Đại học Sư phạm Huế: Thí sinh từ đỗ thành trượt vì... hạnh kiểm không đạt

Mới đây, nhiều bậc phụ huynh đã thể hiện sự bức xúc vì con mình bị trượt Đại học mặc dù đã nhận giấy báo trúng tuyển của Đại học Sư phạm Huế vì hạnh kiểm không đạt yêu cầu.
Liên quan đến việc 34 thí sinh trúng tuyển nhận thông báo rớt trong ngày nhập học tại Đại học Huế do cộng sai điểm ưu tiên, ngày 12/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có trả lời chính thức về hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Trong khi việc này chưa có kết luận cuối cùng thì mới đây, nhiều bậc phụ huynh đã thể hiện sự bức xúc vì con mình bị trượt Đại học mặc dù đã nhận giấy báo trúng tuyển của Đại học Huế, lần này không phải nguyên nhân là do cộng sai điểm ưu tiên, mà do sai sót trong xét tuyển hạnh kiểm.

Với 18,5 điểm sau khi cộng điểm ưu tiên, thí sinh Thân Thị Nguyên Bình nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành Mầm non của Đại học sư phạm Huế nhưng khi nộp hồ sơ nhập học, em rất bất ngờ khi được thông báo mình bị trượt do hạnh kiểm không đạt.

Qua tìm hiểu, phóng viên VTV được biết, năm nay, cùng với các trường sư phạm trọng điểm trong cả nước, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế có thêm điều kiện xét tuyển là thí sinh phải có điểm hạnh kiểm của 3 năm THPT đạt từ loại Khá trở lên nên tất cả những trường hợp đến nộp hồ sơ nhập học, sau khi được đối chiếu học bạ, thí sinh nào không đáp ứng sẽ bị đánh trượt, dù đã có giấy báo nhập học. Theo ghi nhận của phóng viên, tính đến trưa 13/9 đã có khoảng 15 trường hợp thí sinh thuộc diện này.

Như vậy, ngoài 34 trường hợp thí sinh xét tuyển vào Đại học Huế có giấy báo trúng tuyển rồi lại rớt do sai sót trong cộng điểm ưu tiên, đến nay đã có thêm gần 15 trường hợp từ đỗ thành trượt do không đáp ứng điều kiện hạnh kiểm.

Điều đang khiến dư luận băn khoăn chính là tại sao việc xét hạnh kiểm không được tiến hành song song với xét điểm thi và tiêu chuẩn hạnh kiểm không được rà soát trước khi Đại học Huế ra quyết định trúng tuyển và gửi giấy báo về cho thí sinh?

Bộ GD&ĐT: Sẽ đảm bảo quyền lợi cho thí sinh bị cộng sai điểm ưu tiên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xác định nguyên nhân chính xác để có hướng xử lý phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh bị cộng sai điểm ưu tiên.
Về việc hơn 30 sinh viên tại Đại học Huế nhận giấy báo đỗ đại học nhưng khi đến trường lại được thông báo không đủ điểm đỗ, nguyên nhân được xác định là do nhầm lẫn trong cộng điểm ưu tiên. Lý giải vấn đề này, đại diện Đại học Huế cho rằng phần mềm của Bộ tự động điều chỉnh gán khu vực 1 theo hộ khẩu thường trú.

Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở riêng ĐH Huế mà cũng diễn ra ở một số trường khác. Trong đó, ĐH Y Dược có 18 em, ĐH Ngoại ngữ có 5 em, ĐH Nông Lâm có 6 em... Nguyên nhân là do thí sinh đã nộp hồ sơ bị sai đối tượng ưu tiên hoặc sai khu vực ưu tiên.

Những trường hợp thí sinh khai sai đối tượng ưu tiên là do lỗi thí của sinh vì theo quy chế tuyển sinh, thí sinh phải tự chịu trách nhiệm về tính xác thực trong hồ sơ. Điều đáng nói nhất là không chỉ thí sinh khai nhầm chế độ cộng điểm ưu tiên của mình mà ở một số nơi, chính trường THPT cũng tư vấn không đầy đủ và chính xác cho các em.

Phóng viên Thời sự đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Xét tuyển ĐH, CĐ bổ sung đợt 3: 56 trường còn chỉ tiêu tuyển sinh

Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách 56 trường Đại học - Cao đẳng còn chỉ tiêu tuyển sinh trong đợt 3.
Theo đó, phía Bắc có 13 trường Đại học và 16 trường Cao đẳng; phía Nam có 21 trường Cao đẳng và 6 trường Đại học gồm: Đại học Văn hóa TP.HCM, Đại học Phú Yên, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Đại học Quốc tế miền Đông, Đại học Kỹ thuật - Công nghiệp Long An và Đại học Đồng Nai.

Các trường sẽ tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đến ngày 21/9.

Xét tuyển đại học đợt ba: Có trường thiếu 3.400 chỉ tiêu

Bộ GD&ĐT vừa công bố thông tin tuyển sinh đợt ba. Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội vẫn còn tới 3.400 chỉ tiêu. Nhiều trường cao đẳng chưa tuyển đủ sinh viên.

Bộ GD&ĐT vừa cập nhật danh sách các trường đại học, cao đẳng trong cả nước còn chỉ tiêu tuyển sinh đợt ba, tính đến 10h ngày 13/9.

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, có 3.000 chỉ tiêu hệ đại học và 400 chỉ tiêu cao đẳng cho đợt xét tuyển này. Hết đợt xét tuyển thứ hai, trường này vẫn chưa tuyển đủ 50% tổng chỉ tiêu dự kiến.

Đại học Lâm nghiệp vẫn còn hơn 1.500 chỉ tiêu hệ đại học. Các ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Quản lý đất đai, Kế toán, Lâm sinh, Kỹ thuật công trình xây vẫn còn 100 chỉ tiêu.

Ở phía Nam, Đại học Văn hóa TP HCM còn 60 chỉ tiêu. Trong khi đó, Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An còn hơn 550 chỉ tiêu.

Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu còn 567 chỉ tiêu. Đại học Đồng Nai đã tuyển đủ chỉ tiêu đại học, chỉ còn thiếu 140 chỉ tiêu cao đẳng.

Gần 50 trường ĐH, CĐ vẫn tiếp tục tuyển sinh

Các trường ĐH, CĐ đang tuyển sinh với mức điểm đầu vào ĐH bằng ngưỡng điểm mà bộ quy định và các trường CĐ cũng vậy. Điểm xét tuyển ĐH là 15 điểm còn hệ CĐ là 12 điểm.

Bộ GD-ĐT vừa mới thông báo thông tin cập nhật xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 của các trường ĐH,CĐ trong cả nước tính đến 15h ngày 11/9. Các trường (ĐH và CĐ) nhận ĐKXT từ ngày 11/9 đến ngày 21/9/2015; Công bố kết quả trúng tuyển trước 24/9/2015.

Các trường (ĐH và CĐ) chưa tuyển đủ chỉ tiêu chủ động công bố thời gian nhận ĐKXT từ ngày 25/9 đến ngày 15/10/2015 và công bố kết quả trúng tuyển trước 19/10/2015. Tuyển sinh ĐH 2015 kết thúc ngày 20/10/2015.

Từ ngày 20/10/2015, các trường CĐ chưa tuyển đủ chỉ tiêu, chủ động công bố thời gian nhận ĐKXT và công bố kết quả trúng tuyển trước 20/11/2015. Tuyển sinh CĐ kết thúc ngày 21/11/2015.

Theo đó, hiện các trường còn chỉ tiêu như sau:

ĐH Công Nghiệp Việt – Hung chỉ tiêu còn tuyển sinh: 1.000

ĐH Thái Nguyên tuyển hệ ĐH: 2.538 chỉ tiêu, hệ CĐ: 978 chỉ tiêu.

ĐH Dân Lập Phương Đông hệ ĐH tuyển 800 chỉ tiêu, trong khi đó hệ CĐ tuyển 80 chỉ tiêu.

ĐH Văn Hóa – TPHCM tuyển thêm 60 chỉ tiêu.

ĐH Đân Lập Phương Đông với 800 chỉ tiêu hệ ĐH còn hệ CĐ với 8 chỉ tiêu.

ĐH Công Nghiệp Việt Trì : Chỉ tiêu xét tuyển bổ sung trình độ đại học:1.000 chỉ tiêu. Trình độ cao đẳng:  250 chỉ tiêu

ĐH Sao Đỏ tuyển sinh bổ sung cả ĐH, CĐ với 1100 chỉ tiêu, trong đó CĐ là 350 chỉ tiêu.

ĐH SP Kỹ Thuật Vinh hệ ĐH tuyển 400 chỉ tiêu, hệ CĐ tuyển 700 chỉ tiêu.

ĐH Công Nghiệp May Thời Trang Hà Nội tuyển 700 chỉ tiêu.

ĐH Văn Hóa TPHCM tuyển 60 chỉ tiêu.

ĐH Phú Yên đợt 1 tuyển được  97 chỉ tiêu.

ĐH Huế xét tuyển đợt 3

Ngày 12/9, ĐH Huế vừa thông báo xét tuyển đợt 3 vào các trường, phân hiệu trực thuộc.Theo đó, tổng cộng có 258 chỉ tiêu gồm hệ ĐH và CĐ. Trong đó, hệ ĐH có 209 chỉ tiêu.

Theo đó, có tổng số 8 ngành đào tạo trình độ đại học và 1 ngành đào tạo trình độ cao đẳng của Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị có tuyển nguyện vọng bổ sung.

Trong đó, có 3 ngành của Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị và 5 ngành của các trường đại học thành viên Đại học Huế đào tạo tại Phân hiệu. Hầu hết các ngành đều có điểm mức điểm tối thiểu để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là 15 điểm.

Riêng ngành Thiết kế nội thất của Trường Đại học Nghệ thuật đào tạo tại Phân hiệu có mức điểm tối thiểu để nộp hồ sơ là 28,75 (điểm môn năng khiếu có hệ số 2). Ngành đào tạo trình độ cao đẳng có mức điểm tối thiểu để nộp hồ sơ là 12.

Chiều 11/9 ĐH Huế  đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 2. Trong hơn 1.500 hồ sơ nộp nguyện vọng bổ sung vào các trường ĐH Huế, có 707 thí sinh trúng tuyển vào ĐH Khoa học, 85 thí sinh trúng tuyển vào ĐH Sư phạm; 374 thí sinh trúng tuyển đại học Nông Lâm và 138 thí sinh trúng tuyển vào phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị.

Như vậy, vớiđợt 2 nhiều ngành vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu như phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị còn thiếu trên 160 chỉ tiêu. Đặc biệt là ở các ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Kỹ thuật công trình xây dựng… Tương tự, một số ngành thuộc Đại học Khoa học Huế cũng chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1, có 112 hồ sơ đăng ký không hợp lệ. Đại học Huế cũng đã công bố danh sách và lỗi đăng ký không hợp lệ trên trang web của hueuni.edu.vn để thí sinh lưu ý khi làm hồ sơ đằng ký đợt tiếp theo.

Đại học Huế sẽ tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đợt 3 từ ngày 11/9 đến 21/9, công bố kết quả trước ngày 24/9. Trong đợt này thí sinh được quyền đăng ký 3 trường khác nhau và không được thay đổi nguyện vọng và rút hồ sơ chuyển sang trường khác sau khi đăng ký.

Đắk Lắk: phụ huynh đòi chuyển trường vì thông tin sai

Những ngày qua, thông tin đăng tải trên một tờ báo mạng và được nhiều báo mạng khác dẫn lại cho biết Trường tiểu học Lê Văn Tám (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã bị “xóa sổ” do không tuyển đủ học sinh trong năm học mới.
Thông tin này đã khiến không ít học sinh, phụ huynh hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, ban giám hiệu Trường tiểu học Lê Văn Tám khẳng định không có chuyện trường bị “xóa sổ” như tin đang lan truyền.

Cô Vũ Thị Nga - chủ tịch công đoàn nhà trường - cho biết sau khi thông tin nói trên lan tràn trên mạng, nhiều phụ huynh đã đến tận trường, gọi điện hỏi sự thật có đúng thế không để họ chuyển con đi trường khác.

“Trường chưa từng tiếp xúc với bất cứ cơ quan báo chí nào về vấn đề này. Số lượng học sinh vào lớp 1 của trường năm nay là 36 em, trong khi báo viết là 22 em. Và cũng không hề có chuyện trường thừa giáo viên như báo viết.

Những năm qua trường hoạt động tốt, đảm bảo sĩ số, không có bất cứ lý do gì khiến trường bị “xóa sổ” cả. Ngày đầu tiên báo này dùng từ “xóa sổ”. Ngày hôm sau đổi thành “giải thể”, đến hôm nay lại là “đứng trước nguy cơ giải thể”” - cô Nga nói.

Sáng 11-9, thầy Nguyễn Sỹ Huê - hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám - cho biết ngày 7-9 sau khi có thông tin trường bị “xóa sổ”, đoàn kiểm tra của UBND huyện, phòng nội vụ, phòng GD-ĐT đến trường không báo trước, lên từng lớp để đếm sĩ số.

Sau khi kiểm tra, đoàn khẳng định những thông tin đăng trên báo là hoàn toàn sai sự thật và động viên các em học sinh hãy yên tâm học tập.

“Việc thông tin sai lệch ảnh hưởng rất lớn tới trường chúng tôi. Phụ huynh nghi ngờ và chúng tôi rất lo lắng họ sẽ không cho con em mình đến học ở đây nữa. Sắp tới tôi sẽ lên phòng GD-ĐT đề nghị đính chính thông tin để lấy lại uy tín cho trường” - ông Huê nói.

Tổng hợp