1. Trong đợt nộp hồ sơ xét tuyển đầu tiên, em có thể nộp cho nhiều trường cùng lúc hay khi rớt rồi mới được nộp trường khác?

Năm nay thí sinh sẽ nhận được 4 phiếu báo điểm sau khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, phiếu thứ nhất dành cho nguyện vọng (NV) 1 dùng để xét tuyển đợt đầu tiên và 3 phiếu cho NV bổ sung ở các đợt tiếp theo. Trong đợt nộp hồ sơ xét tuyển đầu tiên (NV1) em chỉ đợc nộp duy nhất cho một trường đại học. Trong khoảng thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển NV1, nếu thí sinh cảm thấy mình khó đậu hoặc muốn chuyển sang một ngành khác, trường khác thì liên hệ với trường để rút hồ sơ. Khi các trường đã công bố kết quả, nếu không trúng tuyển, thí sinh sẽ dùng 3 phiếu còn lại để xét các NV bổ sung.

2. Nếu như trong 20 ngày em cảm thấy mình không có khả năng đỗ thì em sẽ nộp sang trường khác, nhưng nếu em đã lọt vào danh sách trúng tuyển mà vẫn muốn rút hồ sơ để nộp sang trường khác được không ạ?

Trong vòng 20 ngày xét tuyển của đợt 1 (1/8 đến 20/8) em có thể rút hồ sơ để chuyển sang ngành khác của trường hoặc nộp qua trường khác. Dù cảm thấy mình có khả năng trúng tuyển nhưng nếu muốn chuyển sang ngành/trường khác em vẫn có thể rút hồ sơ để nộp trong thời gian cho phép của đợt xét tuyển nguyện vọng 1.

3. Rút hồ sơ xét tuyển ở đâu? Như thế nào?

Các trường sẽ quy định cụ thể việc rút hồ sơ nhưng cơ bản sẽ có 2 hình thức: Rút hồ sơ qua bưu điện (hoặc online) và rút trực tiếp tại trường. Trong quá trình theo dõi thông tin, khi muốn rút hồ sơ em liên hệ trực tiếp tới trường đã nộp hồ sơ xét tuyển để được hướng dẫn.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người tham gia đăng ký xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học, cao đẳng cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến. Bộ sẽ có phần mềm để thống nhất về quy trình.

Đây là điều rất thuận lợi cho các sỹ tử ở xa các trường muốn dự tuyển có thể đăng ký vào trường mình mong muốn mà không phải mất thời gian, công sức và tiền bạc để đi lại.

4. Các thầy cô có thể giải thích giúp em quy định này ạ: Điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn đợt trước”, em không hiểu ở ý này?

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đăng quy định “điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước“ có nghĩa là điểm xét tuyển ở các nguyện vọng 2, nguyện vọng 3... đều phải bằng hoặc cao hơn điểm xét tuyển của nguyện vọng 1. Ví dụ điểm chuẩn của nguyện vọng 1 là 21 thì ở nguyện vọng 2,3 điểm trúng tuyển phải từ 21 trở lên.

5. Cho em hỏi mức độ ưu tiên trong cùng đợt xét tuyển có ảnh hưởng tới điểm chuẩn không? Có phân biệt điểm chuẩn giữa thí sinh xét tuyển ưu tiên 2 và thí sinh xét tuyển ưu tiên 1 vào cùng 1 ngành của 1 trường trong một đợt xét tuyển không ạ?

Điểm trúng tuyển trong cùng 1 ngành, cùng 1 đợt tuyển sẽ không có sự phân biệt giữa các mức độ ưu tiên xét tuyển, không có tình trạng thí sinh 22 điểm trượt còn thí sinh 21 điểm trúng tuyển chỉ vì thí sinh 22 xét vào ngành đó là ưu tiên 2 (sau khi không đủ điểm vào ngành ưu tiên 1) còn thí sinh 21 điểm là ưu tiên 1. Các mức độ ưu tiên từ 1 đến 4 nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có thể đăng ký các ngành học theo sở thích, khả năng của bản thân, gia tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh. Thí sinh đã trúng tuyển ở ngành ưu tiên trước sẽ không được xét ở các ngành sau.

6. Em xét tuyển vào trường công an thì sau khi có điểm em sẽ nhận giấy báo hay là giấy báo điểm sẽ nộp về trường em đã đăng ký xét tuyển ạ? Nếu em nhận giấy báo thì sẽ phải nộp đi đâu ạ?

Để hoàn thiện hồ sơ xét tuyển vào các trường công an, ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia 2015, thí sinh liên hệ với Công an các huyện, thị xã, thành phố nơi sơ tuyển để nhận phiếu chỉnh sửa thông tin cá nhân và thống kê kết quả điểm thi, kiểm tra, chỉnh sửa (nếu có) thông tin cá nhân (họ tên, giới tính, đối tượng ưu tiên,...) và điền điểm 03 môn theo khối đã đăng ký xét tuyển vài các trường công an nhân dân. Thí sinh nộp cho Công an nơi sơ tuyển giấy chứng nhận kết quả điểm thi dùng để xét tuyển nguyện vọng 1, phiếu chỉnh sửa thông tin cá nhân và thống kê điểm thi, các tài liệu văn bản pháp lí để chứng nhận việc điều chỉnh thông tin cá nhân (nếu có). Thí sinh không chỉnh sửa khối, ngành, trường đã đăng ký xét tuyển.

7. Sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học thì phải làm gì để biết có trúng tuyển hay không? Nếu không trúng tuyển thì thí sinh phải rút hồ sơ và nộp vào trường khác như thế nào?

Sau khi có kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, mỗi thí sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Thí sinh dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi, để xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường có nguyện vọng học, trong thời hạn quy định thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.

Các trường cập nhật hồ sơ đăng ký xét tuyển 3 ngày một lần, công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển, xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp. Căn cứ vào thứ tự xếp hạng và chỉ tiêu tuyển sinh, thí sinh có thể biết mình có trúng tuyển hay không.

Tương tự như vậy, đối với những lần xét tuyển tiếp theo, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường có nguyện vọng học và quy trình các trường cũng thực hiện như trên. Tuy nhiên, những lần xét bổ sung này thí sinh cần lưu ý, chỉ sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển mới được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký các đợt tiếp theo.

8. Cách thức tra cứu điểm thi THPT quốc gia

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 20/7, các cụm thi sẽ hoàn tất công tác chấm thi THPT quốc gia và ngày 1/8 sẽ công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để tra cứu và xem nhanh điểm thi THPT quốc gia một cách tốt nhất các thí sinh dự thi vào cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT (http://www.moet.gov.vn) để xem kết quả điểm thi của mình.

9. Khi nào có giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia?

Thí sinh sẽ nhận được giấy chứng nhận kết quả thi trước ngày 30/7/2015. Thí sinh sẽ nhận giấy chứng nhận kết quả thi tại nơi đăng ký dự thi.

10. Xét tuyển các nguyện vọng bổ sung: Chỉ được rút khi kết thúc đợt xét tuyển mà không trúng tuyển

Thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4;

Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau;

Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo;

Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

Như vậy, các thí sinh khi xét tuyển vào cùng 1 ngành, 1 trường thì mức điểm chuẩn ở cùng đợt xét tuyển là như nhau. Trường sẽ căn cứ vào thứ tự ưu tiên các ngành của thí sinh đăng ký để xét tuyển trước, giá trị của các nguyện vọng từ 1 đến 4 trong cùng 1 đợt xét tuyển của thí sinh là như nhau.

11. 1 môn đạt từ 1,0 điểm trở xuống không được xét tuyển

Một trong các điều kiện cần đối với thí sinh đăng ký vào trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển là phải đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ. Tổng điểm các môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống.

12. Thí sinh chỉ đăng ký một khối thi có thể nộp hồ xét tuyển vào nhiều ngành của một trường đại học không?

Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thí sinh hoàn toàn có thể dùng kết quả của một khối thi để đăng ký vào nhiều ngành (tối đa 4 ngành) xét tuyển bằng điểm thi của khối đó của một trường đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, thí sinh không bắt buộc phải điền đủ cả 4 ngành, đặc biệt là không nên đăng ký vào các ngành mà mình không muốn học vì khi đã đăng ký và đỗ vào ngành đó thì em không có quyền đăng ký xét tuyển ở đợt xét tuyển tiếp theo.

Khi thí sinh đăng ký nhiều ngành trong một trường, trước hết trường đó sẽ xét ngành thứ nhất của thí sinh, nếu đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành thứ nhất, nguyện vọng vào các ngành sau sẽ không được xem xét. Nhưng nếu em không trúng tuyển vào ngành thứ nhất, trường sẽ xét đến ngành thứ 2 của thí sinh và nếu không trúng tuyển vào ngành thứ 2 trường mới xét đến nguyện vọng vào ngành thứ 3…

Như vậy, một mặt thí sinh không nên đăng ký những ngành mình không muốn học nhưng nếu đăng ký nhiều nguyện vọng trong một trường thì khả năng trúng tuyển của em tăng lên rất nhiều.

13. Có được dùng kết quả thi của hai khối thì em có thể dùng cả hai khối để đăng ký xét tuyển?

Nếu các thí sinh có kết quả thi của hai khối thì em có thể dùng cả hai khối để đăng ký xét tuyển và như vậy em sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề hơn. Trong phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh phải điền cụ thể ngành mà mình có nguyện vọng vào học (kèm theo mã ngành) và tổ hợp dùng để xét tuyển.

Ví dụ thí sinh đã thi khối A1 và D1 có thể đăng ký trong phiếu đăng ký xét tuyển như sau: Nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế đối ngoại và dùng khối A1 để xét; Nguyện vọng 2 vào ngành Kinh tế đối ngoại và dùng khối D1 để xét.

Tuy nhiên, trước mỗi đợt xét tuyển các trường phải công bố cách thức xét giữa các tổ hợp, ví dụ các tổ hợp đều xét với điểm trúng tuyển như nhau hoặc tổ hợp này sẽ có điểm trúng tuyển cao hơn tổ hợp kia 0,5 điểm… và như vậy các em sẽ có đủ thông tin để chọn tổ hợp có lợi nhất cho mình.

14. 1/8 bắt đầu xét tuyển đại học,cao đẳng 2015

Từ 1/8, các trường sẽ công bố ngưỡng điểm và các yêu cầu để thí sinh nộp hồ sơ tham gia xét tuyển. Tuỳ theo từng trường có quy định khác nhau về điểm xét tuyển từng ngành, nhóm ngành, hay điểm xét tuyển chung toàn trường.

Thí sinh căn cứ trên mức điểm xét tuyển và các yêu cầu của trường, khối xét tuyển và mức điểm của bản thân để làm hồ sơ xét tuyển vào trường, cân nhắc các ngành xét tuyển.

Căn cứ vào chỉ tiêu, số lượng hồ sơ xét tuyển vào ngành/trường, mức độ ưu tiên của từng ngành mà thí sinh đăng ký trong phiếu xét tuyển; trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu; đảm bảo quy định về ngưỡng chất lượng đầu vào của Bộ GD.

Trường hợp lượng hồ sơ xét tuyển ít hoặc không đảm bảo chất lượng đầu vào, nhà trường sẽ có kế hoạch và thông báo tuyển nguyện vọng bổ sung.

15. Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm có:

  • Phiếu ĐKXT có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4;
  • Bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với đợt xét tuyển (nguyện vọng 1 hay nguyện vọng bổ sung);
  • Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.
  • Phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển và các giấy tờ chứng nhận (nếu có).

16. Mua  hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng ở đâu?

Thí sinh có thể mua hồ sơ mua tại các trường THPT và phòng giáo dục trên cả nước. Hoặc có thể mua tại các hiệu sách uy tín.

17. Cách sử dụng 4 giấy chứng nhận kết quả thi cho các đợt xét tuyển.

Năm 2015, sau khi dự thi kỳ thi THPT quốc gia xong, thí sinh nhận được 4 Giấy chứng nhận kết quả thi, 1 Giấy dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 và 3 giấy dùng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Mỗi phiếu xét tuyển có thể đăng ký tối đa 4 ngành/nhóm ngành của cùng một trường theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

Đối với xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh dùng bản chính xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (thời gian 20 ngày) thí sinh được thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký nộp vào trường khác.

Đối với xét tuyển nguyện vọng bổ sung: thí sinh có thể dùng từng giấy chứng nhận cho từng đợt xét tuyển bổ sung theo thời gian quy định hoặc dùng đồng thời cả 3 giấy chứng nhận còn lại để xét tuyển vào 3 trường ĐH,CĐ. Với cách này, thí sinh có thể đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Mỗi phiếu có thể đăng ký tối đa vào 4 ngành/nhóm ngành của cùng 1 trường. Nếu không trúng tuyển có thể rút lại hồ sơ để đăng ký cho đợt tiếp theo.

Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau.

Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt bổ sung tiếp theo.

Lưu ý: Thí sinh không bắt buộc phải đăng ký cả 4 ngành vào 1 trường. Nếu trúng tuyển, thí sinh sẽ không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển sau đó.

18. Thời gian cho các đợt xét tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng bổ sung

  • Xét tuyển nguyện vọng (NV) 1: từ ngày 1 đến 20-8 (công bố điểm trúng tuyển chậm nhất ngày 25-8)
  • Xét tuyển NV bổ sung đợt 1: từ ngày 25-8 đến hết ngày 15-9 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20-9)
  • Xét tuyển NV bổ sung đợt 2: từ ngày 20-9 đến hết ngày 5-10 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 10-10)
  • Xét tuyển NV bổ sung đợt 3: từ ngày 10 đến hết ngày 25-10 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 31-10)
  • Xét tuyển NV bổ sung đợt 4 (các trường CĐ): từ ngày 31-10 đến hết ngày 15-11 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20-11).

19. Theo dõi khả năng đỗ trên website của trường

Theo quy định của Bộ Giáo dục, ít nhất mỗi ngày một lần, các trường cập nhật thông tin đăng ký xét tuyển, bao gồm danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển và danh sách thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và nhận dữ liệu của thí sinh từ hệ thống để xét tuyển.

Trong thời gian nhận hồ sơ của một đợt xét tuyển, ba ngày một lần các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp. Bộ cũng khuyến khích các trường công bố kết quả trúng tuyển tạm thời cập nhật đến ngày công bố. Vì vậy thí sinh cần theo dõi thường xuyên kết quả cập nhật để biết được khả năng đỗ của mình đến đâu để có quyết định rút hồ sơ kịp thời ( ở nguyện vọng 1).

Thí sinh cần nhắc kĩ lưỡng các ngành/nhóm ngành đăng ký xét tuyển. Không nên quá gượng ép đăng ký đủ 4 ngành xét tuyển ở nguyện vọng 1 để tránh việc trúng tuyển vào những ngành không yêu thích, không muốn học; mất cơ hội xét tuyển vào các trường khác.

20. Điểm chuẩn và điểm xét tuyển có giống nhau?

Điểm xét tuyển và điểm chuẩn khác nhau. Điểm xét tuyển là mức điểm điều kiện của trường cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Còn việc có trúng tuyển hay không phụ thuộc vào điểm chuẩn. Đặc biệt, điểm chuẩn luôn luôn bằng hoặc cao hơn điểm xét tuyển. Do đó thí sinh cần lưu ý giữa 2 vấn đề này, nếu điểm thi của mình mà bằng với mức điểm xét tuyển, trong khi số lượng hồ sơ nộp vào trường đã gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh thì cần tính toán để có quyết định sớm.
Như các năm trước, cuộc cạnh tranh bắt đầu từ khi nộp hồ sơ dự thi với các thông số như tỉ lệ chọi thì năm 2015 trở đi, cuộc cạnh tranh thực sự là sau khi thi THPT quốc gia xong, do đó thí sinh cần thực sự sáng suốt, cân nhắc để có tấm vé vào đại học tốt nhất.

21. Quy định về phúc khảo bài thi THPT quốc gia năm 2015

* Thời gian phúc khảo: Nhận đơn phúc khảo trong 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi. Trả kết quả phúc khảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo.

* Nơi nhận đơn phúc khảo: Sở Giáo dục và Đào tạo nhận đơn phúc khảo và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi.

* Phúc khảo bài thi tự luận: Việc phúc khảo mỗi bài thi tự luận do 2 cán bộ chấm thi thực hiện theo quy định tại Điều 25  Quy chế  thi THPT quốc gia và phải chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh.

  • Kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận do Ban Thư ký Hội đồng thi xử lý như sau:
  • Nếu kết quả hai lần chấm phúc khảo giống nhau thì giao bài thi cho Trưởng Ban Phúc khảo ký xác nhận điểm chính thức;
  • Nếu kết quả hai lần chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng ban Phúc khảo tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác;
  • Nếu kết quả của hai trong ba lần phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức. Nếu kết quả của cả ba lần chấm lệch nhau thì Trưởng Ban Phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức rồi ký tên xác nhận;
  • Trong trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và từ 1,0 điểm trở lên đối với môn khoa học xã hội thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các CBChT đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản) đối với các bài thi của thí sinh có sự điều chỉnh điểm. Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định;
  • Điểm phúc khảo sau khi đối thoại giữa hai cặp chấm và được Trưởng Ban Phúc khảo trình Chủ tịch Hội đồng thi ký duyệt là điểm chính thức của bài thi.

* Phúc khảo bài thi trắc nghiệm: Tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm của Ban Phúc khảo có thành phần tương tự như Tổ xử lý bài trắc nghiệm của Ban Chấm thi. Điểm chấm lại của Tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm là điểm thi chính thức của thí sinh trong kỳ thi.