Chưa có một năm nào mà "kỷ lục" về gian lận lại đáng sợ như vậy, ngay cả kỳ thi được Việt Nam coi là quan trọng nhất của cả một đời người, để có thể thay đổi cả một cuộc đời người lại trở lên như vậy. Chúng ta nên đặt câu hỏi như nào về vấn đề này, liệu việc này còn đi về đâu trong tương lai?
> Bắt tạm giam đối tượng mới trong vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang
> Công tác chấm thẩm định ở Hòa Bình cho thấy kết quả chấm thi không có gì bất thường
Quay ngược thời gian, sự việc bắt nguồn từ những râm ran về nghi vấn về những bài thi điểm cao tại Hà Giang – địa phương mà theo thống kê chỉ có mức trung bình điểm thi THPT quốc gia xếp áp chót cả nước.
Rạng sáng ngày 17/07, khi người dân Hà Giang đã chìm trong giấc ngủ, bầu không khí yên ắng lệ thường bị xua đi trước cổng Sở GD&ĐT Hà Giang khi cánh phóng viên các cơ quan báo đài rầm rập kéo đến. Trước sức ép của báo chí sau nhiều ngày liền “ăn chực, ngồi chờ” ở các cơ quan chức trách, 1h sáng ngày 17/07, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã phải tổ chức một cuộc thông tin báo chí bất thường.
Đây là cuộc trả lời báo chí muộn nhất từ trước đến nay liên quan đến một sự kiện giáo dục. Đến nỗi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phải thốt lên hướng về phía các phóng viên trẻ: “Thực sự nhìn các em mà anh thấy thương”.
Sẽ là những trải nghiệm khó quên với nhiều phóng viên với một cuộc phỏng vấn lúc nửa đêm trong bộ dạng lếch thếch quần đùi và dép lê. Trong số đó, có những đồng nghiệp, có cả nữ, vận nguyên những bộ quần áo dài. Nhưng tôi biết, vì chạy vội lên Hà Giang, họ còn không kịp mang thêm quần áo.
Cuộc “họp báo” diễn ra chóng vánh trong khoảng 5 phút và trong đêm muộn nhưng cảm giác mệt mỏi lệ thường như bị mờ đi bởi không khí làm việc rốt ráo ngay sau đó. Điều thêm động lực cho chúng tôi là trong những dòng tin gửi về và trên mặt báo sẽ không xuất hiện những cụm từ “đúng quy trình” như nhiều người từng âu lo rằng sự việc sẽ bị "chìm xuồng". Có phóng viên vừa gõ những dòng tin vừa khóc.
Hàng trăm bài thi được điều chỉnh điểm và điều hi hữu cũng xảy ra khi hàng loạt các thí sinh từ có điểm có thể là thủ khoa của các trường trở về điểm thật là trượt tốt nghiệp.
Đây được cho là sự kiện giáo dục khiến báo chí tốn nhiều giấy mực và các phóng viên hao tâm tổn sức nhất.
Nhưng có lẽ ai cũng hiểu mình đang sống trong những ngày tác nghiệp đáng nhớ và càng cần phải cố gắng nhiều hơn cho một trong những sự kiện sẽ đi vào lịch sử thi cử của nước nhà.
Những ngày đó, tưởng như đi đâu cũng thấy phóng viên. Có người nói vui rằng, những ngày đó ở Hà Giang, cứ đi vài chục mét lại thấy một phóng viên đang kỳ cạch gõ.
Hà Giang chưa nguôi ngoai thì thông tin tiêu cực tại Sơn La ập đến. Chưa bao giờ những khâu của quá trình thi cử vốn tưởng được bảo mật và bảo vệ nghiêm ngặt nhất có thể, thực tế lại mong manh đến vậy. Ở Hà Giang, người ta sửa điểm bài thi bằng chút tinh vi kỹ thuật của khâu chấm thi thì ở Sơn La chẳng cần phải phức tạp đến thế, vì một số phiếu trả lời trắc nghiệm của các thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa.
Đây có lẽ cũng là sự kiện mà nhiều quan chức của ngành GD dính líu đến bê bối nhất trong lịch sử. Ở Hà Giang, Trưởng và Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Sở đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Ở Sơn La, những người liên quan gồm có Phó Giám đốc Sở GD&ĐT và 4 chuyên viên, lãnh đạo phòng khảo thí, trường phổ thông đã bị gọi tên.
Cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra và con số những người liên quan có thể vẫn chưa dừng lại ở đó.
Năm 2018 cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT xác định tăng cường hơn 4.000 cán bộ thanh tra, mỗi điểm là 2 người tại khoảng 2.000 điểm thi trên khắp cả nước. Tuy nhiên, thanh tra đã thực sự phát huy hết vai trò hay chưa thì còn là câu hỏi.
Hai thanh tra tại điểm chấm thi của Hà Giang không rõ vô tình hay cố ý cùng nhau đi về Trường ĐH Tân Trào và bỏ nhiệm vụ không phép trong những ngày mà ai cũng hiểu rằng là “cao điểm của việc chấm thi”.
Cùng với đó là những câu hỏi về tập huấn thanh tra của Bộ GD&ĐT đến đâu để trách nhiệm to lớn với kết quả của hàng nghìn thí sinh bị buông bỏ dễ dàng đến thế.
Có lẽ cũng chưa năm nào mà đến đợt đăng ký xét tuyển, thí sinh phải sử dụng điểm số “tạm” để chạy theo phần mềm.
Và rồi chuyện "dở khóc, dở cười" cũng sẽ diễn ra, khi thí sinh dù đã nhập học nhưng nếu điều tra phát hiện gian lận điểm thi, các em vẫn sẽ bị buộc thôi học. Và liệu khi các thí sinh tiêu cực bị buộc thôi học thì sẽ xử lý sao với trường hợp các thí sinh bị đánh trượt do mất suất bởi những thí sinh này?
Không chỉ Hà Giang, Sơn La mà còn vô số tỉnh khác chưa được động tới, nhân dân ta đã đặt trọn niềm tin vào Bộ GD&ĐT, các Sở tỉnh nhưng thật sự niềm tin đấy sẽ còn tiếp không hay vơi đi nhiều rồi. Những giọt nước mắt của các phụ huynh, thí sinh và những giáo viên có tâm với nghề. Nhiều phụ huynh còn phải đi ăn xin để cho con đi học, để cho con có thể thay đổi đời người nhờ kỳ thi quan trọng bậc nhất của Quốc Gia. Những thí sinh học miệt mài cả ngày lẫn đêm chỉ được đỗ vào trường mình mong muốn mà bị tước đi hy vọng chỉ vì những thành phần "Tham tiền, tham của mà đánh mất đi sự trung thực, uy nghiêm của một cán bộ".
Và kỷ lục nhất, đó là chưa lúc nào ở một sự kiện giáo dục mà có sự chung tay vào cuộc của rất nhiều thầy giáo và học sinh trên mọi miền đất nước về những thông tin phản ánh tiêu cực một cách liên tục.
Để thấy rằng khi người dân đồng lòng và theo lẽ phải, công lý sẽ được thực thi
> Rà soát điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La không đem lại kết quả thỏa đáng
> Hơn 40 bài thi bị giảm điểm trong sai phạm điểm thi ở Sơn La
Theo Thanh niên - Kênh Tuyển Sinh