Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường

Sau nhiều tranh cãi về cấu trúc lại chương trình phổ thông với thời lượng 11 năm thay vì 12 năm như hiện nay để tiết kiệm chi phí đào tạo cũng như thời gian học tập, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, hệ phổ thông vẫn kéo dài 12 năm khi chưa thể thực hiện học 2 buổi/ngày ở toàn bộ các cấp học.

 

Liệu có thể tiết kiệm bằng cách giảm số năm học?

Giảm 1 năm học sẽ ảnh hưởng chất lượng giáo dục

Cùng với việc chính thức hoàn thành dự thảo Đề án đổi mới giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng phân tích rõ hơn về phương án lựa chọn thời gian học phổ thông 12 năm thay vì 11 năm như nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất. GS Hồ Ngọc Đại, Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục đã trực tiếp đề xuất về phương án 11 năm bậc phổ thông nhằm giảm bớt chi phí kinh tế, đồng thời tạo cơ hội để học sinh sớm đi vào cuộc sống lao động hoặc tiếp tục học lên. Thực tế, một số nước trên thế giới đã thực hiện giáo dục phổ thông 11 năm như Malaysia, Nga…, tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết, khảo sát thì chỉ có 36/206 nước (17,5%) giáo dục phổ thông là 11 năm.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mặc dù mô hình giáo dục phổ thông của Việt Nam kéo dài 12 năm nhưng do chỉ dạy học 1 buổi/ngày nên tổng số giờ học của Việt Nam chỉ là 7.924 giờ, trong khi giờ học trung bình của các nước được khảo sát là 8.984 giờ. Theo Ban soạn thảo Đề án đối mới giáo dục Việt Nam thì việc áp dụng phương án 11 năm cộng với việc tổ chức dạy học chủ yếu 1 buổi/ngày như hiện nay thì tổng số giờ học phổ thông sẽ giảm xuống mức rất thấp, ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục. “Còn nếu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì sẽ phải bổ sung rất nhiều điều kiện như tăng số lượng phòng học và các phương tiện dạy học… Thực tế ở nước ta hiện nay chỉ có một số ít cơ sở giáo dục phổ thông có điều kiện dạy học 2 buổi/ngày”.

Phân hóa - tích hợp thay thế cho phân ban

Sau sự thừa nhận thất bại của ngành giáo dục về hình thức phân ban trong bậc học phổ thông, biện pháp được cho là thay thế hình thức này là dạy học phân hóa. Ông Bùi Mạnh Nhị, Thường trực Ban soạn thảo Đề án đổi mới giáo dục cho biết, phương pháp dạy học phân hóa sẽ giúp giáo viên tổ chức dạy học tùy theo đối tượng, nhằm đảm bảo yêu cầu giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, nhịp độ, khả năng, nhu cầu và hứng thú khác nhau của người học, trên cơ sở đó phát triển tối đa tiềm năng vốn có của học sinh. Điều này sẽ giúp giải quyết yêu cầu của thị trường lao động, cần phân hóa để cung cấp cho giáo dục đại học, cao đẳng, trường nghề nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu chuyên sâu về một lĩnh vực khoa học hoặc ngành nghề chuyên biệt.

Việc phân hóa này sẽ triển khai ngay ở bậc tiểu học và THCS, ngoài những môn học bắt buộc, học sinh sẽ được chọn thêm các chủ đề, hoạt động giáo dục khác phù hợp năng lực, sở thích, nhu cầu. Sau THCS, học sinh sẽ phân luồng, học ở trường THPT hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ở THPT sẽ tổ chức dạy học phân hóa theo hướng tự chọn. Học sinh có thể sẽ học 7 – 10 môn bắt buộc, còn lại là các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn nhằm giúp học sinh có nhận thức thấu đáo hơn các lĩnh vực kiến thức khác nhau, làm cơ sở cho việc định hướng sau này. Lớp 11 và 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao. Dự kiến có 3 môn bắt buộc: Tiếng Việt, Toán và Ngoại ngữ. Đồng thời, học sinh được chọn 3 môn/chủ đề trong danh mục Vật lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Khoa học về máy tính, Kinh doanh, Ngoại ngữ 2, Nghệ thuật…

Bên cạnh đó, cùng với phân hóa, dạy học tích hợp sẽ được tích cực triển khai nhằm giúp hạn chế quá tải. Số môn học ít đi, các nội dung kiến thức gần nhau, liên quan đến nhau sẽ được nhập vào cùng một môn học, tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học. “Tích hợp và phân hóa là xu thế dạy học phổ biến trên khắp thế giới, chỉ khác nhau ở hình thức và mức độ. Ở Việt Nam, hiện chương trình giáo dục phổ thông đã có cố gắng thực hiện dạy học tích hợp và phân hóa nhưng so với các nước thì còn nhiều hạn chế khi chưa tích hợp được nhiều lĩnh vực thành một môn học, chưa phát huy được chất lượng, hiệu quả phân hóa mà để học sinh “tự phân hóa” theo các môn khối thi...” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

 

Theo: ANTĐ (Tin bài gốc)