>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Bộ GD&ĐT mở đường dây nóng tuyển sinh ĐH, CĐ 2015

Bộ Giáo duc và Đào tạo mở đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, giải đáp các thắc mắc, tư vấn cho thí sinh, cha mẹ học sinh, người dân… về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

Hãy gọi ngay đường dây nóng: 04 36230816Điểm tin tuyển sinh 2018 ngày 5/8 - Ảnh 104 36230816 để nhận được các giải đáp kịp thời từ các chuyên gia Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Nhiều trường liên tục cập nhật hồ sơ đăng ký xét tuyển

Theo thống kê của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đến chiều 4.8 trường này nhận được trên 2.200 hồ sơ (chưa tính hồ sơ gửi qua đường bưu điện).
Đến 17 giờ chiều 4.8, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận được 2.760 hồ sơ. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhận được 1.620 hồ sơ đến hết 16 giờ chiều nay.
Còn Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng cho biết đã nhận được trên 2.000 hồ sơ (trong đó chỉ riêng ngày hôm nay số hồ sơ nhận được 700 bộ).
Trường ĐH Sài Gòn trong buổi sáng là 1.114 hồ sơ tại trường và 151 hồ sơ qua đường bưu điện. Tổng số hồ sơ trường thu được đến trưa 4.8 là 6.245 bộ.
Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM mới nhận được 965 hồ sơ (tính cả hồ sơ qua đường bưu điện) tính đến 17 giờ hôm nay.
Đặc biệt, một số trường cho biết sẽ cập nhật liên tục từng ngày số hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường để thí sinh tham khảo như: Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM… Trong khi đó, một số trường thực hiện việc này đúng theo quy định 3 ngày 1 lần, chẳng hạn Trường ĐH Y dược TP.HCM…

Sẽ lọc thí sinh điểm cao để hạn chế “nhiễu” điểm thi

Sẽ lọc thí sinh điểm cao để hạn chế “nhiễu” điểm thi

Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Đỗ Văn Xê cho biết: Một vài ngày tới, nhà trường sẽ có những phân tích cụ thể danh sách thí sinh xét tuyển.

Theo đó, các thi sinh trúng tuyển nhiều ngành sẽ được phân tích để giữ ngành trúng tuyển có nguyện vọng cao nhất và loại tên thí sinh này ra khỏi danh sách các ngành có nguyện vọng thấp hơn.

Với cách này, các thí sinh có điểm cao không "gây nhiễu" làm ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh thuộc tốp giữa và tốp dưới.

Ngay cả các thí sinh trúng tuyển nhiều ngành chỉ bị lọc ra khỏi danh sách để thí sinh tham khảo. Số liệu gốc vẫn tồn tại khi xét tuyển thật sự. Vì vậy các em điểm cao không bị ảnh hưởng bởi quy trình này.

Theo ông Xê, mỗi ngày nhà trường sẽ công khai những phân tích này một lần.

Hiện nay, Trường ĐH Cần Thơ có số lượng hồ sơ nộp vào khá đông. Tuy nhiên, vì hôm nay mới bước vào ngày thứ 4, số liệu chưa nhiều nên những nhận định về điểm xét tuyển chưa thể chính xác.

Đại học Huế quá tải tại điểm tiếp nhận hồ sơ nguyện vọng 1

Ngày 4/8, tại điểm tiếp nhận hồ sơ xét tuyển sinh 2015 nguyện vọng 1 do Đại học Huế đảm trách (tòa nhà Ban Khảo thí - Đảm bảo chất lượng, số 3 đường Lê Lợi, thành phố Huế) xảy ra tình trạng quá tải, chen lấn, do lượng thí sinh, phụ huynh tập trung về đây quá đông, khoảng từ 2.000 đến 3.000 người.
Thí sinh và người nhà thậm chí còn đứng chật cả ra sân tòa nhà, tràn về vỉa hè đường Lê Lợi để chờ xin phiếu và đến lượt giải quyết tiếp nhận hồ sơ xét tuyển.

Trao đổi với phóng viên, phụ huynh T.V.C (đến từ huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, anh chờ từ đầu giờ chiều ngày 3/8, nhưng đến cuối giờ chiều 4/8 mới nộp được hồ sơ cho con.

Anh C. cho rằng, do quá đông người tập trung về đây, lại liên tục chen lấn, hoạt động hướng dẫn hạn chế, nên xảy ra tình trạng này. Một phụ huynh khác đển từ tỉnh Quảng Nam than phiền rằng, đã chờ đợi nhận phiếu nộp hồ sơ từ sáng, nhưng đến chiều 4/8 vẫn chưa có kết quả, nên đành tạm rời đi thuê chỗ trọ, với hi vọng chờ hoàn tất nộp hồ sơ vào ngày 5/8.
Theo ông Hoàng Hữu Hòa, Trưởng Ban Khảo thí - Đảm bảo Chất lượng giáo dục (Đại học Huế), mặc dù thời gian nhận hồ sơ kéo dài đến ngày 20/8, nhưng do tâm lý nôn nóng nên nhiều phụ huynh, thí sinh dồn về đây trong những ngày đầu gây tình trạng quá tải, chen lấn.

Trước tình hình này, Ban đã dựng thêm mái che bên ngoài có sức chứa 200-300 người, tăng cường thêm nhiều nhân viên để giải quyết tiếp nhận hồ sơ trong thời gian nhanh nhất có thể. Đến cuối ngày 4/8, Đại học Huế cho biết, đã tiếp nhận xong khoảng 3.000 hồ sơ xét tuyển.

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2015: Trường top 1 vẫn còn nhiều chỉ tiêu

Trong lần công bố đầu tiên, danh sách thí sinh ĐKXT do các trường ĐH công bố cho thấy, hầu hết các trường đều còn từ một đến vài ngàn chỉ tiêu.

Theo điểm số, thứ tự xếp hạng thí sinh tạm thời các trường ĐH cập nhật trên trang web chính thức của trường,  trung bình các trường top 1 khu vực phía Bắc vẫn còn từ 1.000 đến 4.000 chỗ học cho thí sinh.

ĐH Xây dựng (3.300 chỉ tiêu) mới nhận 400 HSXT; Học viện Báo chí tuyên truyền (1.550 chỉ tiêu) mới có hơn 300 HSXT; Học viện Bưu chính viễn thông 500 HSXT; ĐH Bách khoa HN (6.000 chỉ tiêu) nhận được  1.800 HSXT; ĐH Kinh tế Quốc dân (4.800 chỉ tiêu)  nhận được 1.000 HSXT; ĐH Hàng hải Hải Phòng (3.200 chỉ tiêu) nhận được hơn 900  HSXT; ĐH Y Hà Nội (1.000 chỉ tiêu)  nhưng mới nhận được gần 200 hồ sơ; ĐH Ngoại thương có 3.450 chỉ tiêu nhưng cũng mới nhận được 1.000 HSXT…

Lý giải hiện tượng này, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ HN cho rằng, một phần do thời tiết quá xấu trong mấy ngày qua nên thí sinh từ các tỉnh xa có khó khăn trong việc về Hà Nội nộp hồ sơ, đặc biệt trong lúc thí sinh còn rất nhiều thời gian để cân nhắc.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể từ ngày các trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào đại học - đợt 1 năm 2015, ít nhất 3 ngày 1 lần, các trường phải công bố công khai danh sách thí sinh đã đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin điển tử của trường theo thứ tự từ điểm số cao xuống thấp.

Hiện trên website nhiều trường Đại học, Cao đẳng đã cập nhật danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển, thông tin về điểm tuyển sinh các năm trước.

Bên cạnh đó, các trường cũng đăng đầy đủ thông tin yêu cầu xét tuyển của các trường trên website như chỉ tiêu các ngành, điểm sàn xét tuyển, hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển... Đồng thời, còn có mẫu đăng ký xét tuyển và mẫu đơn xin rút hồ sơ để thí sinh có thể tải về và làm theo hướng dẫn...

Một số trường ĐH vẫn chưa cập nhật kịp thông tin vì nhiều nguyên do, trong đó, có phần liên quan đến phần mềm chung của Bộ GD&ĐT.

Trang web của các trường "đánh đố" thí sinh

Hôm nay 4.8, nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ trong 3 ngày đầu hồi hộp theo dõi thông tin về điểm thi tại các trường.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh than phiền, khi truy cập vào website của các trường phải mất rất nhiều thời gian mới tìm ra chỗ để tải dữ liệu. Trong khi đúng ra, thông tin “nóng” như vậy, các trường phải “treo” ngay trang chủ ở vị trí dễ nhìn thấy và bắt mắt nhất.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trang web của Trường ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn đều nằm trong tình trạng tải được file về máy tính nhưng không thể mở file ra để xem dữ liệu.
Tương tự, thí sinh muốn vào tra cứu thông tin xét tuyển mới nhất của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, phải vô trang chủ, sau đó vô trang tuyển sinh “mò mẫm” qua hàng loạt chuyên mục mới tìm ra chỗ “danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường”.
Tính đến hết ngày 3.8, ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã nhận được 156 hồ sơ, thí sinh cao điểm nhất ngành này là 25,75. Ngành công nghệ thông tin thí sinh cao điểm nhất là 26,25 trên tổng số 153 thí sinh. Ngành kỹ thuật phần mềm có nhiều hồ sơ nhất, gồm 183 người nộp trong khi ngành thương mại điện tử có ít thí sinh nộp vô nhất, gồm 15 thí sinh.
Tại Trường ĐH Kinh tế luật TP.HCM, ngành kế toán có đông thí sinh nhất: 266, với số điểm cao nhất là 25,5 điểm. Các ngành kinh tế đối ngoại 188 hồ sơ, kinh tế và quản lý công 152 hồ sơ, tài chính ngân hàng 179 hồ sơ và thấp nhất là ngành kinh tế học, 62 thí sinh...
Trong khi đó, tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, có hơn chục thí sinh dưới \'điểm sàn\' (dưới 15) điểm nhưng vẫn nộp hồ sơ xét tuyển vào trường nên bị coi là không hợp lệ. Trong đó, ngành luật kinh tế của trường này đã có 240 thí sinh, ngôn ngữ Anh có 239 thí sinh, kế toán mới chỉ nhận 47 hồ sơ, quản trị kinh doanh 33 hồ sơ, tài chính ngân hàng 60 hồ sơ.

45 sinh viên không được tốt nghiệp vì dùng chứng chỉ TOEIC giả

Trước lễ tốt nghiệp 2 ngày, Đại học Văn hóa TP HCM đã phát hiện 45 sinh viên dùng chứng chỉ TOEIC giả để nộp cho trường nên không trao bằng.

Ngày 5/8, TS Đỗ Ngọc Anh, Hiệu trưởng Đại học Văn Hóa TP HCM cho biết, vừa tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho 192 sinh viên khóa 2011-2015. Trước lễ tốt nghiệp 2 ngày, trường đã nhận được kết quả hậu kiểm chứng chỉ TOEIC của tổ chức IIG Việt Nam và có 45 sinh viên dùng chứng chỉ giả để nộp cho trường.

“Khóa này, trường áp dụng chuẩn đầu ra là chứng chỉ TOEIC 450. Khi sinh viên nộp vào, chúng tôi thấy có 45 chứng chỉ khác với mẫu bình thường nên gửi sang IIG Việt Nam nhờ kiểm tra. Có kết quả, trường đã hủy quyết định công nhận tốt nghiệp với 45 sinh viên này”, bà Ngọc Anh nói.

Hiệu trưởng Đại học Văn hóa TP HCM cho biết, đây là lần đầu tiên trường phát hiện sinh viên dùng chứng chỉ TOEIC giả. Vào đầu năm học, trường sẽ họp hội đồng kỷ luật và đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp.

“45 sinh viên này đều có học lực khá. Nhiều em đã thi đến lần thứ 3, 4 mà vẫn không đậu chứng chỉ TOEIC 450 để ra trường nên mua chứng chỉ giả được rao bán trên mạng”, Hiệu trưởng Đại học văn hóa TP HCM cho biết.

Những khóa trước, trường áp dụng chuẩn đầu ra bậc đại học là chứng chỉ B Anh văn. Từ khóa 2010, trường đưa ra chuẩn tiếng Anh ở bậc đại học là chứng chỉ TOEIC 450, riêng ngành du lịch là chứng chỉ TOEIC 500.

Khóa học 2011-2015, Đại học Văn hóa TP HCM có 599 sinh viên nhập học ở 16 chuyên ngành và 7 ngành đào tạo. Đến cuối khóa học, còn 527 sinh viên nhưng chỉ có 192 em đạt yêu cầu tốt nghiệp. 335 sinh viên còn lại chưa tích lũy đủ số lượng tín chỉ các môn học hoặc thiếu chứng chỉ giáo dục quốc phòng, TOEIC nên không được tốt nghiệp
Tổng hợp