Tuần sau, các thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là giai đoạn nước rút trong việc ôn tập của các thí sinh, các nhà trường. 

Giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1

Bạn nên lưu ý những gì trong giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT?

Ôn thi tốt nghiệp ở vùng khó khăn

Giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp lại trùng đúng vào cao điểm thu hoạch quả vải ở Bắc Giang. Hoàng Văn Minh (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) là con lớn trong gia đình mà thu nhập của cả nhà trông vào mấy vườn vải. Bố mẹ chẳng bắt thì tự Minh cũng hiểu mình là lao động chính, ban ngày học ở lớp, chiều tối về phụ giúp gia đình nhưng cao điểm thu hoạch vải là ban đêm, để sáng sớm bố mẹ kịp ra chợ bán.

Ở trường của Minh, nhiều bạn cũng cùng chung hoàn cảnh. Tại các lớp ôn thi tốt nghiệp thường diễn ra cảnh học sinh đi muộn vì còn phải phụ giúp gia đình. Trải qua mấy năm ảnh hưởng của dịch bệnh nên càng đến ngày thi, các bạn càng lo lắng.

Nắm trước được tình hình nên từ đầu năm, Trường THPT Lục Ngạn 2 đã lên kế hoạch ôn luyện cho học sinh. Thời điểm này, việc ôn thi chia thành 2 nhóm. Những em chỉ có nguyện vọng thi để tốt nghiệp THPT sẽ ôn riêng, nhóm còn lại thi còn để xét tuyển vào đại học. Với những nhóm này, ngoài việc ôn luyện chung, nhà trường bố trí cho những em có cùng nguyện vọng vào các trường sẽ ôn tập với nhau để tập trung cao nhất có thể.

Kỳ thi đã đến gần, chỉ có tập trung ôn luyện mới cho kết quả tốt. Và những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ càng phải nỗ lực hơn để sử dụng hiệu quả quãng thời gian còn lại này.

Trong khi các thí sinh, các nhà trường nỗ lực ôn luyện cho kỳ thi sắp diễn ra thì vấn đề phòng chống gian lận thi cử cũng được tuyên truyền đến các thí sinh, các khâu tổ chức thi, các điểm thi. Những đơn vị thuộc Bộ Công an có trách nhiệm tham gia đảm bảo an toàn cho kỳ thi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra, giám sát trong từng khâu.

Phòng chống gian lận thi cử

Đại diện Bộ Công an cho biết, hiện các thủ đoạn gian lận thi cử rất tinh vi. Thí sinh có thể gắn camera như một chiếc cúc áo ở ngực áo hoặc cổ tay áo. Những camera này sẽ chụp đề thi, rồi kết nối với một thiết bị mà thí sinh để trong balo, cặp sách ngoài hành lang. Thiết bị này lại kết nối với một thiết bị khác bên ngoài để các đối tượng giải bài thi, phát tán đề thi. Sau đó, sẽ đọc đáp án hoặc gửi hình ảnh bài giải cho thí sinh trong phòng thi. Vì vậy, khu vực phòng thi và nơi để đồ dùng của thí sinh phải cách nhau ít nhất 25m để đảm bảo an toàn.

Thí sinh, cán bộ phục vụ thi cần nắm rõ, việc để lộ lọt đề thi hay gian lận trong làm bài thi có thể bị xử lý hình sự. Và khi một vụ việc xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến một thí sinh hay cán bộ vi phạm mà còn ảnh hưởng đến cả phòng thi, cả điểm thi, thậm chí của cả một địa phương.

Theo quy định, những thí sinh nào là F0 mà vẫn muốn dự thi, sẽ được ngồi ở một phòng riêng, dự phòng từ trước để làm bài thi. Lực lượng an ninh cũng sẽ được tăng cường ở những khu vực này. Ở cả vòng trong, vòng ngoài, việc đảm bảo an ninh trật tự sẽ được tăng cường tối đa, đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ là 1 trong 5 phương án để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

Thời điểm này, các trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh 2022. Có một điều dễ nhận thấy trong các đề án năm nay là sự đa dạng về phương thức xét tuyển. Một số trường thậm chí còn bổ sung thêm tiêu chí mới để đánh toàn diện năng lực của thí sinh. Qua đó lựa chọn thí sinh phù hợp với ngành đào tạo.

Tiêu chí mới trong xét tuyển đại học 2022

Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, về cơ bản các tiêu chí xét tuyển đều được giữ nguyên như những năm trước. Chỉ khác là năm nay, trường áp dụng thêm tiêu chí ưu tiên xét tuyển với những thí sinh có năng lực về văn thể mĩ và hoạt động cộng đồng. Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh không phải là trường duy nhất áp dụng tiêu chí xét tuyển này dù thuộc khối kĩ thuật.

Trong khi đó, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch lại sử dụng điểm thi THPT môn Ngữ văn làm tiêu chí phụ để xét tuyển trong trường hợp thí sinh có điểm ngang bằng nhau. Nghe thì có vẻ nghịch lý thế nhưng theo nhiều chuyên gia, đây là xu hướng tuyển sinh trong tương lai nhằm đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm cả kĩ năng xã hội.

So với những năm trước, năm nay tính tự chủ trong tuyển sinh được các trường phát huy tối đa. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào điểm thi THPT, các trường đã chủ động xây dựng thêm nhiều phương thức tuyển sinh, mở rộng tiêu chí xét tuyển, gia tăng tổ chức đợt thi riêng, đánh giá năng lực. Dù chỉ tiêu mà nhà trường dành cho các tiêu chí xét tuyển này không nhiều nhưng cho thấy sự chuyển động trong tư duy tuyển sinh - đào tạo đại học.

Có thêm nhiều tiêu chí, phương thức xét tuyển đồng nghĩa thí sinh có thêm cơ hội. Mỗi tiêu chí, phương thức có ngưỡng đảm bảo chất lượng riêng, cách thức tính điểm khác nhau. Vì thế lời khuyên thí sinh cần nghiên cứu kĩ đề án tuyển sinh của các trường, dựa vào kết quả đã có, thế mạnh bản thân để chọn lựa phương thức xét tuyển phù hợp. Bắt đầu 22/7 các thí sinh thực hiện đăng kí xét tuyển nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.

Môn Văn: bám sát kiến thức cơ bản, đọc kỹ văn bản và luyện viết thường xuyên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thơm - giáo viên Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết, điều quan trọng nhất trong quá trình ôn tập là phải bám sát kiến thức cơ bản, đọc kỹ văn bản và luyện viết thường xuyên.

Về phần đọc hiểu, có các dạng câu hỏi như nhận biết, tái hiện, thông hiểu, vận dụng. Với dạng câu hỏi nhận biết, học sinh cần nắm chắc kiến thức về các thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thể loại,...

Còn với dạng câu hỏi tái hiện, chú ý từ khóa đề bài để xác định đúng định hướng, phạm vi kiến thức. Theo cô Thơm, tiêu chí tiên quyết của dạng câu hỏi này là học sinh cần bám sát ngữ liệu đọc hiểu về ngữ âm, từ vựng, mệnh đề, kiểu câu. Khi trình bày các kiến thức có yếu tố liệt kê, cần tôn trọng cách sử dụng dẫn chứng, đặt ngữ liệu trả lời trong dấu ngoặc kép.

Khi làm dạng câu hỏi thông hiểu, học sinh chú ý dựa vào văn bản và hiểu biết của bản thân trình bày vấn đề một cách khoa học, khách quan.

“Để tránh mất điểm ở dạng câu hỏi này, các em cần bám sát ngữ liệu đọc hiểu, từ đó trình bày lần lượt những hiểu biết của bản thân về vấn đề. Với ngữ liệu là thơ, câu hỏi thường liên quan đến các biện pháp tu từ, ý nghĩa nhan đề, chi tiết, hình ảnh,... có khả năng biểu đạt và biểu cảm lớn.

Với ngữ liệu văn nghị luận thường là quan điểm chủ quan của người viết về vấn đề đặt ra trong ngữ liệu, cách hiểu của người đọc về vấn đề. Do đó, nếu câu hỏi có lệnh đặt ‘theo anh/chị,...’ học sinh cần thể hiện rõ thái độ, quan điểm chủ quan xoay quanh vấn đề nghị luận”, cô Hoàng Thị Thơm nhấn mạnh.

Riêng với dạng câu hỏi vận dụng ở phần đọc hiểu, thường đề cập trực tiếp đến quan điểm, thái độ hoặc tình cảm của học sinh, từ đó yêu cầu học sinh đưa ra một số ý kiến, giải pháp.

Cô Thơm lưu ý: “Các vấn đề đặt ra trong câu hỏi đọc hiểu sẽ không lặp nhau nhưng có tính định hướng, gợi mở cho nhau. Vì vậy, đọc kĩ ngữ liệu, câu hỏi là điều vô cùng quan trọng, tránh lạc đề”.

Ngoài ra, đối với câu nghị luận xã hội, giáo viên dạy Văn của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ chia sẻ thêm, học sinh cần hệ thống lại kiến thức, kĩ năng đối với từng dạng đề nghị luận xã hội: về một tư tưởng đạo lí, một hiện tượng đời sống,... để lựa chọn cách làm phù hợp nhất.

Trong quá trình làm bài, phải biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, dùng luận cứ, luận chứng thuyết phục, chặt chẽ, thể hiện được hiểu biết, thái độ, quan điểm của bản thân. Đặc biệt, khi dùng luận chứng phải đảm bảo tính logic, khách quan và thuyết phục.

Bên cạnh đó, phần nghị luận văn học - phần chiếm nhiều điểm nhất của bài thi nên học sinh cần dành khoảng thời gian phù hợp để ôn luyện, tránh học tủ.

“Học sinh cần ôn tập theo chủ đề, hệ thống kiến thức có so sánh đối chiếu để nhận diện được sự vận động trong từng tác phẩm, từng giai đoạn văn học, chỉ ra được dấu ấn riêng trong cá tính sáng tạo của tác giả. Ngoài ra, các em phải nắm chắc kỹ năng làm bài cho từng dạng đề như nghị luận về một ý kiến bàn về văn học hay nghị luận về một đoạn trích,...”, cô Thơm nói.

Môn Toán, Hóa: Luyện đề để nâng cao kỹ năng làm bài

Đối với môn Toán, thầy Nguyễn Minh Thắng, giáo viên Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, trong giai đoạn “nước rút” như hiện tại thì với từng đối tượng học sinh sẽ có các kiểu ôn tập khác nhau.

“Đối với học sinh yếu, trung bình thì thời điểm này tập trung vào các chương lớp 12 như chương hàm số, mũ - logarit, nguyên hàm, tích phân, số phức,.. Các bạn đặt mục tiêu 7 - 8 điểm không nên ôn kiểu dàn trải, học mới mà phải ôn các dạng chắc chắn sẽ thi, dạng cơ bản. Trong quá trình luyện đề, học sinh cần xác định sẽ bỏ luôn 5 câu vận dụng cao, tập trung vào luyện từ câu 1 đến câu 40 để làm quen với dạng bài, cách giải và để tránh mất thời gian.

Riêng đối với các bạn có mục tiêu điểm cao hơn, 9 - 10 điểm thì tập trung luyện các dạng vận dụng cao. Bài thi có 5 câu vận dụng cao và nằm ở các chương khác nhau, tỷ lệ cao sẽ rơi vào các chương hàm số, mũ - logarit, số phức, tích phân và 0xyz”, thầy Thắng nói.

Thầy Nguyễn Minh Thắng cũng bày tỏ, nhiều câu hỏi học sinh biết làm nhưng do đọc đề không kỹ hoặc dạng bài chỉ thay đổi một chút nhưng không để ý dẫn tới sai sót trong quá trình tính toán. Chính vì vậy, với mỗi câu hỏi, học sinh cần đọc kỹ đề bài tránh những sai lầm không đáng có.

Ngoài ra, học sinh không nên phụ thuộc vào việc bấm máy tính mà phải nắm chắc kiến thức, cách làm bài và đặc biệt là luyện nhiều đề.

Còn đối với môn Hóa, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, Hóa là môn học có tính hệ thống cao và kiến thức liên quan đến nhau. Vì vậy, để học tốt kiến thức của những năm sau học sinh cần học chắc kiến thức của năm trước.

Hóa quan trọng nhất phải có gốc, gốc chắc thì quá trình học mới thuận lợi. Tuy nhiên, trong thời điểm “nước rút” như hiện nay, các bạn cần tập trung vào kiến thức lớp 12 và tích cực làm đề, luyện đề. Học sinh có thể nghiên cứu đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bài thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hoặc đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia .

“Khi làm nhiều đề, học sinh sẽ đánh giá được hàm lượng kiến thức mình có, chỗ nào còn vướng mắc thì tập trung cải thiện để nâng cao điểm số. Ngoài ra, luyện đề giúp tăng phản xạ làm bài. Dạng bài thi là trắc nghiệm, quỹ thời gian làm bài cho 1 câu khoảng 1 phút nên ngoài việc làm đúng, làm được thì còn phải làm nhanh. Học sinh chỉ có thể làm nhanh khi thành thạo dạng bài.

Thông thường, đề thi chính thức sẽ bám sát đề tham khảo. Trong đề tham khảo 2022 ngoài những câu hỏi truyền thống như câu hỏi liên quan đến các bước thí nghiệm, một số bài tập tổng hợp về hidrocacbon, este, hỗn hợp các chất vô cơ tác dụng với axit thì có một dạng bài nhiều năm gần đây không hay gặp nhưng năm nay lại có, đó là bài tập điện phân. Khi đề tham khảo có thì khả năng cao đề chính thức cũng có”, thầy Ngọc phân tích.

Ngoài việc chuẩn bị tốt về kiến thức thì sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý cũng vô cùng quan trọng. Cô Hoàng Thị Thơm, giáo viên dạy Văn của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ đưa ra lời động viên đối với các sĩ tử: “Kì thi đang đến gần, các em cần giữ sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, phân bổ thời gian học tập khoa học”

Hà Nội tuyển sinh trực tuyến từ 1/7

Mạo danh nhà trường gửi tin nhắn lừa đảo thông báo phụ huynh học sinh đóng tiền

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp