Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Nghị quyết về "Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" vừa được Hội nghị T.Ư 8 (khóa XI) thông qua đã đặt ra nhiều vấn đề, nhiệm vụ cho việc triển khai đổi mới giáo dục. Trong đó, vấn đề chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông đang thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội.
Chương trình đổi mới sách giáo khoa phổ thông
Chương trình đổi mới sách giáo khoa phổ thông
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay được đưa vào dạy và học từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, CT nói trên còn nhiều bất cập, chú trọng việc dạy chữ, chưa coi trọng đúng mức về dạy người; một số nội dung CT chưa thật sự cơ bản, khối lượng kiến thức lớn, gây quá tải; thiếu cân đối giữa các nội dung kiến thức, giữa lý thuyết với thực hành, giữa dung lượng và thời lượng. Mặt khác, CT một số môn học chưa có sự nhất quán, thiếu liên thông qua các cấp học, nội dung còn trùng lặp ở một số môn học; nội dung mới chú trọng đến kiến thức cơ bản, chưa chú trọng tích hợp vào môn học các kỹ năng sáng tạo, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp... Ðối với SGK còn có nhiều thuật ngữ trừu tượng, tình huống gượng ép, dung lượng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Thậm chí một số nội dung, bài tập trong SGK còn cao hơn chương trình, có sai sót về kiến thức, chưa chính xác về khái niệm, thuật ngữ khoa học, thiếu tính sư phạm, chưa gắn với thực tiễn...
**Những khác biệt sách giáo khoa sau năm 2015
Ðể thật sự đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện, ngành giáo dục và đào tạo cần xác định rõ mục tiêu phát triển là, chuyển mạnh từ quá trình giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Trên cơ sở đó, xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc, tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn. Mặt khác, cần tránh sự quá tải những nội dung thiếu thiết thực với người học; giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học và các chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn. Ðồng thời khắc phục tình trạng chương trình bị cắt khúc, thiếu xuyên suốt, thiếu thống nhất giữa các cấp học.
***9 giải pháp đổi mới toàn diện giáo dục
CT, SGK đổi mới cần bảo đảm quá trình dạy và học chuyển từ chủ yếu trực tiếp trên lớp sang phối hợp tốt giữa giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội. Cần soạn SGK, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp đặc thù của các địa phương, các đối tượng với cách biên soạn mỗi bài học đưa ra được các tình huống giàu tính thực tiễn hoặc các tình huống giả định buộc học sinh phải vận dụng kiến thức, kỹ năng để tìm cách giải quyết.
Ðể đổi mới CT, SGK phổ thông thật sự hiệu quả, trước hết cần chú trọng việc đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi có chủ trương thay đổi CT, SGK phổ thông, các trường sư phạm thường có sự điều chỉnh cách học, cách dạy; nhất là chú trọng việc đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp các hoạt động giáo dục, đáp ứng đa dạng các chủ đề học tập tự chọn. Mỗi thầy giáo, cô giáo cần đổi mới phương pháp, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Riêng đối với học sinh, cần chuyển từ cách học chủ yếu lắng nghe, ghi chép sang suy nghĩ và phản hồi tích cực với bạn, với thầy, phối hợp các hoạt động học tập của cá nhân và của nhóm...
Có như vậy, mới thật sự đổi mới CT, SGK phổ thông, một cách hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà trong những năm trước mắt và lâu dài.
Theo tác giả Mạnh Xuân, nhandan