Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi tot nghiep

Một lần nữa, đề thi môn văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2013 - 2014 tại TPHCM lại “tạo sóng” dư luận, truyền cảm hứng cho thí sinh với đề nghị luận xã hội vừa nóng vừa lạ, đậm tính giáo dục. Với cách ra đề lạ, hấp dẫn, gợi mở cách làm bài sáng tạo, vận dụng kiến thức xã hội sâu rộng, gần đây những đề thi môn văn cấp thành phố và quốc gia hứa hẹn cách dạy và học mới.

Đậm tính giáo dục

Kết thúc môn thi văn ngày 21-6, em Huỳnh Đình Mẫn (Hội đồng thi Trường THCS Nguyễn Văn Tố quận 10) chia sẻ cảm nhận: “Đề thi năm nay hơi lạ, giàu cảm xúc và khơi gợi nhiều hướng làm bài cho thí sinh”. Theo Mẫn và một số thí sinh khác, lần đầu tiên câu 2 có hình biếm họa đề cập đến “tuổi teen” và ngôn ngữ “chat” khá ấn tượng. Thường ngày, giới trẻ vẫn vô tư dùng ngôn ngữ “chat” với nhau nhưng khi áp dụng nó với người lớn thì không hiểu mình đang vi phạm phương châm hội thoại “lịch sự”. Khi đề văn chạm vào thực tế, nhắc nhở học sinh phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt thì nhiều thí sinh giật mình và tự trách sự vô tình của mình.

de mo thay doi cach hoc va day van

Ở góc nhìn rộng hơn, Từ Anh (Hội đồng thi Trường chuyên Lê Hồng Phong) nhận định: “Đề văn nghị luận xã hội ở câu 3 và cảm nhận về câu 4 đã truyền cảm hứng cho thí sinh khi làm bài. Ngoài kiến thức học trong sách giáo khoa, đề mở bắt chúng em động não, tổng hợp, phân tích sự kiện ở nhiều góc nhìn và phải liên hệ thực tế, kỹ năng sống để làm bài đúng với yêu cầu đề thi”. Với nhiều học sinh, chủ đề của câu 3 yêu cầu thí sinh trình bày một đoạn văn ngắn gợi mở từ hình ảnh, số phận của học trò nghèo vùng biển (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vượt khó để theo đuổi ước mơ học hành mang lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ về thực tại. Thoát khỏi khuôn mẫu của sách giáo khoa và những bài văn mẫu, thí sinh làm bài thoải mái, thể hiện sự rung động, khâm phục ý chí nghị lực của những số phận tuổi thơ lấm lem bùn đất nhưng khát khao con chữ, góp nhặt niềm hy vọng ở tương lai.

Liên hệ thực tế, nhiều học sinh ở TPHCM cho rằng mình đang thụ hưởng nhiều điều kiện tốt, được cha mẹ chăm lo đầy đủ nên phải biết chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của học sinh vùng quê nghèo khó - những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Soi rọi vào những tấm gương hiếu học, lam lũ kiếm sống này, dù gặp hoàn cảnh khó khăn, cơ cực đến đâu, giới trẻ cũng phải tìm cách vượt qua và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, khát vọng vươn đến đỉnh cao tri thức. Ý nghĩa giáo dục giàu tính nhân văn của đề thi nằm ở chỗ đó.

Theo một số giáo viên dạy văn ở các trường THCS, đề văn thi vào lớp 10 năm nay tiếp tục thể hiện sự đổi mới, hướng tới việc loại bỏ cách học thụ động, theo văn mẫu. Để được điểm cao, thí sinh phải sáng tạo, biết vận dụng thêm kiến thức liên hệ thực tế đời sống xã hội, đặc biệt là các vấn đề xã hội nóng từ sách báo và các phương tiện truyền thông. Theo cô Phạm Yến Tuyết (chuyên viên môn văn Phòng GD-ĐT quận 10 TPHCM), cách ra đề văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM bám sát đề tài xã hội, gần gũi với cuộc sống không chỉ gợi mở khả năng tư duy độc lập, cảm nhận sâu rộng mà còn giáo dục các em về tình người, trách nhiệm của giới trẻ đối với xã hội, đất nước thời hội nhập. Nhận định về đề Văn, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, chủ trương ra đề văn mở, bám sát tính thời sự xã hội sẽ góp phần thay đổi cách dạy và học văn trong thời gian tới ở TP.

Giã từ khuôn mẫu

Điểm lại các đề thi môn văn ở các địa phương và cấp quốc gia trong thời gian gần đây cho thấy cơ cấu, chủ đề ngày càng thay đổi, gần gũi đời thường. Như thế, tư duy sáng tạo, suy nghĩ độc lập sẽ được khuyến khích và sẽ tác động theo hướng tích cực, thay thế việc dạy và học tủ, theo lối mòn trong môn văn. Dạy văn là dạy học sinh hoàn thiện nhân cách, nuôi dưỡng tình người, gieo mầm nhân ái… Vì thế, ngoài cảm thụ kiến thức văn học, học sinh phải biết suy nghĩ, cảm nhận đúng giá trị nhân văn của cuộc sống, số phận con người, để từ đó noi theo những tấm gương sáng, điển hình tốt. Mới đây, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013 cũng gây xúc động khi đưa hình ảnh dũng cảm của Nguyễn Văn Nam (lớp 12 Trường THPT Đô Lương 1 Nghệ An) vào đề văn. Thú vị với đề nghị luận xã hội giàu tính nhân văn, nhiều thí sinh không chỉ nêu cảm xúc, thán phục tinh thần dũng cảm, quên mình xả thân cứu 5 em nhỏ của Nam mà còn liên hệ thực tế, đả phá, lên án sự thờ ơ, bàng quan với cái ác, tiêu cực. Không chỉ đồng cảm, rơi nước mắt vì sự ra đi đầy ý nghĩa của Nam, nhiều em tự nhủ phải noi gương Nam, dám đối mặt với hiểm nguy và hành động vì người khác.

Đề mở thường xảy ra tranh cãi đa chiều trước khi chấm bài. Thế nhưng, theo nhận định của một số giáo viên chấm thi môn văn kỳ tốt nghiệp THPT mới đây, hầu hết bài làm đều cảm nhận hành động dũng cảm của Nam đáng tôn vinh và giới trẻ nên noi theo. Tuy nhiên, việc các em đi theo đúng quỹ đạo “an toàn” này và ít có suy nghĩ trái chiều hoặc phản biện ở góc nhìn riêng cũng đáng suy ngẫm! - Đó là nhận định của một giáo viên có thâm niên dạy văn. Theo giáo viên này, đề văn mở thì đáp án cũng phải mở để đánh giá đúng năng lực, sáng tạo của học sinh. Nếu đáp án mở chưa hết sẽ dễ tạo cho người dạy lẫn học sinh cách làm bài rập khuôn đáp án và hình thành thói quen tự vệ - bám quỹ đạo an toàn cho chắc ăn.

Như đúc kết của nhiều giáo viên, khi đề thi môn văn thoát khỏi lối mòn, đánh thức cảm xúc của học trò và hướng các em tới chân, thiện, mỹ thì môn học này đã lấy lại vị thế, giá trị của mình. Vì thế, dư luận trông chờ ngành giáo dục TPHCM nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục có thêm nhiều đề văn hay, thấm đượm hơi thở cuộc sống.

 

Thông tin mùa thi:

Kênh tuyển sinh: Nguồn tin SGGP