Trang bị và chọn trường khi du học

Tuy nhiên việc trang bị cho chính bản thân mình những kỹ năng sàng lọc thông tin và lựa chọn đúng đắn khi quyết định theo đuổi chương trình học nào, trường nào và thời gian đi rất quan trong đối với cha mẹ học sinh và học sinh. Ví dụ để có thể vào được Đại học thì học sinh Việt Nam có thể học A level (2 năm) hoặc các chương trình Dự bị Đại học (1 năm). Tuy nhiên tùy theo chuyên ngành và mục đích theo đuổi xếp hạng các trường Đại học thì học sinh có thể quyết định học 1 trong hai chương trình trên. Đối với những học sinh muốn vào 1 trong top 5 trường Đại học hàng đầu Anh, muốn theo đuổi các chuyên ngành Nha, Dược, Y, Luật… thì học sinh bắt buộc phải học A level. Còn nếu du học sinh không nhất thiết vào 1 trong 5 trường Đại học hàng đầu, không lựa chọn các chuyên ngành đã kể trên bạn hoàn toàn có thể lựa chọn chương trình Dự bị Đại học. Nếu bạn xác định học A level, lứa tuổi phù hợp là khi bạn kết thúc chương trình lớp 10 tại Việt Nam (16 tuổi). Còn với chương trình Dự bị Đại học thì bạn có thể kết thúc lớp 11 hoặc lớp 12 tại Việt Nam.

 

Về việc học các chương trình này tại đâu? Học tại các trường công lập của Anh hay trường tư cũng lại phụ thuộc vào tính cách, sự thích nghi và trình độ Tiếng Anh của học sinh. Học tại trường công lập, các bạn được học chủ yếu với sinh viên bản địa, môi trường giáo dục hoàn toàn Anh, bạn phải nói Tiếng Anh tốt, hòa đồng, tự tin và thích nghi nhanh. Còn các trường tư thì lượng học sinh quốc tế nhiều hơn, quy mô lớp học nhỏ, thày cô giáo có thể sát sao với bạn hơn, khởi điểm của các học sinh trong lớp giống nhau, đến từ các quốc gia không phải là Anh quốc do vậy bạn có thể dần dần hòa nhập, dần dần thích nghi.

Du học Anh – các bước chuẩn bị - phần 2 - Ảnh 1

trang bị kỹ là chìa khóa thành công cho kế hoạch du học của bạn

Chuẩn bị hồ sơ Du học
 

Thông thường khâu chuẩn bị hồ sơ, gửi sang những trường mà mình yêu thích là rất quan trọng. Đối với học sinh học A level hay Foundation thì việc xét tuyển chủ yếu dựa vào kết quả học tập tại Việt Nam và trình độ Tiếng Anh thể hiện qua bài kiểm tra đầu vào của trường hoặc chứng chỉ Tiếng Anh như IELTS, TOEFL… Tuy nhiên đối với các sinh viên theo đuổi khóa học cao học thì việc chuẩn bị hồ sơ không chỉ giới hạn ở bảng điểm hay bằng tốt nghiệp. Một phần không thể thiếu được đó là việc viết bài tiểu luận giải thích lý do vì sao bạn thích học chuyên ngành mà bạn đăng ký, và một trong những lý do mang tính thuyết phục đối với nhà trường và hội đồng xét tuyển đó là bạn phải gắn nó với định hướng nghề nghiệp hiện tại hoặc tương lai (job orientation). Nếu bạn định nộp hồ sơ cho những chuyên ngành yêu cầu khắt khe về kinh nghiệm (chẳng hạn MBA) tại những trường nằm trong Hiệp hội MBA quốc tế hoặc xếp hạng tốt thì phần nêu bật những công việc bạn đã trải qua và cách thức giải quyết công việc của bạn sẽ mang tính thuyết phục. Việc thừa nhận những điểm yếu hoặc thiếu hụt kỹ năng của bạn trong công việc hiện tại là một khôn ngoan để lý giải cho việc cần phải học tiếp lên cao để đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động ngày một khó tính.

 

Ngoài ra thời gian nộp hồ sơ càng sớm càng đảm bảo khả năng nhận được thư mời của trường hoặc học bổng bạn có thể tham gia. Các trường bên Anh thường có hai kỳ nhập học trong một năm: tháng 9 (tất cả các trường, các chuyên ngành) và tháng 1 (một số trường, một số chuyên ngành). Thời gian xét hồ sơ (tùy từng trường, tùy từng chuyên ngành và tùy từng năm) nhưng thường thì 4-8 tuần, có những trường lên tới 12 tuần do vậy việc nộp hồ sơ của các bạn đi học tháng 9 hàng năm sẽ bắt đầu ngay từ tháng 10, tháng 11 của năm trước. Nộp hồ sơ sớm đồng nghĩa với việc bạn có thể lên kế hoạch làm visa, đặt vé máy bay, mua bảng Anh với 1 giá hợp lý.

 Theo Dân Trí