Dự khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước đề nghị đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ nhà giáo trong thời điểm đang xảy ra nhiều bất cập trong hệ thống giáo dục.
1. Ổn định hệ thống SGK và chế độ thi cử
Ngày 5.9, Trường chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức lễ khai giảng năm học mới với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN Nguyễn Ngọc Lương; Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân và lãnh đạo TP.Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước đề nghị toàn ngành giáo dục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong đó, Bộ GD-ĐT tập trung chỉ đạo tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng vào phát triển con người toàn diện cả năng lực và phẩm chất, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ của đất nước. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.
Đặc biệt, Chủ tịch nước yêu cầu nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo đúng hướng, hợp lý. Đầu tư thích đáng cho giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao; có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trong giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, coi là khâu then chốt. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Đổi mới chính sách đãi ngộ nhà giáo
2. Ngành giáo dục phải khắc phục “3 thiếu”
Sáng 5.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ và đánh trống khai giảng năm học mới 2022 - 2023 tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội). Phát biểu tại đây, Thủ tướng nhắc lại lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với học sinh, cũng như thư của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thời điểm dịch Covid-19 cao điểm năm 2020.
Thủ tướng nhắn nhủ các học sinh sẽ được học những bài học về lòng biết ơn và tình yêu quê hương, đất nước; biết ơn cha mẹ, ông bà, thầy cô đã ngày đêm tận tụy chăm sóc dạy dỗ mình; hiểu và được truyền cảm hứng từ những tấm gương sáng trong lịch sử đất nước; học được bài học về sự tử tế, trung thực và nhân ái, sự cố gắng, nỗ lực, sống có hoài bão và lý tưởng…
“Muốn tâm hồn mình như cây xanh tốt, hằng ngày các cháu cần trang bị tri thức bằng việc đọc sách. Nhờ đọc sách, các cháu sẽ biết được rất nhiều điều thú vị, hiểu sâu, biết rộng hơn về bầu trời tri thức. Các cháu cần chăm chỉ học ngoại ngữ, tin học, luyện tập thể chất, nhất là các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn như bơi lội, ứng phó động đất, cháy nổ, có ý thức tham gia giao thông…”, Thủ tướng nêu.
Đối với thầy cô, Thủ tướng yêu cầu: “Dù rất vất vả nhưng cần nỗ lực hơn nữa với phương châm “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để lại những dấu ấn yêu thương và tốt đẹp với các cháu”. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thụ tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…”.
Người đứng đầu Chính phủ mong nhà trường, thầy cô, quan tâm và thực hiện được 3 cân bằng: học - chơi - ăn ngủ; mong các bậc cha mẹ phối hợp chặt chẽ, chia sẻ với nhà trường, thầy cô để dạy dỗ và chăm sóc các cháu. Các bộ, ngành, nhất là Bộ GD-ĐT, cần tập trung giải quyết từng bước những tồn tại, hạn chế và những bất cập phát sinh. Trước mắt, cần sớm giải quyết được 3 thiếu, đó là thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu sách giáo khoa; thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ, khoa học, hiệu quả để các cháu khỏe mạnh đến trường, cha mẹ yên tâm công tác, thầy cô yên tâm giảng dạy.
> Chỉ tiêu đào tạo giáo viên giảm mạnh, điểm chuẩn có tăng vọt?
> 25 trường được tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung 6 bậc
Theo Báo Thanh Niên