Đóng học phí trễ, nhiều sinh viên phải tạm dừng học 4 tháng
Từ ngày 23.10.2015, Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM đã ra thông báo về việc đăng ký học phần học kỳ đầu năm 2016 (tức học kỳ 2 năm học 2015 - 2016) đối với SV các khóa đào tạo tín chỉ giáo dục đại học hệ chính quy.
Cụ thể, tiến độ thực hiện cho SV đăng ký tín chỉ được chia thành 8 bước, trong đó, bước thứ 6 là yêu cầu SV nộp học phí từ ngày 30.12.2015 - 29.1.2016 (1 tháng).
Thông báo của nhà trường có ghi rõ kết thúc thời hạn nộp học phí, Phòng Quản lý đào tạo sẽ thực hiện việc hủy kết quả đăng ký học phần, Phòng Khảo thí - Quản lý chất lượng sẽ xóa tên SV khỏi danh sách theo dõi điểm đánh giá quá trình học tập và danh sách thi kết thúc học phần đối với SV không hoàn thành học phí.
Mặc dù thông báo đã được Ban giám hiệu công bố rộng rãi trên website của nhà trường, trong từng account (tài khoản) của từng SV, nhưng rất nhiều SV vẫn không thực hiện đúng quy định, dẫn đến tình huống đáng tiếc là phải tạm ngừng học 4 tháng của học kỳ 2 năm 2015 - 2016.
Theo chia sẻ của N.T.H.K, SV khóa 14D của trường, bạn cảm thấy rất hoang mang vì không biết mình sẽ phải làm gì trong 4 tháng tạm ngừng học này.
Sinh viên Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM - Ảnh: Linh San
N.T.H.K nói: “Là lỗi của em chậm trễ đóng tiền học phí. Em không biết phải nói chuyện với bố mẹ như thế nào. Thời hạn đóng học phí ngay trước kỳ nghỉ Tết, em cứ nghĩ sau Tết về nhà xin tiền lên đóng vẫn kịp, nhưng không ngờ trường không chấp nhận cho sinh viên đóng muộn nữa. Em không dám về nhà. Có lẽ em sẽ tìm một công việc làm thêm ở Sài Gòn để chờ đến kỳ sau đăng ký tín chỉ lại”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Lai Dương Phong - Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Tài chính Marketing, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường đã thông báo cho các SV nếu gặp khó khăn về tài chính có thể làm đơn xin gia hạn đóng học phí chậm. Sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường cũng đã dành thêm một tuần lễ (từ ngày 18.2 - 25.2) để gần 700 SV có đơn xin gia hạn hoàn thành xong học phí. Đối với các SV không làm đơn trước đó, nhà trường không giải quyết.
Về con số hơn 100 SV phải ngưng học như một số tờ báo đã đưa tin, ông Phong khẳng định đây là "con số không có căn cứ", bởi nhà trường chưa có thống kê và cũng chưa từng công bố số lượng SV chưa hoàn thành học phí của học kỳ 2 năm 2015 - 2016 cho bất kỳ đơn vị báo đài nào.
Cũng theo ông Phong, về việc SV nộp học phí, nhà trường đã rất tạo điều kiện cho các em khi thông báo về thời hạn nộp trước 2 tháng, có nhắc lại nhiều lần qua các hoạt động đoàn thể, tuần sinh hoạt công dân… Ngoài ra, các thầy cô trong trường cũng đóng góp để thành lập một quỹ hỗ trợ những SV gặp khó khăn có thể tới vay tiền đóng học phí với lãi suất 0%.
“Nhà trường không cấm thi hay ra quyết định bắt SV ngừng học. Nộp học phí là một bước trong tiến độ đăng ký tín chỉ. Nếu như SV không hoàn thành quá trình đăng ký có nghĩa các em không thể ghi tên mình trong các lớp của học kỳ này. Nhà trường đã nỗ lực thông báo, nhắc nhở SV hoàn thành quá trình đăng ký học phần, tạo mọi điều kiện cho SV khó khăn về tài chính. Nhưng ở góc độ quản lý gần 14.000 SV, nếu nhà trường buông lỏng quản lý sẽ tại tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến kỷ cương của nhà trường”, ông Phong cho biết.
Trường hợp đáng tiếc SV phải ngừng học 4 tháng vì chậm trễ nộp học phí xảy ra ở Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM là bài học cho các SV. SV cần phải chủ động và tuân thủ nghiêm túc các quy định của trường mình đang theo học.
Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/dong-hoc-phi-tre-nhieu-sinh-vien-phai-tam-dung-hoc-4-thang-686721.html