Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất của TPHCM về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT riêng của Sở GD&ĐT là đề xuất phù hợp, khả quan. Bộ GD&ĐT nên tính toán, cân nhắc.
> TP.HCM: Xem xét miễn học phí THCS vào năm học sau
> Tuyển thừa hơn 550 giáo viên, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật
Không vướng Luật giáo dục
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, TP.HCM đề xuất việc được giao quyền xét tuyển tốt nghiệp đã có cách đây hơn 2 năm trước. Khi họ đề xuất, chắc chắn họ phải có kế hoạch, tính toán cũng như nhận thấy khả năng có thể đảm đương.
Ngoài ra, Luật giáo dục hiện nay chỉ yêu cầu việc tổ chức thi tốt nghiệp chứ không yêu cầu Bộ GD&ĐT phải đứng ra tổ chức. Điều quan trọng là khi địa phương tổ chức thi tốt nghiệp phải kiểm tra được chuẩn kiến thức, kỹ năng của giáo dục trung học mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Ở đây là chuẩn tối thiểu để những học sinh đạt được qua kỳ thi cuối khoá sẽ được công nhận tốt nghiệp.
Có một chuẩn mực như vậy người tốt nghiệp THPT sẽ được các địa phương khác và các trường đại học thừa nhận trong việc tuyển dụng lao động hay tuyển sinh. Điều này còn có ý nghĩa người tốt nghiệp có thể được các cơ sở nước ngoài công nhận để có thể học tập hoặc lao động ở nước ngoài do người ta tin vào chuẩn mang tính quốc gia.
Cũng theo ông Vinh, nghiên cứu trên thế giới và từ thực tế giáo dục của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý cho thấy thi tốt nghiệp THPT sẽ có ảnh hưởng ngược lại thành tích giáo dục ở các cấp học trước đó, nhưng đồng thời sẽ có tác động đến việc bỏ học sớm hoặc sẽ đi vào học nghề sớm hơn, nếu kỳ thi được thực hiện nghiêm túc.
"Cá nhân tôi ủng hộ việc thi tốt nghiệp và nên giao cho địa phương thực hiện với đề thi được chuẩn hoá. Vì vậy Bộ GD&ĐT nên có cơ chế sớm giao cho địa phương, không nên ôm việc do còn quá nhiều việc mang tính chiến lược phải xử lý để đưa nền giáo dục Việt Nam hội nhập có chất lượng, hiệu quả", ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, năm 2003, Bộ GD&ĐT đã có chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh THPT. Nếu Bộ đồng ý giao quyền thi tốt nghiệp cho địa phương, thì địa phương có phương án tính toán dựa trên chuẩn đầu ra để ra đề thi phù hợp. Cũng theo ông Vinh, hiện nay việc các địa phương tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia đã bộc lộ những điểm yếu. Cụ thể là vấn đề bê bối về điểm thi như các địa phương Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình,...thời gian qua.
TP.HCM đề xuất phương án riêng thì ngoài năng lực, kế hoạch họ cũng có lý do. Ví dụ như khi họ được giao quyền, họ thích tổ chức thi ngày nào thì thi; Không tham gia kỳ thi THPT quốc gia, Bộ không phải căng thẳng về những rủi ro lộ đề cấp quốc gia và nhiều rủi ro về an toàn, bảo mật, gian lận khác.
Chạy theo thành tích, thi làm gì cho tốn kém
Theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, về cơ sở pháp lý thì hiện nay theo Luật giáo dục chúng ta bắt buộc phải thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nam cho rằng, ông đã đề xuất hướng giải quyết là tới đây sẽ: “Bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Đây là ý kiến tôi đã nói từ 5 năm trước và vẫn kiên định đến ngày hôm nay. Muốn bỏ kỳ thi tốt nghiệp, trước hết phải sửa Luật giáo dục. Mà Luật giáo dục có thể sửa ngay cuối năm nay, nếu có được sự đồng thuận thì đây là thời điểm để nói”, ông nói.
Ông Nam lập luận, nếu tốt nghiệp không phản ánh đúng thực chất, vẫn chạy theo thành tích gần 100% tốt nghiệp thì thi làm gì cho tốn kém. Bộ nên giao quyền cấp chứng nhận tốt nghiệp cho các trường THPT.
Làm như vậy không có gì khác biệt cả bởi hiện nay các nước như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada… đều đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp từ lâu rồi. Học sinh học xong 12 năm nhà trường đánh giá và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đó. Vì vậy, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất xin giao quyền xét tốt nghiệp về cho địa phương của TP.HCM. "Tôi cho rằng, đây là một đề xuất hợp lý, không vấn đề gì trong bối cảnh hiện nay", ông Nam nói.
Nếu được Bộ cho phép, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tự chủ thi, xét tốt nghiệp, không tham gia kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới. Bởi vì tính chất kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới cũng hướng tới tính chất là kỳ thi tốt nghiệp. Trường đại học, cao đẳng nào dùng kết quả đó để xét tuyển là việc của các trường còn Luật giáo dục đại học đã xác định rõ, việc xét tuyển thuộc về quyền của các trường.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nam lâu nay các trường đại học chưa thực sự tự chủ tuyển sinh được là vì họ thiếu công cụ chính là trung tâm khảo thí độc lập. Đơn vị này là công cụ hỗ trợ các trường tuyển sinh vì không phải trường nào cũng có khả năng tổ chức thi, ra đề thi. Nếu có các trung tâm này, các trường đại học chỉ cần sử dụng chứng chỉ của một trong các trung tâm tin cậy và thêm nhiều tiêu chí khác tùy đặc thù của từng ngành, từng trường.
Theo ông Nam, TP.HCM đề xuất phương án được giao quyền xét tốt nghiệp ở thời điểm này là phù hợp với xu thế, Bộ nên ủng hộ. Lâu nay việc cấp bằng tốt nghiệp cũng thuộc về các Sở GD&ĐT chứ không phải Bộ. Hay như Thượng Hải cũng tự tổ chức thi, cấp bằng tốt nghiệp chứ không phải toàn bộ Trung Quốc thi. Nếu được giao quyền, việc tổ chức thi thế nào thuộc thẩm quyền của địa phương.
Theo 24 Giờ - Kênh Tuyển Sinh
> ĐH Bách khoa Hà Nội dành học bổng cho nữ sinh tiếp tục ước mơ vào đại học