Bộ GD&ĐT cần xem xét lại quy mô cũng như việc thành lập các trường ĐH, CĐ.

Trong đó việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường nên dựa trên nguyên tắc kiểm định chất lượng, phân tầng giáo dục. Ý kiến trên được đưa ra tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 và Nghị quyết 50/2010/QH12 liên quan đến giáo dục ĐH diễn ra sáng 2-4 tại Hà Nội.

GS-TS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đề xuất Bộ cần có những đánh giá lại các trường ĐH, CĐ trong thực hiện cam kết về xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chỉ tiêu tuyển sinh. Trường nào vi phạm các cam kết thì tùy theo mức độ, xử phạt hành chính đến cắt giảm chỉ tiêu và đình chỉ hoạt động.

Đồng quan điểm này, GS-TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nói thêm: Bộ đã đưa ra quy định xử phạt đối với các trường ĐH, CĐ vi phạm quy chế tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì cũng nên xử phạt những trường không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

GS-TS Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nêu ý kiến Bộ GD&ĐT cần có những đợt thanh tra, kiểm soát chất lượng hoạt động của các trường ĐH, CĐ, đặc biệt là những trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng cần có quy định rõ, tiêu chuẩn cụ thể về việc thành lập trường; cần có sự kiểm soát đối với việc cấp chứng chỉ, văn bằng đào tạo theo hình thức liên kết đào tạo nước ngoài…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cam kết sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm soát tất cả trường ĐH, CĐ ở tất cả công đoạn đăng ký thành lập trường, quá trình hoạt động… Nếu trường ĐH, CĐ nào không liên tục đổi mới chất lượng đào tạo thì sẽ bị sàng lọc từ chính người học.

Hạn chế mở và tăng học phí nhóm ngành đào tạo “nóng”

Được biết, năm 2013, bậc sau ĐH có 1.350 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, 27.000 chỉ tiêu thạc sĩ và 1.000 chỉ tiêu đào tạo chuyên khoa. Như vậy chỉ tiêu mới sau ĐH tăng khoảng 10-12% số lượng chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ, còn đối với thạc sỹ tăng khoảng 5%.

Tại Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định: “Đối với các trường ĐH mới, Bộ sẽ không cho mở các ngành thuộc khối Quản trị kinh doanh, Tài chính, Kinh tế, ngay cả các trường cũ xin mở nữa cũng không”. Đồng thời, Bộ sẽ nghiên cứu lộ trình tăng học phí các khối ngành này.


Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Từ năm 2013 sẽ không tăng về quy mô đào tạo mà chỉ thay đổi về cơ cấu theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành Kinh tế, Tài chính, Quản trị kinh doanh; tăng chỉ tiêu nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ, Nông lâm, Y dược, Nghệ thuật. Về chỉ tiêu đào tạo giáo viên sư phạm sẽ giảm dần so với năm 2012 và tiếp tục điều chỉnh giảm trong những năm tới, trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu. Tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh bậc TCCN trong các trường ĐH theo lộ trình giảm tối thiểu 20%/năm để sớm chấm dứt đào tạo trước năm 2017.

Theo Bộ GD&ĐT, định hướng trong thời gian tới sẽ thực hiện giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao như Kinh tế, Tài chính, Luật... Dự kiến mức học phí cho các nhóm ngành trên sẽ tăng dần từ năm học 2012 - 2016.

 

Bạn muốn biết về:

Mạnh dạn cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh với những đề xuất vượt mức

Tuyển sinh 2013: giảm chỉ tiêu và tăng học phí ngành học hot

Tin bài gốc: Phapluattp

Kenhtuyensinh

Theo: Phapluattp