Bài viết này không giúp bạn cách định hướng nghề nghiệp như thế nào. Nhưng nếu như bạn muốn biết về thực trạng về mối quan hệ giữa bằng cấp và nghề nghiệp thì mời bạn xem những thông tin dưới đây. Hy vọng qua những thông tin này, bạn sẽ biết là mình cần trang bị thêm những kỹ năng mềm nào để hướng nghiệp.

 

Tốt nghiệp loại khá giỏi nhưng vẫn thất nghiệp

Các bạn sinh viên nhóm 1 tính nhút nhát, ngại nói về mình và chỉ biết học. Trong khi các bạn sinh viên khác nhóm 2  cùng trang lứa nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội, tình nguyện thì nhóm 1 chỉ cắm mặt vào sách vở. Nhóm 1 muốn rủ nhóm 2 đi chơi hay hội họp thì không dễ chút nào, câu trả lời thường là bận học không đi được. Ra trường các bạn nhóm 2 nhanh chóng tìm được việc làm còn các bạn nhóm 1 thì phải sống bám vào gia đình, số khác thì tiếp tục học lên cao học hay đại loại. Có trong tay tấm bằng giỏi, có trình độ ngoại ngữ nhưng vẫn khó xin việc. Có tri thức, học tốt, bằng giỏi nhưng vì sao họ vẫn không xin được việc?

 


Định hướng nghề nghiệp - Thực trạng bằng đẹp nhưng hẹp đường nghề - Ảnh 1

 

Dư thành tích, thiếu kinh nghiệm

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, các công ty tuyển dụng có khuynh hướng tiếp nhận những người có thể làm được việc ngay. Họ ngại biến công ty thành nơi thực tập của sinh viên mới ra trường hoặc không muốn bỏ ra phí đào tạo lại vì vậy họ luôn từ chối ngay cả với những sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi của trường đại học danh tiếng.

Điều mà các bạn sinh viên có được đó là những kiến thức chuyên ngành được biết qua những cuốn sách, những bài giảng. Họ giỏi lý thuyết nhưng điều đó hoàn toàn không đủ. Cái họ cần có thêm đó chính là sự cọ xát với thực tế công việc, là kinh nghiệm và vốn sống. Sẽ là tốt hơn nếu như khi còn là sinh viên họ chịu khó cộng tác với doanh nghiệp, cơ quan trong lĩnh vực ngành học của họ, vừa để rèn nghề vừa để làm dày thêm kinh nghiệm của mình.

 

Kỹ năng mềm thiếu và yếu

Bên cạnh việc thiếu kinh nghiệm làm việc thì không ít bạn trẻ đánh mất cơ hội lập nghiệp do thiếu kỹ năng mềm. Nhiều người không nhận thức đúng, đủ về vấn đề này. Hầu hết rất bị động, hiểu mơ hồ về kỹ năng mềm, vai trò của kỹ năng mềm đối với công việc của mình. Điều này khiến cho kỹ năng mềm của sinh viên hiện nay còn yếu

Hai năm trở lại đây, nhiều cơ sở đào tạo đã được mở ra với mục đích nâng cao kỹ năng mềm cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ đào tạo được một lượng nhỏ sinh viên mỗi năm. Chính vì vậy mà trong hàng ngàn sinh viên ra trường mỗi năm chỉ có số ít người đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Không hiếm trường hợp sinh viên đạt kết quả học tập rất tốt nhưng khi phỏng vấn xin việc gặp nhiều khó khăn. Kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, đặt vấn đề, kỹ năng team work, giao tiếp tiếng Anh… vẫn điểm yếu của các bạn. Mặc dù đây được coi là những kỹ năng tối cần thiết khi phỏng vấn xin việc.

Đúng là nếu như các bạn sớm tự định hướng cho mình những việc cần làm từ khi còn là sinh viên, rèn luyện kỹ năng phục vụ công việc sau này thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Mặt khác, nếu trước đây có ý thức làm dày thêm kinh nghiệm và vốn sống thì bây giờ các bạn sẽ đỡ lúng túng và có nhiều lựa chọn hơn.


Định hướng nghề nghiệp - Thực trạng bằng đẹp nhưng hẹp đường nghề - Ảnh 2

Nguyên nhân do đâu?

Phần lớn sinh viên hiện nay vẫn chưa thật sự năng động và thiếu tinh thần cầu tiến. Họ bước vào đại học với bao hy vọng và ước mơ. Nhưng họ chẳng bao giờ nắm bắt cơ hội đến với mình.

Một lí do khác khiến nhiều sinh viên “có tiếng mà không có miếng” là do bệnh quan trọng thành tích, bằng cấp đã in sâu vào tư tưởng họ, nên học chỉ vì điểm số chứ không vì đam mê.

Nhiều sinh viên thích đổ lỗi cho…trường đại học của mình. Họ cho rằng chính sự dễ dãi của trường đã khiến họ thụt lùi. Nhưng tại sao vẫn có rất nhiều bạn chỉ có bằng cao đẳng, thậm chí trung cấp, nhưng dễ dàng tìm được việc? Hơn nhau ở kĩ năng mềm và trình độ chuyên môn.

Nhiều bạn học ở trường đại học tốt, ngành thời thượng, nhưng khi ra trường vẫn…không dám xin việc làm vì khả năng của họ chưa thật sự xứng đáng với bằng cấp họ có.


Theo Trí thức trẻ