Nhưng TT không tự nhiên mà có, muốn hình thành được phẩm chất này cần phải có một quá trình giáo dục, bồi dưỡng lâu dài, cùng với ý thức tự rèn luyện của bản thân. Giống như cái cây non muốn đâm hoa kết trái cần trải qua quá trình vun xới, chăm sóc.
Việc hình thành phẩm chất TT cho trẻ cần phải được chú ý đến từ rất sớm. Trong đó, vai trò cơ bản trước hết thuộc về những người làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, ngày nay, một số bậc phụ huynh phàn nàn rằng, con họ hay nói dối. Các bậc cha mẹ khó chấp nhận được những đứa con do mình nuôi dưỡng, yêu thương lại nói dối mình. Tại sao trẻ lại hay nói dối? Đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi thì hành vi nói dối là do trẻ chưa phân biệt được sự khác nhau giữa thực tế và những điều tưởng tượng nên trẻ hay nói những điều không thực. Nhưng ở lứa tuổi lớn hơn, từ 6 đến 10 tuổi, trẻ đã bắt đầu có ý thức về hành vi nói dối của mình, nghĩa là, trẻ đã biết mục đích của việc nói dối. trẻ có thể nói dối vì rất nhiều lý do, có thể trẻ hay bắt chước từ hành vi của cha mẹ, để thu hút sự chú ý của người khác; có thể để tôn giá trị của mình lên hay nói dối vì sợ hình phạt... Nếu một đứa trẻ khi phạm lỗi mà cha mẹ không tha thứ, nó sẽ học cách bảo vệ mình tránh khỏi sự nguy hiểm bằng cách nói dối hoặc ngoan cố một cách quá mức.
Không một đứa trẻ nào sinh ra đã biết nói dối, đó không phải là một bản tính tự nhiên, vốn có ở trẻ mà chủ yếu được hình thành trong quá trình sống, học tập từ sự ứng xử từ những người xung quanh. Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt được mục đích, động cơ của việc nói dối. Nhà tâm lý học Adil cho rằng, không phải lúc nào cũng cần TT tuyệt đối. Có những lúc chúng ta buộc phải nói dối, nhưng xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, cao thượng (không muốn làm tổn thương người khác) thì đó là hành vi nói dối được chấp nhận và trong một số tình huống là hoàn cảnh cần thiết. Theo Adil, khi một người có chủ đích nói dối để xoa dịu nỗi đau, cảm giác tuyệt vọng và tiếp thêm nghị lực cho người khác, đó là một cử chỉ văn hóa, nhân văn và đáng được khích lệ. Chính vì vậy cần có một số biện pháp giáo dục trẻ trở thành người TT như sau:
1. Cần hướng dẫn trẻ tăng cường việc nói đúng sự thật
Tuy nhiên, trẻ nói dối vì nhiều lý do, trong đó lý do phổ biến là trẻ sợ việc nói thật sẽ khiến cha mẹ buồn, thất vọng, sợ bị đánh, sợ bị chê cười... Việc cha mẹ nghiêm khắc, áp lực con cái những chuẩn mực quá cao, vượt ra ngoài khả năng của trẻ cũng khiến trẻ dễ dàng nói dối. Như vậy trong quá trình phán xét hành vi nói dối, chúng ta cần chú ý đến mục đích, động cơ và thái độ của người nói dối. Tùy vào từng hành vi cụ thể cha mẹ phân tích cho trẻ hiểu hành vi đó được chấp nhận hay không. Mặt khác, nên giúp trẻ phân biệt những hành vi nói dối nào có thể chấp nhận được và hành vi nói dối nào không được phép để trẻ hiểu, nói dối là một hành vi xấu, làm đau lòng người khác và sẽ bị những người xung quanh xa lánh, ghét bỏ. Quan trọng hơn là giáo dục cho trẻ tính TT, từ lời nói đến cử chỉ, hành động. Tất nhiên không phải lúc nào cũng TT một cách tuyệt đối, bởi vì TT là một giá trị tinh thần, và là một trong những phẩm chất đáng quý nhất của con người. Một đứa trẻ có tính trung thực, nó sẽ tôn trọng, sống có trách nhiệm với bản thân, với người khác và xã hội. Rèn luyện cho trẻ tính TT cũng có nghĩa là giúp trẻ rèn luyện ý chí, dám chấp nhận, đương đầu với khó khăn, thử thách, không sợ thất bại, có ý chí vươn lên trong cuộc sống để sống tốt đẹp hơn.
Cha mẹ cần làm cho trẻ thấm nhuần một cách tự nhiên, rằng: nếu con người sống TT, đúng với bản chất của mình thì tất cả những gì mình mong muốn, những gì tốt đẹp sẽ đến với mình chứ không cần tranh giành, gian dối để đạt được. Nếu sống TT trẻ là người nhân ái, giàu tình yêu thương và chỉ có TT thì mới nhận được sự tôn trọng và lòng tin từ người khác.
2. Tôn trọng trẻ hết mực
Muốn trẻ nói đúng sự thật, sống thật với bản thân, trước hết, phải tôn trọng trẻ hết mực. Tôn trọng ở đây không có nghĩa là nuông chiều, dễ dãi hay "buông thả" cho trẻ tự do muốn làm gì theo ý muốn. Tôn trọng có nghĩa là chấp nhận, yêu thương con người thực tế của trẻ, trao cho trẻ quyền tự quyết trong cuộc sống dưới sự giám sát, khích lệ kịp thời của cha mẹ. Không áp đặt con cái những chuẩn mực quá cao, vượt ra ngoài khả năng của con ... Một đứa trẻ có thể có những mặc cảm về khuyết điểm nào đó của bản thân, thông thường, đa số cha mẹ, thầy cô đều chỉ trích trẻ, dẫn đến hậu quả trẻ mặc cảm, tự ti, không nhìn thấy những giá trị tốt đẹp của bản thân, hoặc phản kháng, nói dối để tự vệ ... Bởi vậy, thái độ của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến việc trẻ sẽ nói dối hay nói thật. Ví dụ như khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ đừng quá thất vọng và nạt lộ trẻ. Hãy tập trung vào những ưu điểm khác để khích lệ trẻ. Nếu cha mẹ luôn khích lệ trẻ mô tả lại sự việc một cách TT, sống TT, không chê bai, dè bỉu, coi thường kể cả những khuyết điểm của trẻ sẽ khiến trẻ can đảm nói thật và dám sống thật với bản thân mình.
3. Khuyến khích và khen ngợi khi trẻ nhận lỗi
Đa số trẻ khi phạm lỗi thường rất lo sợ bị cha mẹ trừng phạt. Đặc biệt, ở những gia đình mà sự giáo dục của cha mẹ nghiêm khắc một cách thái quá, không chấp nhận bất cứ một lỗi lầm nào đó dù rất nhỏ của trẻ, khi trẻ phạm lỗi, chúng sẽ học cách nói dối để che giấu tội lỗi của mình, hoặc đơn giản hơn là thăm dò xem cha mẹ có biết gì về việc nói dối của chúng không? Ví thử khi trẻ làm vỡ cốc, bát, đa số các bà mẹ sẽ la lên tức tối : "Tại sao con lại làm vỡ bát, con hậu đậu quá...", đứa trẻ có thể sợ hãi quá mà khăng khăng chối tội ...Thay vì tỏ ra giận giữ quá mức, bạn có thể ôn tồn nói : "Mẹ rất buồn khi con làm vỡ bát, con hứa với mẹ lần sau con sẽ cẩn thận hơn không để làm vỡ bát nữa. Có thể cuối cùng trẻ sẽ thú nhận là trẻ đã làm vỡ bát. Lúc đó đừng quên khen ngợi trẻ đã nói thật : "Mẹ rất vui vì con đã nói thật. Mẹ cảm ơn con". Trẻ biết cha mẹ vui khi trẻ nói thật, sau này chắc chắn sẽ không nói dối nữa. Nếu càng quở trách, trẻ sẽ nhận biết nếu mình nói thật sẽ bị cha mẹ la mắng thì sau này mình sẽ không nói thật nữa. Kết quả là cha mẹ vốn dĩ khuyên ngăn trẻ không nói dối nhưng ngược lại càng làm tăng thêm việc nói dối của trẻ. Như vậy, bất luận tình hình thế nào, cha mẹ không được nóng giận, vì nóng giận mà kịch liệt quở trách trẻ, trút hết những giận giữ lên trẻ sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Ví thử, một đứa trẻ khi đến nhà người khác chơi, thích một đồ vật nào đó, có thể cầm về nhưng không ý thức được việc lấy đồ là không tốt. Vì vậỵ, cha mẹ phải giải thích cho trẻ hiểu rằng, đó không phải là vật sở hữu của chúng và khi chúng muốn lấy đồ của người khác, chúng phải hỏi ý kiến của người khác xem họ có đồng ý không. Nếu chưa được sự đồng ý của người khác thì không bao giờ được tự tiện cầm về. Phải nói cho trẻ biết, lấy cắp đồ của người khác là hành vi không đúng. Sau đó, gợi xem trẻ sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào? Có thể nói với trẻ: Con nên nói với bạn rằng, khi con đến nhà bạn chơi, con rất thích đồ vật của bạn nên con đã cầm về mà chưa xin ý kiến bạn, con hãy xin lỗi bạn và trả lại đồ cho bạn.
Như vậy, hãy khuyến khích trẻ sống TT với cả những lỗi lầm của mình. Nếu trẻ dám thừa nhận lỗi lầm, đừng trừng phạt và trách móc, thay vào đó hãy khen ngợi trẻ ngoan và dũng cảm. Hãy nói với trẻ rằng, không ai sống mà không mắc lỗi. Người lớn cũng vậy, vì thế, đừng sợ hãi khi mắc sai lầm mà quan trọng là dám thừa nhận mình đã sai và lần sau không tái phạm nữa. Đó mới là người TT, dũng cảm.
4. Cha mẹ là những tầm gương
Có một thực tế là ngay cả người lớn không phải bao giờ cũng TT. Trong một số tình huống, chúng ta buộc phải nói dối vì việc nói thật có thể gây bất lợi cho chúng ta làm tổn thương người khác,...Nhưng, nếu cha mẹ từng nói dối trước mặt trẻ thì hãy nhận lỗi với trẻ, giải thích cho trẻ biết nguyên nhân và hứa lần sau nhất ðịnh sẽ không làm nhý vậy nữa, vì đó là việc không tốt. Bản thân người lớn phải gương mẫu, thành thực thì mới giáo dục được con cái thành thực. Khi trẻ nhìn thấy sự mẫu mực của cha mẹ, nhất định trẻ sẽ trở thành một đứa con nói năng, cư xử đều thành thực.
5. Giữ đúng lời hứa
Đây là một việc tưởng ra rất dễ nhưng người lớn lại...chẳng mấy khi thực hiện. Đôi khi, để tránh sự quấy rầy của trẻ, người lớn thường dùng cách hứa hẹn cho trẻ em cái này, cái kia...rồi sau đó quên. Đơn giản vì người lớn cho rằng đấy chỉ là lời hứa qua chứ không cần thiết phải thực hiện. Chỉ có trẻ thì vẫn nhớ. Thậm chí, nhiều năm sau vẫn nhớ. Nhiều lần như vậy, trẻ mất niềm tin vào cha mẹ, chúng cho rằng, mình chả có giá trị gì hoặc cha mẹ đang giễu cợt chúng. Bởi vậy, cách tốt nhất dạy trẻ TT là hãy thực hiện đúng lời hứa. Đã hứa gì nhất định phải thực hiện cho bằng được.
Tóm lại, nếu một đứa trẻ được lớn lên trong tình yêu thương, tôn trọng, sự giáo dục chu đáo, mẫu mực của cha mẹ, không khí đầm ấm, hạnh phúc của gia đình, người thân, đứa trẻ đó sẽ biết yêu quý những người xung quanh, cũng như yêu quý và trân trọng giá trị của bản thân mình. Đó là những giá trị quan trọng của cuộc sống để nuôi dưỡng tính TT cho trẻ - một phẩm chất quan trọng để làm nguời.
Bùi Thị Bình - Giảng viên khoa Bồi dưỡng