Theo tờ trình Ủy ban nhân dân TP.HCM gửi Bộ Giáo dục - đào tạo, Trường đại học Lý Tự Trọng TP.HCM được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM.
Đề án thành lập đã được trường xây dựng từ năm 2017.
Trường có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM với diện tích hơn 50.000m2 và dự án cơ sở 2 tại Củ Chi có diện tích hơn 340.000m2.
Trường hoạt động theo cơ chế tự chủ, đào tạo bậc đại học và sau đại học. Quy mô đào tạo giai đoạn 2022-2027 là 4.800 sinh viên. Trong năm tài chính 2021, tổng thu của trường gần 265 tỉ đồng, tổng chi hơn 246 tỉ đồng.
Trường đại học Lý Tự Trọng TP.HCM dự kiến duy trì và phát triển các ngành nghề hiện đang đào tạo như nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, điện - điện tử, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, máy tính, kinh doanh, kế toán - kiểm toán, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, ngôn ngữ - văn học và văn hóa nước ngoài.
Dự kiến đến năm 2022, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường có 211 người, trong đó tiến sĩ 10, thạc sĩ 147.
Mô hình đại học ứng dụng mà trường hướng tới nhằm tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao, có thể tham gia vào hệ thống sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làm việc một cách chất lượng nhất ngay sau khi tốt nghiệp, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của TP.HCM.
"Do đó việc thành lập Trường đại học Lý Tự Trọng TP.HCM là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ủy ban nhân dân TP.HCM trình Bộ Giáo dục - đào tạo xem xét, chấp thuận và có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập Trường đại học Lý Tự Trọng TP.HCM - trường đại học công lập, cam kết hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định" - tờ trình nêu.
> Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đón sinh viên trở lại từ ngày 15.2.2022
> Đại học Y Dược TP.HCM hỗ trợ học bổng 850 suất học bổng cho tân sinh viên
Theo Tuổi Trẻ