Academy.vn: Kỹ năng cho người đi làm

‘Điểm mù’ của sinh viên trên hành trình xin việc

Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện hơn 160.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp. Theo anh, nguyên nhân nào là chủ yếu? Việc quá nhiều người có bằng cấp, thậm chí bằng cấp cao mà vẫn “thất nghiệp” hoặc đi làm tạm thời (như thu ngân, bán hàng siêu thị, phục vụ bàn…) là vấn đề nan giải của xã hội. Nguyên nhân đến từ rất nhiều phía: gia đình, xã hội, nhà trường và chính bản thân họ. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là trong quá trình tìm kiếm việc làm, sinh viên gặp quá nhiều “điểm mù” do không được định hướng từ sớm!

Anh có thể nói rõ hơn về những “điểm mù” trong hành trình phỏng vấn xin việc này?

Với các bạn sinh viên chuẩn bị ra trường tìm kiếm việc làm thì có 2 “điểm mù” nguy hiểm nhất. Một là thiếu các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để có thể làm việc tốt tại doanh nghiệp. Các bạn sinh viên thường nghĩ rằng chỉ cần học tốt ở trong trường, có điểm cao là được, ra trường cũng không đến nỗi khó tìm việc lắm hoặc cứ nắm chắc kiến thức nhà trường đã dạy, còn kỹ năng thì sau này vào doanh nghiệp sẽ được đào tạo lại.

Những hạn chế & cách khắc phục điểm yếu khi xin việc

Nhưng thực tế, kiến thức trong nhà trường chỉ sử dụng được một phần trong quá trình làm việc, phần còn lại, các bạn sinh viên phải tự trau dồi, rèn luyện qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động câu lạc bộ, qua các kỳ thực tập thực tế tại doanh nghiệp, qua việc đi làm cộng tác viên, làm part- time, hoặc đi học thêm những khóa đào tạo nghiệp vụ bên ngoài... Tiếc là rất nhiều bạn chưa nhận thức được mình thiếu nên vẫn rất chủ quan, học mang tính hình thức chỉ cốt lấy điểm cao!

Hai là khi đi tìm việc, các bạn phải gửi CV xin việc (Hồ sơ năng lực) và đơn ứng tuyển tới Nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng thì chỉ phản hồi những CV được duyệt vào vòng phỏng vấn chứ không phản hồi những CV bị loại. Điều này khiến sinh viên chưa có kinh nghiệm ứng tuyển sẽ không biết được nguyên nhân tại sao CV của mình bị loại, nên sửa thế nào để lần sau tốt hơn. Như vậy, họ tiếp tục đem bản CV bị loại đó ứng tuyển hết công ty này đến công ty khác và kết quả vẫn tương tự.

Theo anh, sinh viên cần làm gì để xóa đi các điểm mù trên?

Thứ nhất, các bạn nên nhận thức được những "điểm mù" đó càng sớm càng tốt. Muốn nhận thức được, hãy chịu khó tham gia những buổi hội thảo chia sẻ của những nhà tuyển dụng để biết được doanh nghiệp thực sự muốn gì. Tôi đã từng tổ chức rất nhiều hội thảo tương tự về chủ đề này để giúp các bạn sinh viên. Tôi nghĩ, tìm được những buổi chia sẻ như vậy không phải việc khó trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển. Tất cả đều phụ thuộc vào sự chủ động của các bạn. Xem thêm: Kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc:


Thứ hai, sau khi nhận thức được rồi, hãy hành động! Các bạn hãy chủ động ra ngoài thực tế nhiều hơn bằng việc đi thực tập tại doanh nghiệp, tham gia những buổi hội thảo, offline chia sẻ của doanh nghiệp, các khóa đào tạo về kĩ năng, đi làm cộng tác viên hoặc tự kinh doanh nhỏ để trải nghiệm nhiều hơn về thực tế cuộc sống và bắt đầu làm quen dần với thị trường lao động. Ngoài ra, tham gia các hoạt động tình nguyện, cộng đồng cũng giúp bạn hoàn thiện một số kỹ năng mềm. Ra trường, bản CV của bạn đầy đặn với nhiều kinh nghiệm. Đó là điểm cộng rất lớn cho sinh viên mới tốt nghiệp đi tìm kiếm việc làm! Tham khảo thêm về các chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình tại đây

Anh nghĩ sao về hiện tượng sinh viên ra trường làm trái ngành nghề?

Tôi nghĩ hiện tượng sinh viên làm trái ngành nghề ở Việt Nam là một hiện tượng phổ biến vì gần như các em không được định hướng nghề nghiệp một cách khoa học, thiết thực, tức là xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng và khả năng của bản thân. Nhiều bạn chọn trường đại học này chứ không phải trường đại học kia chỉ bởi bố mẹ muốn thế, hoặc thấy đó là ngành thời thượng, hứa hẹn nhiều tiền bạc, thậm chí là a dua theo bạn bè khi chọn trường.

Tôi thấy những sinh viên chuyển ngành sau khi tốt nghiệp đều chủ động học hỏi. Họ biết mình phải bắt đầu từ con số 0, không bằng cấp, không kiến thức nền tảng nên chủ động trau dồi kiến thức. Thường thì những người chuyển ngành, theo quan sát của tôi, không nhiều người bắt đầu bằng cách học lại một bằng đại học khác mà họ lựa chọn học các khóa đào tạo bên ngoài để rút ngắn thời gian. Và điều thú vị là ở nhiều người tốc độ tăng trưởng về mặt kiến thức cũng như kỹ năng làm việc rất nhanh. Thậm chí những người chuyển ngành có thể đuổi kịp kiến thức của một bạn học đúng chuyên ngành 4 năm chỉ trong vòng 6 tháng!

Lời khuyên của anh cho những sinh viên chưa tìm được việc?

Không còn con đường nào khác, những bạn đó phải ngồi nghiêm túc phân tích những nguyên nhân mình chưa tìm được việc làm phù hợp xem mình thiếu những gì để chủ động học tập bổ sung. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một sự nghiệp!

Cảm ơn anh vì cuộc trao đổi này!

Thạc sĩ Nguyễn Đức Hải là người sáng lập và điều hành Công ty cổ phần tư vấn đào tạo Sunsea từ năm 2011. Anh từng là chuyên viên đào tạo kỹ năng của Tập đoàn Hoa Sao, giảng viên Kỹ năng mềm của Hệ thống đào tạo CNTT Bách khoa – Aptech và chuyên viên đào tạo của Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT. Hiện Nguyễn Đức Hải là Giám đốc đào tạo của Học viện khởi nghiệp và kinh doanh thực tiễn VietFounder.

Theo tác giả Thúy An, báo Tiền Phong, link gốc: http://www.tamguong.vn/viec-lam/684304/%E2%80%98diem-mu-cua-sinh-vien-tren-hanh-trinh-xin-viec-tpov.html