Việc TP.HCM xuất hiện 4 ca bệnh Covid-19 vào cuối tháng 11 khiến nhiều trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp không thôi lo lắng về nguy cơ đối mặt làn sóng dịch bệnh quay lại.
Sự thật là nhiều trường đang bị thiếu kinh phí để duy trì hoạt động, nhiều sinh viên bỏ học.
Không ít trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phải gồng mình cho hàng loạt các chi phí khi sinh viên buộc phải nghỉ học trong 2 đợt dịch trước. Vì vậy, việc “bóng ma” Covid-19 vẫn lởn vởn và các trường phải đối diện nguy cơ cho sinh viên nghỉ học phòng dịch như tuần đầu tháng 12 vừa qua. Trong khi, trường vẫn phải chi trả lương cho đội ngũ, thuê cơ sở vật chất, khiến nhiều trường lo lắng đổ nợ.
Thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì dịch
TS Hoàng Văn Phúc - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn - cho biết nghỉ Tết Nguyên đán xong, dịch bệnh bùng phát. Các trường trên địa bàn thành phố phải đóng cửa. Sinh viên không thể đến trường, không có nguồn thu trong khi chi phí lương cho cán bộ, giảng viên, nhân viên và tiền thuê cơ sở vật chất, trường vẫn phải trả đều đặn.
“Sau 3 tháng, trường mở cửa trở lại nhưng chưa hoạt động được bao lâu thì lại bùng phát dịch bệnh đợt 2 khiến trường phải đóng cửa thêm 2 tháng. Sau dịch, vì khó khăn kinh tế nên nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng. Tính trong 5 tháng đóng cửa, trường thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng”, TS Phúc cho biết.
Ở tình cảnh tương tự, theo TS Lê Lâm - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - sau 2 đợt dịch có 400 sinh viên bỏ học vì nhiều lý do khiến trường thất thu 2,4 tỉ đồng.
Kèm theo đó, để khuyến khích, hỗ trợ sinh viên, trường thực hiện giảm 10% học phí, vì thế nguồn thu cũng giảm trên 2 tỷ đồng. Các chi phí về lương, mặt bằng cùng việc mất các khoản khác trong 5 tháng đóng cửa, trường thiệt hại khoảng 17 tỷ đồng.
Tại trường Cao đẳng Viễn Đông, thiệt hại được ước lượng cả chục tỷ đồng. Thạc sĩ Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay trong 5 tháng chống dịch, trường phải tăng chi phí lên tới 30%, trong khi nguồn thu giảm do có nhiều sinh viên bỏ học.
Khử khuẩn phòng dịch Covid-19 ở một cơ sở đào tạo trong đợt bùng phát chùm ca bệnh mới ở TP.HCM
Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
Nguy cơ đổ nợ
Chuỗi ca bệnh dương tính Covid-19 tại TP.HCM vừa qua cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, cũng như sự xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam, nhiều trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại TP.HCM vẫn lo lắng về viễn cảnh có thể phải đóng cửa trường lần thứ ba.
Thạc sĩ Trần Thanh Hải nhìn nhận khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường đại học khá chủ động và luôn ở trạng thái sẵn sàng chuyển sang phương án học tập online ngay khi cần thiết. Tuy nhiên, với khối giáo dục nghề nghiệp, việc dạy online còn những hạn chế do việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ sinh viên của các trường, cũng như những ràng buộc về thời lượng học thực hành.
“Ở hệ giáo dục nghề nghiệp, các trường phải bảo đảm tối thiểu 60% thời lượng học thực hành, 40% học lý thuyết. Với tỷ lệ như vậy, nếu bùng phát dịch bệnh đợt thứ ba sẽ đảo lộn kế hoạch dạy học. Sinh viên không đi thực hành, thực tập được thì hoạt động đào tạo, giảng dạy coi như ngưng trệ. Bởi thực tế, việc dạy học online chỉ có thể thực hiện ở một số môn học”, thạc sĩ Hải nói.
Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Trần Thành Đức - Hiệu trưởng trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt - thông tin sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật của khối giáo dục nghề nghiệp phần lớn là chưa có nên nếu dạy online cũng chỉ là tình huống đối phó, chứ chưa bài bản và khung giáo trình cụ thể.
Do vậy, hiệu quả khó có thể bảo đảm như dạy học tập trung. Khi trường nghề không dạy online (bởi lý do phần lớn khung chương trình đào tạo là thực hành, hoặc học kỳ doanh nghiệp), coi như trường dừng hoàn toàn hoạt động dạy học.
“Trường đã phải đóng cửa, tạm ngưng hai đợt dịch một thời gian. Do đó, nếu đợt cuối năm chúng ta không kiểm soát tốt tình hình dẫn đến việc phải giãn cách xã hội ở phạm vi hẹp, các trường nghề chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn lực tài chính duy nhất từ học phí bị gián đoạn, trong khi hàng tháng vẫn phải chi trả đều đặn các khoản, thậm chí tăng hơn so với điều kiện bình thường thì các trường, đặc biệt là khối trường ngoài công lập sẽ rơi vào tình thế vô cùng gay go” - thạc sĩ Đức nói.
Hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP.HCM cùng quan điểm về nguy cơ đổ nợ đang chờ các trường nếu như dịch bệnh bùng phát khiến trường phải đóng cửa. Bởi thực tế, nội lực của các trường sau một năm đối phó vì dịch Covid-19 gần như cạn kiệt.
Nếu các trường phải tiếp tục đối mặt với tình huống bất khả kháng, sinh viên phải nghỉ học dẫn đến mất cân đối thu chi, nguy cơ đổ nợ là chắc chắn. Cái khổ của các trường là dù sinh viên nghỉ học vẫn phải tìm nguồn chi trả lương cho giảng viên, nếu không họ sẽ nghỉ việc. Nhưng nếu nhà trường phải cho giảng viên nghỉ, khi hết dịch lấy đâu ra đội ngũ để giảng dạy.
> Trường nghề 'báo động đỏ' vì dịch COVID-19
> Nhìn lại những biến động của giáo dục trong năm 2020
Theo Zing News