Những lời khuyên hay hướng dẫn từ các chuyên gia cũng chỉ mang tính tham khảo tương đối và nên được chắt lọc cho phù hợp với hoàn cảnh cá nhân. Điều quan trọng và cần thiết hơn chính là nhận diện những khuyết điểm thường trực khiến chúng ta vuột mất cơ hội thành công. Dưới đây là 9 sai lầm ngớ ngẩn mà nhiều ứng viên thường phạm phải và cách để tránh chúng. Cùng tìm hiểu nhé!

Ít giao tiếp và thiếu kết nối xã hội

Hẳn trước đây bạn từng nghe về thông tin rằng, 80% nhu cầu tuyển dụng thường không được đăng tải công khai trên các kênh. Rõ ràng là nhà tuyển dụng vẫn tìm kiếm nhân tài thông qua các kênh không chính thống như các mối quan hệ, mạng lưới xã hội… Vì vậy hãy đừng chỉ săn việc qua bàn phím và màn hình máy tính. Hãy bước ra ngoài, tham gia vào các buổi kết nối, những sự kiện networking, các câu lạc bộ của lĩnh vực ngành nghề mình đang theo đuổi. Đừng ngần ngại thể hiện thương hiệu cá nhân của mình. Hơn thế nữa, hãy luôn sẵn sàng và cởi mở để tham gia những cuộc trò chuyện tại bất cứ nơi đâu bạn đến. Một khi bạn mở rộng cửa chào đón những mối quan hệ xã hội mới, cơ hội sẽ theo đó đến với bạn.

Điểm mặt những sai lầm trên hành trình xin việc - Ảnh 1

Thiếu chăm chút và cẩn thận khi trình bày hồ sơ tìm việc

Bất kể bạn có kỹ năng và kinh nghiệm dày dạn đến đâu, nếu không thể hiện được qua hồ sơ ứng tuyển thì khả năng thất bại là rất cao. Thực tế cho thấy nhiều ứng viên không quá xuất sắc nhưng nhờ biết trình bày hồ sơ một cách thông minh, họ vẫn vượt qua được những ứng viên “nặng ký” khác. Điểm mạnh của bạn là gì? Điều gì khiến bạn nổi bật và tự hào? Hãy xác định rõ và đưa những thông tin đó lên đầu hồ sơ để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trong vòng 10 giây đầu khi họ lướt qua CV của bạn.

Các lỗi chính tả và câu cú trình bày lủng củng, rối rắm trong các tài liệu xin việc là điều không thể chấp nhận, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và cẩn trọng của ứng viên. Hãy đảm bảo bạn không phạm phải những lỗi sơ đẳng này nhé.

Điểm mặt những sai lầm trên hành trình xin việc - Ảnh 2

Dùng chung một hồ sơ cho tất cả các vị trí tuyển dụng khác nhau

Cả CV lẫn thư xin việc đều nên được tùy chỉnh cho mỗi một vị trí mà bạn đang “ngắm nghía”. Hãy đọc kỹ bản mô tả công việc và yêu cầu của nhà tuyển dụng, sau đó khéo léo đưa lên đầu những kinh nghiệm, dự án, thành tích nổi bật có liên quan đến công việc này. Đây là một cách để “khoe” rằng mình có kỹ năng mà công việc cần, qua đó thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn là ứng viên phù hợp. Một điều quan trọng rằng bạn càng rõ ràng với các số liệu cụ thể trong các thành tích của mình, nhà tuyển dụng sẽ càng dễ bị thuyết phục.

Một điểm cộng nữa, nếu bạn có thể làm rõ cho công ty thấy được vì sao bạn xem họ là nơi đặc biệt mà bạn muốn “đầu quân”. Săn tìm việc trong trường hợp này cũng giống như quá trình hẹn hò – mọi người đều muốn có cảm giác là họ rất đặc biệt.

Thiếu chuẩn bị cho buổi phỏng vấn

Phỏng vấn việc làm là ấn tượng cá nhân đầu tiên mà bạn tạo ra cho nhà tuyển dụng tiềm năng của mình, vì thế khoảnh khắc ban đầu vô cùng quan trọng, rất đáng để các ứng viên đặt nhiều tâm tư và sự chuẩn bị. Dành nhiều thời gian cho buổi phỏng vấn để tránh tình trạng đến muộn giờ – bạn sẽ không bao giờ biết trước được mình có gặp phải sự cố ngoài ý muốn nào trên đường đi đến điểm hẹn. Tìm hiểu hoặc hỏi thông tin từ phía nhân sự về địa điểm chính xác của công ty cũng như chỗ giữ xe sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian. Khi đến nơi hãy dành chút thời gian vào restroom để chỉnh lại trang phục và đầu tóc cho chỉn chu trước khi “trình diện”. Một bí quyết luôn đúng cho tất cả mọi trường hợp là “cư xử tự tin, tự nhiên, và luôn là chính bạn”!

Không chuẩn bị để trao đổi về lương

Một trong những điều đầu tiên bạn cần làm khi bắt đầu công cuộc tìm việc là đặt ra mức lương mình mong muốn. Tìm hiểu xem lĩnh vực chuyên môn của bạn và những vị trí tương tự đang có khoảng lương ra sao. Bạn nên nắm rõ thông tin này trong tay khi bắt đầu tìm việc, và cần phải chuẩn bị tâm lý và kỹ năng đặc biệt hơn nữa để đề cập đến lương trong quá trình phỏng vấn. Sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng thì mức lương bạn đạt được càng cao. Bạn sẽ bị “mất mát” khá nhiều nếu không biết cách thương lượng.

Thiếu thông tin về công ty hoặc vị trí mình ứng tuyển

Nếu bạn không tìm hiểu cặn kẽ và cẩn thận về công ty cùng những mục tiêu và giá trị họ theo đuổi, điều này sẽ gửi đến chuyên viên phỏng vấn thông điệp rằng bạn là người lười biếng, thờ ơ hoặc không thực sự quan tâm đến công việc. Các nhà tuyển dụng muốn thuê ứng viên nào có sự chủ động và sáng kiến. Vì thế hãy làm một cuộc “nghiên cứu” thông tin tổng quan về doanh nghiệp, rồi thủ sẵn trong tay vài số liệu đáng giá, các thông tin đào sâu hơn những thứ sẽ ngay lập tức hiện ra trong 10 kết quả tìm kiếm đầu tiên cho bất kỳ ai “Google” về công ty. Săn tìm những chi tiết đặc biệt hoặc thông tin liên quan trực tiếp đến vị trí bạn nộp đơn ứng tuyển. Nghĩ ra vài ý tưởng cải tiến cho nó để đề xuất với người phỏng vấn nhằm tạo sự thích thú hoặc bất ngờ, tuy nhiên hãy nhớ hỏi xem họ có muốn nghe không trước khi trình bày nhé!

Nói dối

Đừng để bị rơi vào một lỗi “chết người” là gian dối khi viết bản lý lịch hoặc trả lời phỏng vấn. Mọi chi tiết bạn đưa ra trong quá trình tìm kiếm việc làm đều có thể, và nhiều khả năng sẽ, được kiểm chứng lại thông qua internet hoặc các mối liên hệ khác. Bạn sẽ làm tổn hại và gây nên nhiều rủi ro cho danh tiếng, sự chuyên nghiệp và cảm xúc của mình bằng cách nói dối, một kết quả thực sự không đáng chút nào!

Điểm mặt những sai lầm trên hành trình xin việc - Ảnh 3

Nói xấu công ty trước đây

Cho dù bạn đã có những trải nghiệm tồi tệ với công ty trước, hãy đừng để những cảm xúc và lời nhận xét tiêu cực “bùng phát” trong buổi phỏng vấn. Thay vào đó, tại sao không trả lời câu hỏi “vì sao bạn nghỉ việc ở công ty trước” bằng thái độ tôn trọng và từ ngữ tích cực. Ví dụ, thay vì nhận xét “công việc ở công ty cũ quá nhàm chán, đồng nghiệp thì không thân thiện”, hãy trình bày rằng “công việc tại công ty trước đây chưa giúp phát huy được hết khả năng của tôi, ngoài ra tôi cũng muốn được làm việc với một team chuyên nghiệp và năng động hơn”.

Bỏ quên mất việc theo dõi thông tin

Việc theo dõi thông tin rất quan trọng, mặc dù chúng ta thường phải tự ý thức được sự khác biệt rất nhỏ giữa chủ động quan tâm với hành động làm phiền. Nếu bạn đã tiếp cận với một người trong mạng lưới của mình khi họ cho biết rằng nơi nào đấy đang tuyển dụng, thì hãy tiếp tục giữ liên lạc trong vòng một tuần để người đó hiểu là bạn đánh giá cao thông tin của họ cũng như nhắc nhở họ về sự chờ đợi của bạn. Còn nếu bạn đã gửi hồ sơ ứng tuyển thì có thể liên hệ nhà tuyển dụng để kiểm tra tình trạng nộp đơn của mình. Quan trọng nhất, hãy gửi email cảm ơn sau các buổi phỏng vấn. Có vẻ như đây là cách làm đã lỗi thời, tuy nhiên việc này quan trọng hơn những gì mọi người thường nhìn nhận về giá trị của nó. Theo kết quả của một khảo sát, 86% nhà tuyển dụng cho biết, ứng viên không gửi thư cảm ơn chứng tỏ họ thiếu sự kết nối, và 56% nghĩ rằng điều này cho thấy ứng viên không thực sự nghiêm túc khi dự tuyển.

Trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh như hiện tại, dành sự quan tâm thích đáng cho những điều vừa kể trên là rất cần thiết. Bất kỳ nhân tố nào bên trên cũng có thể đưa đến kết quả là bạn được tuyển chọn hay bị đánh rớt. Vì thế, nên dành thời gian chuẩn bị hành trang tốt nhất cho công cuộc tìm việc bằng cách tránh xa các lỗi phổ biến mà CareerBuilder vừa chia sẻ nhé!

Và như mọi khi, luôn kiên trì và tin tưởng! Nếu “cánh cửa” nào không mở ra cho bạn thì chỉ là do nó không phải “cánh cửa” của bạn. Chỉ việc gói ghém hành trang, tiếp tục đến với những nơi thích hợp hơn, bạn nhé!

Theo careerbuilder