Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

Theo chân Nhàn - một  sỹ tử quê ở Thanh Hóa vào lò luyện thi tại một ngõ sâu cạnh trường ĐH Sư phạm HN, mới chứng kiến được hết nỗi nhọc nhằn, sự quyết tâm của các sĩ tử trên con đường thực hiện giấc mơ bước vào giảng đường đại học.

 

tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, thi dai hoc, de thi dap an

 Thảo chăm chú trong ca học toán

 

Nhàn kể: lò nào cũng vậy thôi, cốt là do mình, em đi luyện hai năm nay, chỗ nào chẳng giới thiệu, quảng cáo uy tín, có chất lượng.
 
Dù đã đến trước giờ ca học chiều không dưới mười lăm phút nhưng tôi vẫn phải chờ đợi, chen lấn mãi mới có thể đăng kí cho mình một vé vào học môn Toán, khối A với giá là 45 nghìn đồng/ ca.

Theo chỉ dẫn của người bán vé, tôi bước lên tầng 3 một ngôi nhà 4 tầng khá tuềnh toàng, bụi bặm. Giấy, rác vương vãi đầy sàn. Trong phòng học, sỹ tử ngồi như nêm cối.  Nhàn nhăn mặt kêu: mới đến muộn một tý mà đã hết chỗ “đẹp”. Đẹp là như thế nào, hóa ra đó là những vị trí gần quạt hay có tí hây hẩy cửa sổ gió trời.

Mới chuẩn bị bắt đầu giờ học nhưng không khí trong phòng đã trở nên ngột ngạt, oi bức, nhiều người đã tỏ ra khó chịu. Hòa một học sinh từ Nam Định than thở: “Nóng thế này chứ nóng nữa cũng phải gắng thôi. Chỉ riêng tiền học mỗi ngày đã mất gần trăm rưỡi. Bằng “bà cụ’ ở quê ngồi cặm cụi khâu nón từ sáng đến đêm”.


Hòa cũng không ngại bộc bạch cậu quyết sẽ thi vào trường ĐH Y để thành một bác sỹ, và đương nhiên bệnh nhân đầu tiên của cậu sẽ là người mẹ vì làm nghề khâu nón gần hết cuộc đời nên đang bị chứng thoái hóa cột sống hành hạ.

Với Thảo quê ở Hưng Yên thì ước mơ được trở thành một cô giáo đã ấp ủ từ rất lâu. Bố mẹ Thảo đều làm phu hồ ở thành phố này nhưng từ ngày lên đây Thảo chỉ gặp bố đúng một lần. “Bố em bảo, con gái chịu khó học, bố mẹ bận kiếm tiền để nhỡ may con có đậu thì còn có cái mà chu cấp” – Thảo kể. Câu nói nửa đùa nửa thật ấy khiến Thảo rơi nước mắt.
 
Lò luyện thi giai đoạn nước rút càng lúc càng nóng bỏng. Dường như, chỉ phần nhỏ là do cái nóng nực, oi bức mùa hè, sâu thẳm hơn, dữ dội hơn, có lẽ là do giấc mơ vào giảng đường đang hun nóng các lò luyện. “Tôi nghĩ không chỉ tôi mà với nhiều người, nhất là những bạn ở nông thôn, tấm bằng đại học là thứ hành trang thiêng liêng, nó cũng là mục tiêu cao nhất trong đời mà tôi đang gắng thực hiện cho bằng được”- Minh Hồng, một sỹ tử từ trường THPT Hai Bà Trưng – Hà Nam ra “luyện cấp tốc” khẳng định.

“Những  ngày này, đều đặn có mặt 3 ca ở trung tâm, 9 - 10 giờ đêm mới về đến nhà trọ, mệt bã cả người, những lúc như vậy chỉ muốn buông xuôi để ngủ một giấc rồi muốn ra sao thì ra, nhưng khi nhắm mắt lại, nghĩ đến sắp đến kỳ thi, lại phát hoảng” – Hồng kể thêm.

Đại đa số các sỹ tử mà tôi gặp đều lần đầu được lên Hà Nội, cuộc sống chốn thị thành khá xa lạ với họ. My quê ở Than Uyên- Lai Châu cho hay, My xuống Hà Nội từ hôm mùng 8, thi xong tốt nghiệp hai mẹ con khăn gói quả mướp đưa nhau xuống thủ đô để My kịp ôn. Nhưng sau đó ít lâu thấy phí sinh hoạt ở thủ đô quá đắt đỏ, mà kinh tế gia đình lại eo hẹp  nên My đã thuyết phục mẹ trở về. Càng gần ngày thi My càng muốn có mẹ ở bên để động viên tinh thần, nhưng nghĩ lại, thấy mỗi ngày hai mẹ con mất đến tiền trăm nên đành cắn răng chịu đựng.

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng giấc mơ của họ thì giống nhau. Vậy nên, đến hẹn lại lên, những ngày này hàng nghìn hàng vạn thí sinh đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt để biến giấc mơ của mình thành hiện thực.  Lò luyện thi đang được hun nóng bởi những khát vọng – bởi giấc mơ có tên giảng đường!
  
Nguyễn Hằng

Kenhtuyensinh (Nguồn Giaoduc.net)