Sự kiện: THÔNG TIN TUYỂN SINH

Nhiều giáo sư, chuyên gia nước ngoài góp ý cần phát triển sách giáo khoa số để tăng cường việc dạy và học, thực hiện đề án ngoại ngữ 2020.

Ngày 6/12, Nhà xuất bản Giáo dục và ban chỉ đạo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tổ chức hội thảo quốc tế sách giáo khoa thế kỷ 21. Nhiều giáo sư, chuyên gia ngôn ngữ đã phân tích chi tiết về vai trò của tiếng Anh, sách giáo khoa và chia sẻ kinh nghiệm làm sách giáo khoa ở các nước.

Bà Sherry Preiss, Phó chủ tịch Tổ chức phát triển Quốc tế chuyên nghiệp Pearson cho rằng, trí tuệ ở thế kỷ 21 cần xử lý tốt sự phức tạp và đa dạng của thế giới bằng cách trở nên dễ biến đổi, linh hoạt hơn, tập trung vào thực tiễn nhiều hơn và đổi mới triệt để hơn.

Những mục tiêu của giáo dục toàn cầu là phát huy tối đa tiềm năng của học sinh và giáo viên, thúc đẩy tư duy phê phán, mài sắc các kỹ năng có liên quan và khuyến khích thái độ đánh giá đúng với các quan điểm khác nhau.

 

Sách giáo khoa số

Bà Sherry Preiss cần có những cuốn sách khoa hiện đại để phục vụ công tác giảng dạy, đó là sách giáo khoa số. Ảnh: Hoàng Thùy.

 

Trường học hiện nay vẫn tạo ra sự nhàm chán, sự sợ hãi và không phù hợp. Bà cho rằng cần có những cuốn sách khoa hiện đại để phục vụ công tác giảng dạy, đó là sách giáo khoa số, cuốn sách sống và hoạt động, kiến tạo và sáng tạo những tri thức của người học, giáo viên và cộng đồng.

Với cuốn sách này, học sinh có thể tạo dấu ấn cá nhân, tự đánh giá hoặc hướng dẫn theo nhịp độ của bản thân. Ngoài ra, nó còn có các liên kết dẫn đến thời gian thực, khi cần chỉ việc gõ phím là có giáo viên hướng dẫn trực tuyến, khám phá các khái niệm thông qua trò chơi hoặc hoạt họa và mô phỏng...

Như vậy, chương trình chuyển từ truyền đạt kiến thức sang xây dựng ý nghĩa, biết đáp đúng sang tìm ra đáp án đúng và từ đánh giá bên ngoài sang nhiều sự đánh giá theo thời gian. Học cách học và kỹ năng đặt câu hỏi dựa trên khả năng đưa ra câu hỏi thích hợp. Con người được đào tạo thành người học biết đặt câu hỏi, truy cứu và tiếp nhận phản hồi trong lúc giải quyết những vấn đề phức tạp.

Bà Sherry Preiss nhấn mạnh, giáo viên là yếu tố quan trọng cần thay đổi. Đó không đơn thuần là mời giáo viên giỏi có trình độ cao, mà còn phải yêu cầu những người đang dạy thích nghi với những đòi hỏi không ngừng thay đổi. Chất lượng giáo dục không thể vượt qua chất lượng giáo viên.

GS Susan Fiksdal (trường Evergreen State College) cho rằng tiếng Anh giúp mở rộng nhân sinh quan về thế giới toàn cầu hiện nay. Đây là phương tiện để hiểu biết không chỉ về các nền văn hóa của nước nói tiếng Anh mà còn nhiều nước khác bởi cả thế giới đang dùng ngôn ngữ này.

"Chúng ta không chỉ đào tạo học sinh, sinh viên những công việc chúng ta biết. Thay vào đó chúng ta cần dạy các em có thể thích ứng trong tương lai", bà nói.

GS Susan cũng tin rằng tư duy phê phán và tư duy sáng tạo rất quan trọng trong công tác làm sách giáo khoa. Ở thế kỷ 21, con người bắt đầu dựa thêm vào công nghệ thông tin để truyền tải chương trình giảng dạy. Ở Hong Kong, Mỹ, từ cấp trung học, học sinh đã được học cách tìm kiếm thông tin trên Internet.

Việc sử dụng điện thoại thông minh bên ngoài lớp học có thể sẽ khuyến khích việc truy cập mạng và thực hành nói tiếng Anh bên ngoài nhà trường. Với chiếc điện thoại này, các em không bị hạn chế truy cập Internet chỉ bằng máy tính có kết nối băng thông rộng. Việc phát triển các đường dẫn không dây sẽ giúp các em sử dụng điện thoại để học hỏi.

 

Sách giáo khoa số

TS Hoàng Văn Vân (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng quan trọng nhất để thực hiện đề án 2020 là sự hiểu biết về nhu cầu thực sự của học sinh về việc học tiếng Anh. Ảnh: Hoàng Hà.

 

Để đối phó với tình trạng thiếu giáo viên giỏi thì đào tạo từ xa cũng là một phương pháp. Các giáo viên giỏi được ghi hình và các bài giảng của họ được gửi tới trường sử dụng chung sách giáo khoa. Các giáo viên và học sinh có thể học thêm về tiếng Anh, phương pháp giảng dạy và thường xuyên trao đổi với người giảng chính bằng điện thoại, email. Bà Susan cho rằng đây là một phương pháp rất hiệu quả.

"Các sách giáo khoa cần làm rõ tư duy sáng tạo và tư duy phân tích chi tiết, ngoài ra cần nhấn mạnh ngôn ngữ thực tế và phân tích ngôn ngữ đó", bà Susan nói.

TS Hoàng Văn Vân (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, sách giáo khoa là một yếu tố phổ quát trong mọi hình thức giảng dạy. Đó là tài nguyên quan trọng giúp giáo viên hỗ trợ học sinh học tập. Đối với đề án ngoại ngữ 2020, sách giáo khoa là một tác nhân thay đổi và cùng với các yếu tố như giáo viên, học sinh, cơ sở giảng dạy, nhà quản lý đóng góp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đề án.

Ông Vân thông tin, việc biên soạn sách giáo khoa cho đề án 2020 được bắt đầu vào cuối năm 2010, đến nay đã hoàn thành hai bộ sách lớp 3 và lớp 4, đang làm lớp 5 và lớp 6. Bộ sách sử dụng nội dung và kỹ năng theo khung tham chiếu CEFR về các năng lực, ngôn ngữ, kỹ năng, phương pháp tiếp cận đa thành phần...

"Chúng ta không thể chỉ trông đợi vào sách giáo khoa để hoàn thành mục tiêu của đề án mà các nguồn lực cần được huy động như chính sách đúng đắn, hỗ trợ tài chính của Chính phủ, giáo viên chất lượng cao, sự giúp đỡ của các nước và quan trọng hơn là sự hiểu biết về nhu cầu thực sự của học sinh về việc học tiếng Anh", ông Vân khẳng định.

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh đại học

Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới

Kênh Tuyển Sinh (VNexpress)