Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường

Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” mà Bộ GDĐT vừa hoàn thành đang thu hút sự chú ý của dư luận.Sự đổi mới hai nội dung lớn, căn bản của giáo dục là “Chương trình học và sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông” và “Thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học”.

“Rà soát lại toàn bộ chương trình và SGK phổ thông. Sớm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa khuyến khích đúng mức tính sáng tạo của người học, chuẩn bị kỹ cho việc xây dựng và triển khai thực hiện bộ chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng hiện đại, phù hợp và có hiệu quả” - đó là nội dung chỉ đạo, định hướng xuyên suốt mà Bộ GDĐT lĩnh hội trong đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông đi kèm đề án. Mục tiêu là  khắc phục chương trình học “quá tải, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”.

Đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015

Theo Bộ GDĐT, song song với việc xây dựng Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, bộ đã triển khai hàng loạt các nghiên cứu cụ thể nhằm xác định việc đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông (GDPT) sau năm 2015. Đó là việc đánh giá hệ thống GDPT trong hệ thống giáo dục quốc dân, mục tiêu và chuẩn GDPT; tích hợp và phân hóa trong chương trình GDPT - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam; tổng kết dạy và học ở nhà trường phổ thông và hướng phát triển sau năm 2015 cho một số môn học...==> Sau năm 2015 có nhiều bộ sách giáo khoa

Bộ GDĐT đề xuất chương trình mới tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho học sinh, không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Ưu tiên những kiến thức cơ bản, hiện đại nhưng gắn bó, thiết thực với đòi hỏi của cuộc sống hằng ngày; tránh hàn lâm, kinh viện. Ưu tiên thực hành, vận dụng, trách lý thuyết suông; tăng cường hứng thú học tập, hạn chế quá tải.

Theo Bộ GDĐT, phương pháp dạy học cũng phải thay đổi, đó là chú trọng dạy cách học, cách tìm kiếm và vận dụng, cách phát hiện và giải quyết vấn đề. Đề cao sự hợp tác và sáng tạo, không dạy theo kiểu nhồi nhét, chạy theo khối lượng kiến thức.

Mỗi học kỳ, không học quá 8 môn

Theo Bộ GDĐT, chương trình học đi kèm SGK giáo dục phổ thông mới sẽ được thiết kế thành một hệ thống xuyên suốt và nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình mới chủ trương tất cả học chung một mặt bằng tri thức, trong đó giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) đủ trang bị nền tảng học vấn phổ thông để học sinh có thể học tiếp lên bậc cao hơn hoặc đi vào học nghề, lao động để kiếm sống.

Để thực hiện, sẽ tăng cường tích hợp một số môn học ở tiểu học và đầu cấp THCS, nhằm hình thành năng lực tổng hợp và cách giải quyết vấn đề cho học sinh. Theo đó, một số môn học như lý, hóa, sinh  được tích hợp thành môn khoa học.

Tương tự, các môn sử, địa, giáo dục đạo đức và công dân được tích hợp thành môn kọc xã hội. Yêu cầu phân hóa sâu được thực hiện ở cấp THPT bằng việc học ít các môn bắt buộc, dành nhiều thời gian cho học sinh tự chọn các môn học, các chủ đề chuyên sâu và nâng cao, gắn với nghề nghiệp (rất cần cho định hướng nghề nghiệp của học sinh).

Hiện nay, chương trình và SGK hiện hành buộc học sinh trong cùng một thời điểm (trong một học kỳ) phải học quá nhiều môn học và các hoạt động. Chương trình và đi kèm SGK mới sau năm 2015 chủ trương giảm mạnh các đầu môn học để mỗi học kỳ học sinh học cùng một lúc không quá 8 môn học.

Cụ thể ở bậc tiểu học từ 11 môn học và 3 hoạt động hiện nay giảm xuống còn từ 3-6 môn học và 4 hoạt động sau năm 2015. Bậc THCS từ  13 môn học và 3 hoạt động  giảm xuống còn 8 môn học và 4 hoạt động. Bậc THPT từ 13 môn học và 5 hoạt động  giảm xuống còn từ 3 môn học bắt buộc, 3 môn học tự chọn và 4 hoạt động (lớp 11 và lớp 12).

Định hướng đổi mới SGK lần này chủ trương thực hiện cách biên soạn SGK đồng thời và thí điểm đồng thời ở cả 3 cấp, nhằm rút ngắn thời gian thí điểm khoảng 3-4 năm.

Theo Báo Lao động