Đề án thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh vào ĐH,CĐ được Bộ GDĐT đánh giá là chín muồi, tổ chức thực thi ngay trong năm học 2009. Thế nhưng, cái lý trong phản hồi của dư luận khiến bộ “đành” dừng việc triển khai. Cả xã hội vẫn bị cuốn vào hai kỳ thi, dù bộ rất mong muốn bỏ được một.

Nhìn thẳng vào sự thật

Điều lo lắng nhất của luồng ý kiến bảo vệ quan điểm “giữ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông”, đồng tình với chủ trương của Bộ GDĐT, đó là: Nếu không thi, học sinh sẽ sao nhãng việc học hành, không đảm bảo về chất lượng ở bậc học này. Và đã học thì phải thi.

Cách đây hơn chục năm, dư luận đã từng lên tiếng “xin” Bộ GDĐT bỏ kỳ thi tốt nghiệp bậc tiểu học, vì chúng ta đã thực hiện phổ cập giáo dục. Hơn nữa, tấm bằng tốt nghiệp ở bậc tiểu học cũng chẳng có giá trị trong bậc học hệ phổ thông. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GDĐT thời ấy là ông Nguyễn Minh Hiển vẫn cứ thiết tha trình bày trước QH rằng, muốn bỏ thi tốt nghiệp bậc tiểu học thì phải sửa Luật Giáo dục. Nếu bỏ thi, học sinh sẽ sao nhãng chuyện học hành từ bậc học đầu tiên, ảnh hưởng đến chất lượng. Phải trải qua đến ba-bốn kỳ thảo luận tại QH, cuối cùng, trong khi chờ sửa Luật Giáo dục, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ sáu đã ban hành Nghị quyết 37 (tháng 12.2004), quyết nghị: Bỏ kỳ thi tốt nghiệp bậc tiểu học bắt đầu từ năm 2005.

Quảng Trị là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, đã “một mình một đường” mạnh dạn thí điểm bỏ kỳ thi tốt nghiệp ở bậc học này, chỉ xét điểm thi ở học kỳ 2. Cái lợi đầu tiên là đã tiết kiệm được số tiền lớn cho ngân sách tỉnh nhà. Ngay lập tức, các tỉnh, thành hưởng ứng. Cuối cùng thì nỗi lo sợ “không thi, không học” của Bộ GDĐT đã có câu trả lời từ thực tế.

Một năm sau, ngày 20.5.2005, tại kỳ họp thứ bảy khóa XII, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, quyết định bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THCS, triển khai bắt đầu từ năm 2006, cho dù không ít ý kiến vẫn lo lắng, băn khoăn về chuyện chất lượng nếu “không thi, không học”.

Tình trạng học sinh ngồi “nhầm ghế”, lỗi không phải từ phía học sinh. Đó là căn nguyên của căn bệnh thành tích của không chỉ ngành giáo dục, mà của cả địa phương. Cách đây ba mùa thi tốt nghiệp THPT, xã hội lặng đi trước “hiện tượng” Bình Dương. Giám đốc Sở GDĐT đã xin từ chức, bởi lý do: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, Bình Dương “tụt” một hạng- từ vị trí thứ 42 xuống thứ 43, chỉ tăng có 9% so với kỳ thi trước; trong khi nhiều địa phương đã có những cú lội ngược dòng, tỉ lệ tốt nghiệp tăng mấy chục phần trăm. Người đứng đầu ngành giáo dục Bình Dương đã bị chất vấn nặng nề tại kỳ họp thứ 17 của HĐND tỉnh.

Chất lượng: Người học quyết định

Trước luồng ý kiến góp ý đề án “2 trong 1” của Bộ GDĐT, kiến nghị xét thi tốt nghiệp THPT, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng “muôn thủa”, rằng “không thi sẽ không học”. GS Hoàng Tụy thẳng thắn: Kỳ thi tốt nghiệp THPT không đánh giá được chất lượng giáo dục và tổ chức “rình rang” như hiện nay lại tốn kém. Kỳ thi tốt nghiệp THPT mới chỉ là “ngưỡng” để phân luồng HS. Tùy vào trình độ, khả năng, HS để lựa chọn học nghề hay tiếp tục học ĐH,CĐ, điều đó phù hợp với xu thế ngành giáo dục đang hướng tới: Phổ cập bậc học THPT.

Nếu HS nào vì không thi mà lơ đãng học hành thì không có cơ hội để cán đích kỳ thi thứ 13- kỳ thi ĐH,CĐ. Đó là điều hiển nhiên để mỗi HS tự quyền quyết định. Hiện nay, nhất là ở khu vực đô thị lớn, để tìm được HS có học lực trung bình trở xuống... cũng phải đốt đuốc đi tìm; vì căn bệnh thành tích vẫn chưa được đẩy lùi trong ngành giáo dục, chất lượng ảo đã khiến cả phụ huynh lẫn học sinh phải chạy đua vào cuộc thi thứ 13. Và đã có những thí sinh sau đến ba-bốn lần không vượt được “rào” thứ 13 này đã tìm đến con đường quyên sinh, mà mùa thi cử tuyển sinh ĐH,CĐ nào cũng xảy ra.

Ngay cả HS lớp 1 bây giờ cũng phải thi “đầu vào” tại một số trường. Cặp sách của các em vẫn rất nặng. Tuổi thơ cuả các em chỉ là học với học. Hết học ở trường đến học ở nhà, rồi lại học thêm. Xin hãy đừng quá lo lắng về chất lượng giáo dục bậc học phổ thông, rằng “không thi học sinh sẽ lại ngồi nhầm ghế”.

Câu chuyện làm lay động xã hội, đó là cô bé Sùng Thị Dợ - dân tộc Mông, ở bản Sa Lung (Mường Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) - vì ham con chữ, cô bé 10 tuổi đã thay cha mẹ cơm nước cho 3 em và hai cháu... cùng được đi học con chữ. Túp lều nhỏ dựng tạm gần Trường THCS Mường Lý để Dợ cùng 5 em bé đi học thuận lợi hơn. Học hay không phụ thuộc vào ý chí của HS. Người thầy có trách nhiệm “dạy đến nơi đến chốn” thì không ảnh hưởng đến việc không tổ chức thi tốt nghiệp.

Theo Bộ GDĐT thì việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT duy trì đến năm 2015. Đề án đổi mới tuyển sinh của Bộ GDĐT phải nằm trong tủ đến những hơn 7 năm trời. Xã hội lại tiếp tục... hãy đợi đấy.

Điểm 9 ở Hà Nội không thể như điểm 9 ở Đắc Lắc. Chúng ta cần đánh giá kết quả học tập theo giai đoạn, giao cho các trường tự đánh giá, lúc đó chất lượng cũng căn cứ vào giáo dục của từng địa phương. Học sinh giỏi của Đắc Lắc với học sinh giỏi của Hà Nội phải khác chứ. Đây là vấn đề phân tầng chất lượng để có sự công bằng. Chứ còn bây giờ cứ đánh giá chung như thế này là cả nước đều giống nhau; bởi không thể cào bằng bằng cách đánh giá điểm 9 ở Hà Nội như điểm 9 ở Đắc Lắc, ở vùng sâu, vùng xa. Hai chất lượng, hai giá trị, hai trình độ của hai nơi rõ ràng là khác nhau. Tôi nghĩ muốn gọn nhẹ thì không nên có một kỳ thi chung toàn quốc, nên để các địa phương họ chủ động.

Anh Đào (ghi)

Cô Nguyễn Thị Ánh Mai – Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (TPHCM): Cần một hình thức thi, kiểm tra khác để học sinh không học lệch. Việc nên hay không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT phụ thuộc vào đầu vào. Đối với những trường có đầu vào tốt như trường Võ Trường Toản, thì việc học sinh thi, đậu tốt nghiệp 100% là bình thường. Nhưng với những trường mà chúng ta vẫn đang gọi là “thuộc top dưới”, do đầu vào thấp, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp là đương nhiên.

Tuy nhiên, nếu con số thi tốt nghiệp THPT đạt 99, 99%, hay 100% em học sinh đậu, thật ra cũng không ổn... Kỳ thi tốt nghiệp THPT thực ra cũng là một cách kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh.  Vậy nếu bỏ kỳ thi này - hình thức thay thế - theo chúng tôi là nên tổ chức kỳ thi không cần quy mô lớn, diễn ra nhẹ nhàng. Tốt nhất, nên giao việc tổ chức kỳ thi cho các sở GDĐT địa phương.

Cô Hoàng Thị Diễm Trang – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM): Chất lượng phụ thuộc lương tâm thầy cô. Việc Báo Lao Động đặt ra vấn đề “xét thi tốt nghiệp THPT” vào thời điểm hiện nay cũng có mặt hay, là có thể nhìn nhận như một lời đề nghị, góp ý, đề xuất để Bộ GDĐT cân nhắc khi ra lộ trình cho giai đoạn tiếp theo ngay trong khi xây dựng chương trình, hay biên soạn bộ sách giáo khoa mới là cần phải để ý hơn đến các góc độ: Với đầu vào thế này, chương trình thế này, đầu ra sẽ là gì, hình thức đánh giá ra sao, sử dụng kết quả thế nào,... Hình thức thay thế kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo tôi là tổ chức kỳ thi học kỳ 1, học kỳ 2 thật nghiêm túc; đề thi cho tất cả các trường do sở GDĐT ra chung một đề. Có ý kiến cho rằng nếu thi theo kiểu này, phụ huynh dễ đưa phong bì cho thầy cô để con mình có điểm cao. Tôi nghĩ, điều này phụ thuộc vào lương tâm thầy cô...

Â.T (ghi)

Thông tin cần biết:

Nguồn tin: Lao động