>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, đề thi đại học

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, tiêu chí mới có thể hướng tới tuyển thí sinh theo năng lực thay vì chỉ kiểm tra kiến thức như trước.

Ngày 24/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 5 phương án thay thế điểm sàn để bàn thảo tại 2 hội nghị diễn ra ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa “chốt” được phương án nào.

Chưa công bố phương án chính thức thay thế điểm sàn

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), thời điểm hiện tại, Bộ chưa công bố bất cứ một thông tin gì liên quan đến các phương án thay thế điểm sàn cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện và công bố dự thảo để xin ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ sở giáo dục đại học và toàn xã hội.

Tiêu chí thay thế điểm sàn 2014: Đánh giá theo năng lực?

Tiêu chí thay thế điểm sàn 2014: Đánh giá theo năng lực?

Còn theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, hiện tại Bộ đang xem xét, nghiên cứu một vài phương án để thay thế tiêu chí về điểm sàn. Tiêu chí mới có thể hướng tới tuyển thí sinh theo năng lực thay vì chỉ kiểm tra kiến thức như trước đây. Ví dụ, thay vì chỉ có một tiêu chí là đủ điểm sàn mới trúng tuyển ĐH thì nay có thể kết hợp với việc xem xét kết quả môn thi có phù hợp với ngành học hay không. Có thể tổng điểm 3 môn thi thấp nhưng có môn thi phù hợp với ngành học mà thí sinh đăng ký đạt điểm cao vẫn trúng tuyển.

Để các trường tự quyết

PGS.TS Lê Trọng Thắng - Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: “5 phương án thay thế điểm sàn ĐH, CĐ mới đưa ra, dù theo phương án nào, cuối cùng cũng phải xác định được ngưỡng xét tuyển. Điều này có thể lại lặp lại tình trạng điểm sàn trước đây và không giải quyết được vấn đề đặt ra cho các trường ngoài công lập”.

Ông Thắng đưa ý kiến, đối với các trường công lập nên tổ chức theo phương án 3 chung để đảm bảo chất lượng tuyển sinh. Đối với các trường ngoài công lập, Bộ nên để Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tự xác định điểm sàn và chịu trách nhiệm trước xã hội. Bộ chỉ cần hỗ trợ Hiệp hội về xác định phương án hài hòa và giám sát chặt chẽ việc thực hiện tuyển sinh của các trường ngoài công lập.

Ông Thắng nhấn mạnh, phương án điểm sàn và điểm xét tuyển của các trường phải công khai trên website của nhà trường. Ngoài ra, cần lập một trang mạng tuyển sinh chung, bắt buộc các trường công bố công khai thông tin tuyển sinh. Nếu trường nào xảy ra tiêu cực cần phải xử lý nghiêm để xác lập uy tín đối với xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo.

Bàn về tiêu chí thay thế điểm sàn, GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng: “Những phương án dự thảo điểm sàn mới đều hay. Các phương án Bộ GD&ĐT đưa ra mục đích là nhằm phân tầng đại học. Thí sinh giỏi có thể lựa chọn các trường học tốt và ngược lại”.

Hiện nay, với phương án tuyển sinh của từng trường, họ đã xác định điểm chuẩn riêng của mình. Nếu trường lấy điểm đầu vào thấp quá, sinh viên ra trường sẽ không đạt chất lượng. Do vậy, dù Bộ GD&ĐT có cho tự chủ tuyển sinh, các trường cũng cần phải khẳng định chất lượng đào tạo của mình với xã hội.

Ông Nghị kiến nghị: “Bộ cho tự chủ rồi thì Bộ nên để cho các trường tự xác định điểm sàn và chất lượng đầu vào. Chỉ cần một thời gian, các trường sẽ “trả lời” về mặt chất lượng thông qua số lượng sinh viên nhập học và kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo Tuyết Hoàng, khampha