>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


Cụm thi ĐH: Điểm cao và rất cao

Các trường thi, cụm thi đã bắt đầu gửi dữ liệu lên Cục khảo thí từ ngày 19/7. Nhìn chung, điểm thi năm nay tại các cụm thi ĐH cao hơn năm trước nhiều là nhận xét của các hội đồng chấm. Lấy ĐH Bách khoa Hà Nội làm ví dụ, trường này chấm thi cho 2 quận Hoàn Kiếm và Hoàng Mai của Hà Nội và thí sinh tỉnh Nam Định. Kết quả chấm thi cho thấy:  các môn thi trắc nghiệm không có điểm liệt; các môn lịch sử, địa lý, sinh học có trên 80% từ 5 điểm trở lên; môn toán 74% và môn văn trên 70% từ điểm 5 trở lên. Môn toán của thí sinh ở trường thi này có điểm rất cao: trên 1.600 thí sinh có điểm từ 8 trở lên (chiếm 10,5 %). Nhận xét về điều này, một cán bộ nói, “Bách khoa là một trường luôn chấm thi rất chặt, đúng quy chế nhưng điểm cao hơn mọi năm nhiều, đúng theo dự báo!”.

Điểm sàn bao nhiêu là vừa?

Để giải quyết tình trạng có quá nhiều thí sinh điểm cao, những trường ĐH tốp đầu đã đặt thêm điều kiện nhân đôi một số môn trong các tổ hợp khác nhau để chọn thí sinh, phòng khi chỉ hạ xuống 0,25 điểm chuẩn sẽ có thêm cả nghìn người đỗ. ĐH Bách khoa Hà Nội, ngoài nhân hệ số 1 môn như toán chẳng hạn, đang nghĩ đến việc chặn bằng điều kiện học bạ. Theo đó, ngoài việc quy định điểm cộng của 3 môn học trong tổ hợp môn xét tuyển phải từ  20 điểm trở lên, trường này có khả năng chặn thêm:  điểm  3 môn xét tuyển phải có điểm tối thiểu từ  4 điểm trở lên. Dự kiến thứ hai hoặc thứ ba trường này sẽ thông báo chính thức mặc dù mấy ngày nay, theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo, đã có cả nghìn thí sinh gửi câu hỏi về phương án xét tuyển vào trường này.

Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM cho biết, ĐH này còn phải chờ ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT mới có kế hoạch xét tuyển, nhưng đã rậm rạp đặt ra tiêu chí thí sinh phải đạt 6,5 cho điểm trung bình 6 học kỳ THPT. Ông Nghĩa cho biết thêm, mọi năm  có một vài ngành của ĐH này tuyển sinh sát “điểm sàn” của Bộ GD&ĐT nên năm nay sẽ tùy tình hình thực tiễn điểm nộp xét tuyển của thí sinh để xét từ điểm cao  xuống đến hết chỉ tiêu.  Các trường ĐH Sư phạm HN, ĐH Xây dựng đều đặt thêm điều kiện xét tuyển là điểm học bạ THPT.

Câu hỏi nóng nhất hiện nay là ngưỡng đảm bảo chất lượng thế nào là đủ. Có ý kiến cho rằng hiện nay Bộ GD&ĐT có hướng đặt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo tổ hợp xét. Như ý kiến của nhiều nhà  tuyển sinh, ông Nguyễn Phong Điền nói: nếu ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo tổ hợp xét sẽ khó cho các trường xác định điểm khi có môn  chính nhân hệ số. Ông Điền đề nghị, Bộ nên đặt ngưỡng cho từng môn, sẽ dễ hơn cho các phương án tuyển sinh linh hoạt của các trường.

Cụm thi địa phương: Nhiều thí sinh bị điểm liệt

Theo thông tin ban đầu từ các cụm thi địa phương, năm nay nhiều thí sinh bị điểm liệt, do vậy nhiều khả năng dẫn đến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tại cụm địa phương sẽ không cao.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang thông tin, sau khi thống kê, phổ điểm trung bình của thí sinh khoảng từ 3-4 điểm. Trong đó, môn Toán nhiều thí sinh bị điểm liệt, thí sinh có điểm thi môn này cao nhất là 6,5 điểm.

Ông Đồng Ngọc Lập, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh thông tin, năm nay đơn vị có 2.200 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp thì trong đó nhiều thí sinh bị điểm liệt ở một số môn. Trong đó, môn Toán thí sinh bị điểm liệt chiếm tới khoảng 19%, môn Lịch sử có 1 thí sinh bị điểm liệt, các môn còn lại điểm liệt lẻ tẻ. Cũng theo ông Lập, phổ điểm của học sinh thi để xét tốt nghiệp tại cụm thi địa phương này không cao lắm, chủ yếu nằm trong khung 3-6 điểm, trong đó lượng thí sinh có từ 3-4 điểm khá cao. Ông Lập dự đoán, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ khoảng 75%, thấp hơn những năm trước. “Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số dự đoán, chưa chính xác bởi năm nay địa phương cập nhật điểm theo phần mềm của Bộ GD&ĐT cung cấp. Sau đó, phải chờ xét kết quả học tập của học sinh nữa mới có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chính xác”, ông Lập cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương chia sẻ, đơn vị đã hoàn thành khâu chấm điểm, lên điểm trong đó đơn vị có phổ điểm trung bình từ 4- 6 điểm. Bà Hiền thông tin, đơn vị cũng có thí sinh bị  điểm liệt nhưng tỉ lệ rất thấp. “Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay có giảm nhẹ so với năm trước”, bà Hiền nói. Cũng theo bà Hiền, năm 2014, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của Hải Dương là 90,2%, năm nay Hải Dương dự đoán có khoảng 90% thí sinh đỗ tốt nghiệp.

Tại điểm thi tỉnh Vĩnh Phúc, có tới 250 bài thi bị điểm liệt trong đó cũng tập trung chủ yếu ở môn Toán. Phổ điểm trung bình của đơn vị này cũng tập trung ở khoảng 3-6 điểm. Với nhiều thí sinh bị điểm liệt, đơn vị này dự đoán tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay sẽ thấp hơn năm trước.

Theo lãnh đạo các Sở GD&ĐT, nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tại các cụm thi địa phương năm nay giảm do nhiều học sinh có học lực trung bình khá trở lên đã đăng ký thi ở cụm thi đại học. Có nơi, lượng thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp không bằng 1/3 những năm trước. Vì thế nếu nhập cả điểm thi của thí sinh thi ở cụm thi đại học thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cũng không thấp hơn năm ngoái.

Cũng theo lãnh đạo một Sở GD&ĐT, năm nay chỉ cần thí sinh không bị điểm liệt là đỗ tốt nghiệp bởi các em còn được xét điểm quá trình học. Mà điểm quá trình học trước đó đã được cô thầy “ưu ái” hơn trong năm thi “hai trong một” này để đảm bảo các em chỉ cần đạt 2-3 điểm cũng có thể tốt nghiệp.

Trường ĐHBK Hà Nội chấm thi cho 2 quận Hoàn Kiếm và Hoàng Mai của Hà Nội và thí sinh tỉnh Nam Định. Kết quả chấm thi cho thấy: các môn thi trắc nghiệm không có điểm liệt; các môn lịch sử, địa lý, sinh học có trên 80%  từ 5 điểm trở lên; môn toán 74% và môn văn trên 70% từ điểm 5 trở lên. Môn toán của thí sinh ở trường thi này có điểm rất cao: trên 1.600 thí sinh có điểm từ 8 trở lên (chiếm 10,5 %).

Thi THPT quốc gia: Tuyển hơn 70% trong đợt xét đầu tiên

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng năm nay do chất lượng thí sinh (TS) tăng cùng với cấu trúc đề thi thay đổi nên điểm thi nhìn chung khá cao so với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước.

Phổ điểm phân bố nhiều ở vùng trung bình

Thi THPT quốc gia: Tuyển hơn 70% trong đợt xét đầu tiên - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

* Theo nhận xét sơ bộ của các trường ĐH chủ trì cụm thi, điểm thi năm nay khá cao, nhiều môn hơn 70% bài từ 5 điểm trở lên. Vậy theo thứ trưởng, ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng liệu có cao hơn nhiều so với mọi năm ?

- Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là ngưỡng tương đối, phụ thuộc vào mức độ khó - dễ của đề thi từng năm. Nhiều năm thi "3 chung" điểm sàn ít thay đổi do cấu trúc đề thi chỉ nhằm mục đích phân loại để tuyển sinh, có độ khó tương đương nhau. Năm nay đề thi được thiết kế với 2 mục đích, số câu hỏi cơ bản nhiều hơn nên rõ ràng TS thi ĐH dễ đạt được điểm cao hơn những năm trước.

Luật Giáo dục ĐH quy định các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Các trường tự chọn phương án tuyển sinh phù hợp cho trường mình hoặc dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, hoặc xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc phổ thông, hoặc tổ chức thi riêng... nhưng tất cả các phương án đều phải xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Khi điều chỉnh cấu trúc đề thi, kết quả thi của TS tăng thì cần điều chỉnh ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho phù hợp với chất lượng nguồn tuyển yêu cầu. Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp, thảo luận để xác định việc này.



Ngưỡng điểm xét tuyển sẽ phù hợp để các trường áp dụng

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trước đây khi tổ chức thi "3 chung" thì điểm sàn được cân nhắc để vừa đảm bảo chất lượng lại vừa đảm bảo nguồn tuyển cho tất cả các trường trong cả nước. Năm nay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào liên quan chủ yếu đến việc xét tuyển và chỉ tiêu của những trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Đối với khoảng 200 trường ĐH, CĐ có đề án tự chủ tuyển sinh thì một phần chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, một phần dựa vào kết quả học tập của TS ở bậc phổ thông với ngưỡng đảm bảo chất lượng được xác định trong đề án đã công bố.

Dự kiến trong thời gian từ 20 - 31.7, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp thảo luận đưa ra nguyên tắc xác định ngưỡng điểm xét tuyển đơn giản nhất, phù hợp nhất để các trường dễ áp dụng chung cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.


* Vì điểm thi năm nay cao nên có thể một số trường y dược sẽ vất vả trong việc xác định điểm trúng tuyển. Vậy theo thứ trưởng, các trường này có nên thêm một bước tuyển tinh lọc chứ không chỉ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia ?

- Đề thi năm nay có phần cơ bản nên phần lớn những TS khá giỏi có thể làm được phần này. Tuy nhiên có những câu khó mà TS phải thật giỏi mới làm được. Vì thế phổ điểm sẽ phân bố nhiều ở vùng trung bình nhưng số TS đạt điểm cao, nhất là điểm tuyệt đối sẽ ít đi. Nhưng không phải vì thế mà các trường tốp trên gặp khó khăn khi lựa chọn TS. Mọi năm thi “3 chung” các trường này gặp khó vì trong đợt đầu tiên chỉ xét tuyển những TS đã dự thi vào trường mình. Do đó những TS không thi vào trường dù có điểm cao cũng không được nộp đơn xét tuyển.

Năm nay thì khác, do có kết quả thi rồi mới xét tuyển nên TS trong cả nước nếu đạt được ngưỡng xét tuyển yêu cầu của trường đều có thể nộp hồ sơ. Nguồn tuyển sinh điểm cao của các trường này sẽ không thiếu. Những TS có điểm thi thấp hơn cũng sẽ cân nhắc việc nộp hồ sơ vào các trường này nên cũng không quá nhiều đến nỗi các trường phải bổ sung thêm điều kiện để tuyển chọn.

Tất cả những điều kiện liên quan đến tuyển sinh các trường đã công bố công khai trước khi TS đăng ký dự thi nay cần thực hiện đúng, không được đặt thêm bất kỳ một điều kiện nào khác.

1.8 bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển

* Sau khi Bộ công bố kết quả thi là đến giai đoạn xét tuyển sinh ĐH. Trong giai đoạn này, các TS có nhu cầu xét tuyển cần phải làm những thủ tục gì? TS nên chú ý tới những vấn đề gì để không bỏ lỡ các cơ hội ?

- Sau ngày 20.7, khi các cụm thi đã báo cáo kết quả thi đầy đủ thì Bộ sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu, công bố kết quả thi thống nhất trong toàn quốc. Sau đó các sở GD-ĐT tiếp nhận dữ liệu kết quả thi của TS thuộc địa phương mình để xét tốt nghiệp THPT và Bộ sẽ tổ chức họp hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường ĐH, CĐ thông báo xét tuyển.

Theo kế hoạch thì ngày 1.8 các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt đầu tiên. TS cần lưu ý, đợt xét tuyển đầu tiên này rất quan trọng vì các trường thường tuyển hơn 70% chỉ tiêu trong đợt này. Do quy định trong đợt xét đầu tiên, TS chỉ được nộp hồ sơ vào một trường với 4 nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường này. Trong thời gian xét tuyển đợt 1, TS theo dõi thông tin thống kê của trường để quyết định thay đổi nguyện vọng hay rút hồ sơ để nộp sang trường khác có khả năng trúng tuyển cao hơn. Việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào ngành có thể thực hiện đơn giản nhưng việc rút hồ sơ sẽ bất tiện hơn nhiều nên TS phải cân nhắc việc chọn trường thật kỹ trước khi nộp hồ sơ.

Các đợt còn lại, TS có thể nộp cùng lúc 3 giấy báo kết quả thi nên số ảo sẽ rất nhiều, cơ hội trúng tuyển của TS vào ngành nghề yêu thích sẽ thấp. Để tạo thuận lợi cho TS, về phía các trường cũng cần có trách nhiệm phân tích, dự báo kết quả để công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển phù hợp

Theo

  • Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/diem-san-bao-nhieu-la-vua-885786.tpo
  • Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-tuyen-hon-70-trong-dot-xet-dau-tien-587105.html