Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP HCM đang bàn việc không thu học phí đối với cấp THCS, dự kiến sẽ triển khai từ năm sau.
> Sẽ sớm trả lại điểm thi thật cho thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình
> Năm nay, Sở GD&ĐT quy định học sinh tiểu học tại TP.HCM chỉ được sử dụng tối đa 4 quyển vở
Chiều 13/08, Bí thư Thành Ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM, trước thềm năm học mới.
Theo ông Nhân, trong bối cảnh giáo dục có những mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng, tính dân tộc và tính quốc tế hóa, mâu thuẫn đầu vào và đầu ra không giống nhau, đội ngũ giáo viên được đào tạo qua nhiều thế hệ, ngành GD&ĐT thành phố đã vươn lên thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 29 về đổi mới, căn bản toàn diện GD&ĐT.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt nhiều câu hỏi cho ngành GD&ĐT, nhất là hiện nay việc đánh giá, xếp hạng giáo viên đã ghi nhận đúng công sức và đã thực sự khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên hay chưa? Nếu chưa thì cần thêm những giải pháp gì, ngành GD&ĐT cần sớm nghiên cứu.
Theo ông Nhân, giáo viên suốt ngày lo xếp hạng, không xếp hạng không được nhưng nếu chỉ theo tiêu chí thi đua A, B, C thì chẳng khác gì đánh giá công chức.
"Đánh giá giáo viên phải đánh giá đúng mức đóng góp của họ cho giáo dục" - Ông Nhân nói.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố đang bàn hướng không thu học phí đối với cấp THCS, dự kiến sẽ triển khai từ năm sau. Việc này đã được giao cho Sở Tài chính lên phương án để trình HĐND TP xem xét, thông qua vào cuối năm nay.
"Quan điểm của thành phố là mọi người đều có quyền được học, mọi người phải có trách nhiệm cho con em đi học" - ông khẳng định.
Ông Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT ngày 13/08
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhìn nhận tại phiên họp trù bị của hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai năm học mới 2018-2019, nhiều đại biểu băn khoăn hiện nay công tác tuyển dụng giáo viên ở các quận, huyện thực hiện còn chậm và chưa đồng bộ.
Một số quận, huyện đến tháng 10/2018 mới có quyết định tuyển dụng viên chức trong khi ngày 20/08, học sinh toàn thành phố đã tựu trường. Công tác bàn giao đất cho một số đơn vị đầu tư xây dựng trường còn chậm, chưa bảo đảm đúng tiến độ, gây ảnh hưởng quyền lợi học sinh.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lưu ý TP.HCM có 1,6 triệu học sinh, bằng 10 tỉnh khác, có nhiều đối tượng đặc thù, nhiều loại hình trường, vì thế cần phải có phòng chuyên môn để quản lý. Do đó, Sở GD&ĐT cần tham mưu để thành phố làm tờ trình trình lên Thủ tướng.
Về kế hoạch xây thêm trường tại các quận nội thành nhưng không còn quỹ đất, ông Nguyễn Thiện Nhân giao lãnh đạo Sở Xây dựng và Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, triển khai đề xuất của ngành giáo dục là nâng cao tầng của các ngôi trường, phù hợp thực tế tại khu dân cư đông đúc. Đồng thời yêu cầu ngành giáo dục chuẩn bị kế hoạch, làm việc cụ thể với Bộ GD&ĐT về ý tưởng tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT riêng.
Năm 2017, TP.HCM thu được 351 tỉ đồng học phí bậc THCS. Miễn học phí THCS là một trong những đề xuất của Bộ GD&ĐT nằm trong đề án Luật Giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính không chấp thuận bởi cho rằng thời điểm này chưa phù hợp, làm tăng chi ngân sách nhà nước.
Theo Người lao động - Kênh tuyển sinh
> Có nên hay không khi bỏ xét tuyển thi tốt nghiệp THPT?
> Lo lắng những thí sinh gian lận thế chỗ thí sinh giỏi tại trường đại học