Việc nổi hàng loạt vụ việc gian lận tại Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình,... đang khiến làn sóng dư luận phẫn nộ bởi việc những thí sinh gian lận có thể thế chỗ cho nhưng thí sinh học lực giỏi.
> Kỳ thi Đại học xưa và nay khác nhau như thế nào?
> Gian lận Hà Giang, Sơn La,.. rồi đến tỉnh nào nữa đây?
Danh sách thí sinh các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn là thủ khoa các trường công an, quân đội ngày càng nối dài thêm. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thừa nhận tiêu cực thi cử đã khiến về lý thuyết, có một tỉ lệ nào đó gọi là "mất chỗ". Thí sinh giỏi đã mất đi cơ hội học tập vào tay những thí sinh gian lận thi cử.
2 thủ khoa Hòa Bình bị nghi gian lận
Theo danh sách thí sinh trúng tuyển của Trường Sĩ quan Pháo binh, thủ khoa năm nay của trường là thí sinh Nguyễn Văn Phúc đến từ Hòa Bình với tổng điểm 27,65 đã bao gồm điểm ưu tiên (cụ thể toán 9,4 điểm, vật lý 8,25 và hóa học 9,25). Trong khi đó, thủ khoa Trường Sĩ quan Phòng hóa là Dương Anh Tuấn, cũng thí sinh của Hòa Bình có mức điểm trúng tuyển khối A00 là 26,15.
Trường ĐH Y Hà Nội vừa thông báo trên trang của mình danh sách 1.172 thí sinh trúng tuyển diện xét tuyển hệ ĐH chính quy năm 2018. Trong đó thí sinh đạt điểm cao nhất ngành y khoa là Lê Bá Hoàng, đạt 29,55 điểm, đến từ Phú Thọ. Thí sinh đạt điểm cao thứ hai là em Lê Ngọc Trung, đạt 29 điểm, thí sinh của Hà Nội. Người xếp thứ ba trong danh sách này là thí sinh Võ Hoàng Long, đạt 28,4 điểm đến từ Sơn La, thí sinh này cũng được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực.
Võ Hoàng Long là học sinh lớp 12A11 Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La. Đây là ngôi trường có thầy Hiệu phó Đặng Hữu Thủy vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố ngày 31/07 cùng 4 bị can khác do liên quan đến vụ án sửa điểm thi tại Hội đồng thi THPT quốc gia Sở GD&ĐT Sơn La.
Phát hiện gian lận thí sinh sẽ bị đuổi học ngay
Trả lời báo chí ngày 09/08 về việc nhiều thí sinh các tỉnh xảy ra bất thường trong chấm thi như Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn đỗ vào các trường công an, quân đội, đặc biệt là đỗ thủ khoa, PGS-TS Mai Văn Trinh cho hay cơ quan điều tra đã xác định được các đối tượng liên quan sai phạm điểm thi ở Hòa Bình và Sơn La. "Hiện tại các đối tượng đã có lời khai, cũng như đã có danh sách những người có sai phạm. Cơ quan chức năng đang điều tra, dùng các biện pháp kỹ thuật, kể cả công nghệ cao để sớm có giải pháp" - ông Trinh cho biết.
Cục trưởng này cũng nói thêm Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đều khẳng định bằng nỗ lực cao nhất về công nghệ và con người để làm rõ. Hiện Bộ GD&ĐT, Bộ Công an và các cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình xử lý những gian lận thi cử ở một số địa phương có điểm thi bất thường. Vì vậy, tạm thời Bộ GD&ĐT vẫn công nhận kết quả của các em.
"Tuy nhiên, khi nào điều tra rõ ràng sự việc, nếu bộ phát hiện thí sinh nào có kết quả không đúng thì sẽ dựa trên quy chế để xử lý, thậm chí xử lý ở mức độ cao nhất là đuổi học" - ông Trinh cho biết. Cũng theo ông Trinh, vì vụ việc đang được điều tra nên về nguyên tắc, Bộ GD&ĐT không được phép tiết lộ nhiều thông tin.
Đảm bảo chất lượng học sinh, rà soát gian lận
Trả lời câu hỏi về việc các trường vẫn xét tuyển khi sai phạm chưa được làm rõ có làm mất đi cơ hội của các thí sinh hay không, ông Mai Văn Trinh cho rằng mỗi năm có khoảng gần 460.000 thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH. Số thí sinh tăng điểm nhờ gian lận đương nhiên không nhiều.
Theo ông Trinh, các trường ĐH hoàn toàn tự chủ trong tuyển sinh, việc bảo đảm chất lượng nguồn tuyển sinh cũng do các trường thực hiện. Để bảo đảm chất lượng nguồn tuyển, các trường cũng có giải pháp riêng như sơ tuyển, đánh giá năng lực hoặc hệ số điểm cho môn chính…
Vì vậy, nếu trường nào có đề xuất việc rà soát kết quả thi và nguồn tuyển sinh đầu vào, căn cứ vào điều kiện cụ thể, trong trường hợp cho phép, Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ các trường.
> Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nói gì trong khâu gian lận chấm bài thi?
> Điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Bình Phước có sự biến đổi sau chấm phúc khảo
Theo Người lao động - Kênh Tuyển Sinh