện với người lạ trong giờ giải lao. Nếu giả sử người được hỏi biết về chương trình kế tiếp, họ sẽ kể cho bạn nghe về chủ đề đó. Và bạn chỉ cần dựa vào đó và hỏi thêm. Cuộc hội thoại vì vậy mà được duy trì.

Còn nếu họ không biết về chương trình sau giờ giải lao, 2 bạn có thể dựa vào những chủ đề trước đó mà tiên đoán cùng nhau. Đó cũng sẽ là một cuộc trò chuyện vô cùng hấp dẫn đó.

4. Bộ đồ của bạn mặc hôm nay đẹp quá!

Khen về cách ăn mặc của người khác là một lời khen luôn luôn nhận được nhiều sự ưu ái nhất. Hồi trước khi còn học đại học, trước buổi thuyết trình ít phút, tôi lo đứng ôn lại bài thì một bạn đi ngang qua bắt chuyện, câu đầu tiên mà bạn đó nói là: “You have a very nice suit!” (Bạn có một bộ vest thật tuyệt!”). Câu nói trên không chỉ giúp tôi giải tỏa bớt căng thẳng cho bài thuyết trình sắp tới, mà còn giúp chúng tôi nhanh chóng kết bạn nữa. Vì vậy, đừng bỏ qua lời khen kiểu này nhé!

Giao tiếp với bạn mới quen: Nói gì và nói như thế nào?Giao tiếp với bạn mới quen: Nói gì và nói như thế nào?

Một số quy tắc quan trọng khi giao tiếp với người lạ

1. Hỏi những câu phổ biến theo một cách riêng

Thông thường, khi mới quen, bạn sẽ hỏi những câu đại loại như "quê bạn ở đâu, quê bạn có đặc sản gì, bạn học ngành nào/làm việc gì..." Và hỏi theo kiểu "sơ yếu lý lịch" này sẽ khiến cho người nghe rất dễ chán. Và bạn cũng chẳng hiểu gì thêm về con người của họ cả, ngoài tên tuổi, quê quán.

Hãy thử nghĩ ra vài câu hỏi theo cách mà bạn cho là thú vị, về một thông tin phổ biến nào đó. Ví dụ, muốn biết tên của họ, bạn chỉ cần hỏi "bạn có phải tên là Lan không? - Không hiểu sao nhìn bạn mình lại đoán tên bạn là Lan (cười). Chắc chắn đối tác sẽ đính chính thông tin, bạn có được tên của họ và cuộc nói chuyện cũng thân mật hơn, không quá cứng nhắc nữa.

2. Đừng hỏi theo công thức

Phần chung chúng ta gặp một người nào đó đều hỏi thông tin sơ bộ của người kia, sau đó mới trò chuyện sâu hơn về các chủ đề vặt vãnh khác. Kỹ năng giao tiếp này khiến bạn trở nên thật nhàm chán trong mắt người đối diện, và làm cho không khí trở nên gượng gạo. Sao không thử hỏi chuyện theo một lối ngược lại và mở đầu câu chuyện bằng những câu liên quan đến bối cảnh lúc đó?  Chẳng hạn, nếu hai bạn đang đi tàu, xe, bạn có thể hỏi "bạn đi tàu/xe nhiều lần không? có bị say tàu xe không? Bạn có muốn đổi chỗ cho thoáng hơn không?...; hoặc ở thư viện, bạn có thể hỏi họ về một cuốn sách nào đó... Nghệ thuật giao tiếp với người mới quen này khiến cho hai người vào mạch chuyện trò được tự nhiên, sau đó bạn hỏi sâu hơn về thông tin cá nhân của họ cũng chưa muộn.

3. Hãy hỏi chuyện như thể bạn muốn biết thực sự

Nhiều bạn hỏi chuyện người khác nhưng khi nghe câu trả lời lại chỉ ậm ừ cho qua chuyện, rồi sau đó nói lảng sang chủ đề khác. Cách giao tiếp hời hợt này chẳng để lại ấn tượng cho nhiều người lắm. Hãy thực tâm khi nghe câu trả lời của họ, và đưa ra những câu hỏi sâu hơn về thông tin mà họ đưa ra. Ví dụ, nếu hỏi tên, sau khi người nghe trả lời, hãy hỏi thêm "tên bạn có nghĩa là gì?" Sau đó, bạn có thể nói về tên của mình và cái tên có thể trở thành một chủ đề thú vị hơn bạn nghĩ đấy.

4. Không hỏi chuyện riêng tư

Bạn muốn biết thêm về đời sống riêng của họ, quan điểm sống, chuyện tình yêu... của người đối diện? Một trong những câu hỏi vô duyên nhất của các chàng trai với cô gái mới quen là "em có người yêu chưa? Xinh như em chắc có người yêu rồi nhỉ..." Nếu bạn hỏi những câu như thế, người nghe sẽ cho rằng bạn bắt chuyện làm quen chỉ để tán tỉnh vẩn vơ chứ không thực lòng muốn nói chuyện với họ và sẽ gạch chéo tên bạn trong đầu ngay. Tốt nhất là đừng hỏi những chuyện như thế. Thay vào đó, bạn có thể chọn một trong những chủ đề sau để khéo léo tìm hiểu cuộc sống riêng của họ:

  • Bạn có nhiều bạn bè không?
  • Ngoài giờ học, bạn có hay đi chơi hay đi đâu đó không?
  • Mình thích xem tranh biếm họa lắm, hơi khác thường nhỉ. Bạn có thích làm gì kỳ quặc không?
  • Bạn biết khu mua sắm ABC chứ? Mình thấy con gái hay đến đó, không biết bạn thế nào?
  • Bạn giống một người bạn của mình quá. Này, bạn có hay chơi thể thao không? Bạn của mình thích hoạt động ngoài trời lắm.
  • Mình thấy càng lớn mọi người càng không sợ thầy cô giáo. Đặc biệt, sinh viên rất hay nói xấu thầy cô. Bạn có sợ thầy cô giáo không? (cười)

Các kỹ năng giao tiếp giúp duy trì sự hứng thú của cuộc nói chuyện

1. Cố gắng nắm bắt thông tin từ vẻ bề ngoài của người nói chuyện

Nếu tinh ý, chỉ từ việc quan sát trang phục, hành vi của người đối diện, bạn có thể thu nhận được một vài thông tin hữu ích về bản thân người đó. Ví dụ như đồng phục trường học, cơ quan tiết lộ nơi công tác của họ, cách trang điểm, ăn mặc tiết lộ tính cách,…

Kỹ năng giao tiếp thông qua ngôn ngữ cơ thể cho biết họ có hồi hộp hay thích thú khi nói chuyện với bạn hay không. Tín hiệu tích cực là hai tay cùng để trên bàn, nghịch ly nước, vuốt tóc…Tín hiệu tiêu cực là khoanh tay lại trước ngực, ngồi chống cằm, ngả người ra đằng sau trong khoảng thời gian dài, hay nhìn vào đồng hồ, điện thoại…

2. Gợi chuyện từ câu trả lời

Một trong những quy tắc giao tiếp hiệu quả là hãy cố gắng đào sâu những câu trả lời của họ bằng các câu hỏi sâu hơn để thể hiện sự quan tâm của bạn. Ví dụ, hỏi “quê bạn có đặc sản gì? Tên bạn đặc biệt quá, nó có ý nghĩa gì không vậy? Hồi cấp 3 bạn học trường nào? Bạn có nhiều bạn bè từ thuở nhỏ không?

Chú ý, chỉ hỏi những thông tin sơ bộ về bản thân họ, đừng hỏi các thông tin liên quan đến chuyện tình cảm cá nhân, thu nhập, nghề nghiệp của cả bố mẹ, anh chị em (hãy dành những thông tin về gia đình vào những lần hẹn sau nữa)…

3. Nghệ thuật đặt câu hỏi khi nói chuyện

Hãy thủ sẵn trong túi những câu hỏi mà bạn cho là thú vị, có thể hỏi được cho nhiều đối tượng. Đó là các dạng câu hỏi về sở thích, kỷ niệm vui, ý nghĩa của những điều liên quan đến họ, ước mơ của họ…

Hãy nghĩ đến chủ đề này và đầu tư cách đặt câu hỏi sao cho thú vị. Giả sử, câu hỏi này có thể rất nhàm chán “em có dự định gì không?”, thì bạn có thể hỏi “em có ước muốn đi đâu đó hay sau này được làm điều gì đó không? Rõ ràng là câu sau có vẻ tình cảm, thân mật hơn câu trước.

Khi họ trả lời, hãy tỏ thái độ lắng nghe nghiêm túc, thỉnh thoảng hỏi lại những điểm bạn cần biết thêm.

4. Hãy thành thật khi nói chuyện với người khác

Chúng ta không thể nói một mối quan hệ tốt đẹp mà thiếu đi sự chân thành của cả hai bên. Hãy lắng nghe chân thành và chia sẻ chân thành.

Để cuộc nói chuyện khỏi rơi vào im lặng, bạn có thể chia sẻ về bản thân bạn. Lưu ý khi kể về bản thân trong thời kỳ làm quen, đừng chia sẻ những chuyện buồn, chuyện quá riêng tư, thu nhập, tình hình tài chính của bạn. Điều này sẽ gây khó xử cho người nghe và khiến bạn trở nên thực dụng, kém tinh tế.

Kết luận

Những người bạn mới luôn là một ẩn số thú vị vì thế đừng ngại ngần bắt chuyện với một ai đó nhé. Việc giao tiếp nhiều sẽ giúp bạn tích lũy thêm nhiều kỹ năng giao tiếp hiệu quả cho bản thân. Đừng quên áp dụng những quy tắc và kinh nghiệm được chia sẻ trong bài trên vào các cuộc nói chuyện nhé! Chúc bạn sẽ tìm được nhiều người bạn tốt trong cuộc sống.

Tổng hợp

Bài viết theo chủ đề: kỹ năng giao tiếp, giao tiếp với người lạ, bí quyết bắt chuyện với người lạ, nghệ thuật giao tiếp với người mới quen, cách duy trì câu chuyện hứng thú, quy tắc giao tiếp với người lạ.