Nhiều trường trung cấp, cao đẳng vốn đã gặp khó khăn trong tuyển sinh, phải gồng mình tồn tại, nay dịch COVID-19 lại giáng thêm cho họ một đòn nặng nề.
Sinh viên Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn đi học lại sau nghỉ dịch COVID-19
Nhiều trường nhiều tháng trời đóng cửa khiến nguồn thu sụt giảm mạnh, thậm chí không có, trong khi các khoản lương nhân viên, chi phí mặt bằng vẫn phải trả đều đặn. Không ít trường rơi vào tình cảnh báo động đỏ.
Nghỉ dịch rồi... nghỉ luôn
Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn là một trong những trường chịu hậu quả rất nặng nề. Được nâng cấp lên cao đẳng từ trường trung cấp, hàng loạt chi phí đầu tư cơ bản, trang thiết bị dạy học cần phải được thực hiện. Dịch đến, sinh viên học sinh toàn trường nghỉ học tổng cộng 5 tháng trong hai đợt dịch khiến nguồn thu sụt giảm mạnh.
Ông Hoàng Văn Phúc - hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn - cho biết sinh viên không thể đến trường nên trường không có nguồn thu trong khi chi phí lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và tiền thuê cơ sở vật chất vẫn phải trả đều đặn. "Điều này thực sự khiến tài chính trường rất khó khăn.
Hơn nữa, dù trường đã có chính sách miễn giảm học phí nhưng có khoảng 20% học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng. Điều này khiến doanh thu sau dịch của trường cũng không thể khôi phục như trước dịch" - ông Phúc nói.
Tình trạng sinh viên nghỉ dịch xong nghỉ học luôn diễn ra ở khá nhiều trường. Ông Vũ Văn Đông - trưởng phòng đào tạo Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM - cho biết sau hai đợt nghỉ dịch có khoảng 10% sinh viên của trường bỏ học.
Trong khi đó, khoảng 20% sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cũng không đến trường sau thời gian nghỉ dịch.
"Không chỉ không có nguồn thu trong mấy tháng nghỉ dịch trong khi vẫn phải trả các chi phí cơ bản cho giáo viên hằng tháng, ngay cả khi sinh viên đi học lại, trường phải giảm học phí để chia sẻ khó khăn với sinh viên cũng như hạn chế tình trạng sinh viên bỏ học.
Nguồn thu trước mắt giảm và trong dài hạn, tài chính của trường vẫn bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch này" - ông Lê Lâm, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt, cho biết.
Không phải thuê mướn địa điểm đào tạo nhưng Trường Cao đẳng Viễn Đông cũng thấm đòn vì dịch. Từ tháng 3 đến tháng 5-2020, hầu như toàn bộ cán bộ, giảng viên và nhân viên bị giảm lương từ 10 đến 30%.
Còn ông Đặng Văn Sáng - hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP.HCM - cho biết giáo viên trường ông chỉ còn nhận lương, không có phụ cấp vượt giờ đứng lớp.
Đề nghị miễn giảm thuế, khoanh nợ
Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến các hoạt động của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Phần lớn cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, tư thục và tự chủ không cân đối được thu, chi; các khoản vay ngân hàng đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp không được trả đúng hạn và nguy cơ phá sản cao.
Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho các trường, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề nghị Chính phủ có chính sách miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.
Bản thân các trường cho biết phải cố gắng gồng gánh nhưng cũng cần sự hỗ trợ về mặt chính sách.
Ông Lê Lâm - hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - cho biết sau đợt dịch đầu tiên, trường có làm hồ sơ xin cơ cấu, khoanh nợ và được ngân hàng giảm 0,5% lãi suất, cho trả lãi và nợ gốc vào cuối kỳ. "Hết năm nay, nếu chính sách hỗ trợ dịch không còn, trường không còn được khoanh nợ, thực sự sẽ rất khó khăn" - ông Lâm nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Phúc kiến nghị cho các trường ngoài công lập được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi giáo dục để duy trì và phát triển trường trong thời gian sau dịch.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể tính toán miễn giảm thuế và mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. "Với khoảng 100 cán bộ, giảng viên và nhân viên, mỗi tháng chi phí đóng các loại bảo hiểm này đã 50 triệu đồng" - ông Phúc cho biết.
Cần hỗ trợ để chuyển đổi số Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông Trần Thanh Hải - hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông - cho rằng đợt dịch vừa rồi cũng là cơ hội để các trường Cao đẳng chuyển đổi số, thay đổi hình thức và phương pháp đào tạo trực tuyến. "Tình hình dịch bệnh có vẻ được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch tái bùng phát, trường buộc phải đóng cửa và chuyển sang dạy trực tuyến, các đơn vị viễn thông cần có chính sách hỗ trợ phí di động, Internet cho các trường cũng như người học. Kinh nghiệm dạy trực tuyến đợt vừa rồi cho thấy không ít sinh viên ở quê không kham nổi phí 3G để học tập thường xuyên" - ông Hải nói. |
> Doanh nghiệp tham gia chấm đồ án tốt nghiệp cho sinh viên
> Học sinh tốt nghiệp THCS lấy bằng CĐ không cần học liên thông
Theo Tuổi Trẻ