>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, học đường

Đề thi nghị luận xã hội trong kì thi học sinh giỏi văn lớp 12 năm học 2013- 2014 của Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng đưa ra hai câu nói của Bà Tưng (Nguyễn Thị Huyền Anh) và Ngọc Trinh đang gây xôn xao dư luận với rất nhiều ý kiến trái chiều nhau. Sáng tạo có, thú vị có nhưng cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng đề thi phi giáo dục, phản cảm. Câu chuyện về đề nghị luận được xem là một “tiến bộ” của giáo dục thời gian qua, có lẽ đến lúc nên xem xét lại quy chuẩn của tính phù hợp, toàn diện cho một đề thi “mở”.

***Bà Tưng & Ngọc Trinh vào đề thi: Sở GD rút kinh nghiệm

Đề nghị luận: một mũi tên, trúng hai đích

Vài năm gần đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trương, khuyến khích ra đề thi văn là những đề nghị luận xã hội để tăng tính sáng tạo, sự hiểu biết xã hội cho học sinh. Tinh thần này đã được dư luận ủng hộ và cho rằng, đó là một trong những cách làm mới phù hợp và hiệu quả. Trên thực tế, năm 2013 đã để lại dấu ấn đặc biệt về phong cách ra đề thi mở khi môn văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã lấy tấm gương dũng cảm hy sinh cứu người của em Nguyễn Văn Nam làm đề tài cho câu nghị luận xã hội. Đó là một đề văn rất hay, rất ý nghĩa, có giá trị nhân văn cao, cổ vũ được tinh thần sống đẹp, tình yêu thương và sự hy sinh vì người khác trong thanh niên hiện nay. Đề văn này được dư luận đánh giá là mang tính thời sự, tính nhân văn, tính giáo dục và có ý nghĩa thực tiễn. Còn nhớ, đề thi dành cho học sinh lớp 10, năm 2009 có trích dẫn câu nói: "Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi" để giáo dục cho học sinh tính trung thực trong thi cử…Chính những đề văn như thế sẽ đưa tư duy các em thoát ra khỏi sách vở, được tự do bày tỏ chính kiến, suy nghĩ của mình về các vấn đề xã hội. Quả thực, sự cởi mở trong đề thi rất cần thiết để vừa nâng cao tư duy vừa rèn đạo đức cho học sinh. Đó là “một mũi tên, trúng hai đích” mà giáo dục đã thành công trong phong cách ra đề mở như thế.

thông tin giáo dục

Cần quy chuẩn tính phù hợp cho đề thi mở

Xét về tính đổi mới và sáng tạo, đề thi nghị luận được đánh giá rất cao trong thời gian qua. Học sinh và phụ huynh phần lớn đều cảm thấy thú vị với những hình ảnh thực tế, những câu nói hay, có tính giáo dục… Các chuyên gia hầu hết đều ủng hộ lối ra đề mở để học sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình.==>Nhà giáo, nhà văn búc xúc về đề thi văn phản giáo dục

Sáng tạo nhưng đừng mạo hiểm

Chính vì những lợi ích thiết thực của đề thi nghị luận xã hội mà càng cần thiết phải cẩn trọng trong việc lựa chọn và ra đề sao cho đúng, trúng, hay. Trở lại đề thi đang gây “sóng gió” trong dư luận để có một cái nhìn toàn diện hơn trong câu chuyện ra đề “nghị luận xã hội”. Lãnh đạo nhà trường khẳng định: đề thi được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo chung của Bộ GD- ĐT là ra đề mở, bám sát thời sự, định hướng lối sống cho học sinh. Tuy nhiên theo các nhà quản lý giáo dục kinh nghiệm, việc đưa nhân vật nào vào đề thi Văn cần được cân nhắc kỹ, các em ở lứa tuổi đang định hình nhân cách và tư duy cũng như những định hướng của cuộc sống. Bởi vậy khi đưa Ngọc Trinh và “Bà Tưng” - những nhân vật vốn có phát ngôn về mặt đạo đức không được nhiều người ủng hộ vào đề thi quả thực rất phản cảm. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đề thi ra theo hướng mở để kích thích tinh thần sáng tạo của học sinh là một hướng tốt. Tuy nhiên, khi ra đề cũng cần phải có tính toán khoa học, chọn nội dung hiện tượng cho phù hợp để vừa kích thích được các em sáng tạo vừa có tính giáo dục học sinh. Cải cách, đổi mới đi đôi với chất lượng, không thể cải cách phương pháp mà nội dung cũ hoặc không phù hợp. Vì vậy, việc chú trọng đến sự đổi mới của phương pháp cũng như nội dung một cách đồng đều, hợp lý là vấn đề mà ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa. Đặc biệt là đề thi nghị luận xã hội thì càng phải cẩn trọng hơn, không phải cứ đưa những hiện tượng nóng sốt của xã hội đã là hay, là cập nhật.

Theo Hà Văn, Báo Công luận