Sự kiện: Thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2011
Trong khi cả triệu thí sinh ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm trạng nhẹ nhõm thì rất nhiều phụ huynh ở Hà Nội “tim đập chân run” bởi con em mình đối mặt với một bước ngoặt khác: thi tuyển sinh vào lớp 1 của một số trường tư thục.
Chờ đến lượt thi (ảnh chụp tại trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm). Ảnh: Hoàng Thùy. Sự kiện: Thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2011 |
Cuộc đua giữa các phụ huynh
Mùa tuyển sinh năm nay được mở màn vào cuối tháng 5 bằng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 1 trường Tiểu học Nguyễn Siêu. Theo danh sách, khoảng gần 400 thí sinh dự thi trong khi chỉ tiêu là 150. Chị H., khu tập thể Khí tượng Thuỷ văn, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội cho biết, năm nay trường Nguyễn Siêu tổ chức thi trong hai ngày, một nửa thí sinh thi ngày 23-4, nửa còn lại thi ngày 24-4.
Tất cả thí sinh sẽ ở lại trong trường từ đầu giờ sáng đến cuối giờ chiều. Buổi trưa các con ăn ngủ ngay tại trường. Chị H. nói: “Cháu nào ra về trông cũng rất hớn hở, tự tin. Cu Bi nhà tôi còn khẳng định, con đỗ rồi. Nhưng hỏi thi những gì thì không kể được khiến mẹ lo thót tim”.
Đúng như linh cảm của chị H., cháu Bi không đỗ. “Tôi không dám cho con thi vào trường Đoàn Thị Điểm mà chỉ cho thi một số trường đỡ nóng hơn. Nếu không được, tôi chỉ còn cách cho con học trường công đúng tuyến”, chị H. nói.
Một trong những lý do chị H. không dám cho con thi vào trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là bởi trường này vốn nổi tiếng khó về khâu tuyển đầu vào. Gần đây, cư dân mạng xôn xao về đề thi vào lớp 1 các năm gần đây của trường Đoàn Thị Điểm.
Một số người cho rằng nội dung đề thi giống phần thi Tăng tốc của một chương trình kiểu như đường lên đỉnh Olympia (cấp Tiểu học). Người thì giễu, với những đề thi kiểu này, trong tương lai Việt Nam sẽ là một quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới.
Một thành viên diễn đàn Toán Tin (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) bình luận: “Tôi nghĩ với kiến thức này và cái mà các em sẽ được học trong lớp 1 là quá chênh lệch. Nếu em nào làm được toàn diện bài này thì kiến thức lớp 1 với em đó không còn khó nữa”.
Trường Đoàn Thị Điểm đã tổ chức thi ngày 28-5 với khoảng 1.400 thí sinh dự thi trong khi chỉ tiêu là 400 em. Chị Th. (khu tập thể trường ĐH Giao thông Vận tải, Cầu Giấy) là một trong những phụ huynh có con may mắn lọt vào danh sách học sinh trúng tuyển năm học 2011 - 2012 cho biết, để “luyện thi” vào trường Đoàn Thị Điểm, con chị đã phải sinh hoạt tại CLB Tuổi Thơ của trường từ đầu tháng 3-2011.
Ngoài ra, con chị tham gia một nhóm học thêm do chính một cô giáo của trường dạy, tuần 1 buổi, gần đến thời gian thi tăng lên tuần 2 buổi. Đó là chưa kể, từ hai năm nay cháu theo học tiếng Anh đều đặn ở trung tâm Apollo.
“Khi biết tin con trúng tuyển vào trường Đoàn Thị Điểm, nhiều bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng. Dù tự nhủ mình phải tỉnh táo nhưng thú thực tôi không thể không hãnh diện. Tôi nghĩ, ngay cả những người có con đỗ ĐH, chắc họ cũng chỉ vui mừng đến như tôi”, chị Th. nói.
Áp lực cung - cầu
Khác với nhiều trường tư thục, trường Tiểu học Thực nghiệm (một đơn vị của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhưng hoạt động theo mô hình ngoài công lập) khống chế số lượng đơn được phát hành nên tình hình nóng ngay từ ngày phát đơn.
Gần như năm nào báo chí cũng đưa tin việc phụ huynh xếp hàng chầu chực mua đơn từ 3 - 4 giờ sáng nhưng năm nay trường vẫn không cải thiện được tình hình.
Theo thông báo, 8 giờ trường bắt đầu bán đơn nhưng nhiều phụ huynh khẳng định, 7 giờ 30 đã không còn đơn để bán. Có phụ huynh cho biết, họ được một số cò chào bán đơn lại với giá 500.000 đồng/tờ.
Trường Thực nghiệm bắt đầu tổ chức thi từ ngày 4-6, thời điểm kỳ tốt nghiệp THPT bước vào ngày thi cuối cùng. Trường phát hành khoảng 600 đơn trong khi chỉ tuyển 180 học sinh.
Cuộc đua vào lớp 1 các trường ngoài công lập của các phụ huynh sẽ kéo dài từ nay cho đến gần hết tháng 6. Trường Tiểu học Lô-mô-nô-xốp sẽ thi vào 11-6. Trường Tiểu học Lê Quý Đôn thi ngày 18-6. Dù mọi năm việc tuyển sinh của những trường này không mấy căng thẳng nhưng nhiều phụ huynh vẫn lo lắng. Có phụ huynh phát hoảng khi nghe nói trường Lê Quý Đôn có 360 chỉ tiêu trong khi số đăng ký dự thi nghe đâu lên đến 1.000.
Theo nhiều phụ huynh, dù hằng năm Hà Nội đều có thêm trường tư thục cấp tiểu học nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu cho con theo học ở mô hình này của đông đảo phụ huynh.
Anh K. (CT4B, khu đô thị mới Bắc Linh Đàm) nói: “Đa số các trường mới mở về sau đều hướng tới phụ huynh có mức thu nhập rất cao. Những trường có các khoản đóng góp tầm 3 đến 5 triệu đồng/ tháng mà cơ sở vật chất khang trang, nề nếp đã đi vào ổn định, quanh đi quẩn lại chưa đến chục trường. Đã vậy những trường này đều có hướng khai thác dịch vụ chất lượng cao, dù số lớp không giảm nhưng số chỉ tiêu lại giảm, áp lực cung - cầu càng căng thẳng”.
Cũng theo các phụ huynh, những người có thu nhập mức trên dưới 10 triệu đồng/ người/ tháng thường có xu hướng lựa chọn dịch vụ giáo dục tốt hơn cho con em nên khi lựa chọn chỗ học cho con em, họ thường chọn hoặc trường tư, hoặc trường công có tiếng. Với trường công có tiếng nếu học trái tuyến thì phải chạy.
“Dù kiểu thi như một số trường ngoài công lập hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tôi thấy vẫn còn hơn chạy vào các trường công lập”, chị Ng., ở phố Trung Kính nói.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, một khi áp lực quá lớn giữa cung và cầu như hiện nay, việc xuất hiện các hình thức thi tuyển căng thẳng, thậm chí lệch lạc ở một vài trường là điều không thể tránh khỏi. Nhưng để giải quyết vấn đề này cần có một chính sách giáo dục ở tầm vĩ mô, “tôi nghĩ nó không quá khó. Chẳng hạn, các trường công chịu rất nhiều trách nhiệm xã hội thì trường tư cũng không thể đứng ngoài khi mà họ có rất nhiều quyền lợi nhờ người học. Tuy nhiên, để nhấn nút cho việc điều chỉnh này cần sự dũng cảm của những người làm chính sách” - PGS.TS Bình nói.
Thông tin tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh 2011, tin tuyển sinh mới nhất.
Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.
Kenhtuyensinh (Nguồn Tienphong)