Vừa qua, dư luận không khỏi xót xa với trường hợp đau lòng của cậu bé 6 tuổi học tại trường tiểu học Quốc tế Gateway (Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón. Từ sự việc này, các bậc phụ huynh hết sức lưu ý cần dạy con ngay những kỹ năng cần thiết để thoát hiểm trên xe ô tô.
> Học người Nhật 3 điều tuyệt đối tránh khi dạy con tự lập
> 10 bí quyết dạy con mạnh mẽ hơn
Vì sao trẻ dễ gặp nguy hiểm khi ở một mình trên xe ô tô?
Thực tế, trên thế giới đã có không ít trường hợp trẻ nhỏ bị bỏ quên trên xe ô tô một mình và dẫn tới những cái chết thương tâm. Tại Mỹ đây cũng là vấn đề thường xảy ra mặc dù luật pháp nước này có những quy định nghiêm ngặt.
Hầu như mọi trường hợp trẻ tử vong do bị bỏ quên trong xe hơi đều vì quá nóng. Khi bị đóng kín, máy điều hòa tắt, nhiệt độ bên trong xe có thể lên tới mức báo động trong vòng 1 giờ đồng hồ, đặc biệt nguy hiểm với trẻ dưới 14 tuổi. Dù thời tiết mát mẻ, sự cố vẫn có thể xảy ra.
Theo nghiên cứu từ Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP), thân nhiệt của trẻ em tăng nhanh gấp từ 3-5 lần so với thân nhiệt người lớn, đồng thời cơ thể trẻ cũng bị mất nước nhanh hơn người lớn. Chúng ta không bao giờ được phép để trẻ một mình ở trên xe vì trẻ sẽ có tâm lý hoảng sợ, thiếu oxy... dẫn đến tình trạng hôn mê sâu.
Các trường hợp trẻ bị ngạt khí trên xe ô tô:
- Trường hợp tắt điều hòa, cửa khóa: Trẻ ngủ quên trên ô tô, trong xe không còn dưỡng khí để thở nên lịm dần và tử vong.
- Trường hợp bật điều hòa, cửa khóa: Hầu hết những xe hiện nay tài xế đều chọn chế độ gió trong. Sau một thời gian khi cảm biến phát hiện thiếu dưỡng khí, điều hòa tự lấy gió ngoài để tăng khí tươi.
Tuy nhiên, không khí ngay ngoài xe lại bị bao phủ bởi khí từ ống xả, chứa nhiều CO, khi trẻ hít vào, CO kết hợp với Hemoglobin trong hồng cầu làm biến đổi cấu trúc Hemoglobin, khiến hồng cầu không thể vận chuyển oxi tới các tế bào cơ thể. Từ đó, tế bào thiếu hụt oxy, trẻ sẽ hôn mê rồi tử vong. Nếu sống thì di chứng về não là rất lớn bởi não không có oxy trong thời gian dài.
Trang bị kỹ năng thoát hiểm khi trẻ bị bỏ quên trên xe
- Trước tiên phụ huynh cần dạy trẻ nếu ở một mình trên xe ô tô phải thật bình tĩnh để tìm cách thoát thân. Chúng ta nên giải thích cho con hiểu trong không gian kín lượng oxy có hạn, vì vậy con hoảng sợ hay khóc lóc chỉ khiến cơ thể dễ mất sức, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
- Nhiều bậc phụ huynh có thể trang bị cho con em mình các thiết bị di động, đồng hồ thông minh. Hãy dạy trẻ kỹ năng liên lạc, lưu số điện thoại bố mẹ, người thân và các số khẩn cấp cảnh sát, cứu thương trên các thiết bị này.
- Các xe đều có thiết kế lẫy mở khoá cửa từ bên trong tại mỗi cửa lên xuống. Hãy dạy con cách bật lẫy này để mở cửa trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là cửa xe tài xế.
- Hướng dẫn con cách bấm còi xe trên vô lăng liên tục cho đến khi có người đến giúp. Dù xe có tắt máy, còi xe vẫn luôn hoạt động.
- Kết hợp bấm nút đèn nhấp nháy khẩn cấp để tạo sự chú ý. Nút bật đèn này có hình tam giác trên tablo buồng lái.
- Để tạo sự chú ý, hãy dạy con dùng hết sức hoặc bất cứ vật gì nặng trên xe đập cửa thật mạnh, hét thật to để người bên ngoài biết tìm cách giải cứu.
- Hãy bảo con nên lên ngồi trước chỗ ghế tài xế bởi vị trí này có tầm nhìn thoáng nhất, người bên ngoài dễ dàng phát hiện ra.
- Nếu con mất sức, hãy hướng dẫn con tìm nước và thức ăn có sẵn trên xe.
- Biện pháp cuối cùng bố mẹ hướng dẫn con dùng búa để thoát hiểm: dùng đầu nhọn của búa để phá kính xe, đập mạnh vào một trong bốn góc trên tấm kính. Dạy trẻ nên ưu tiên phá các kính bên hông, không nên phá kính chắn gió phía trước, vì kính chắn gió được thiết kế đặc biệt, khả năng cường lực cao nên rất khó phá vỡ. Tuy nhiên trẻ nên hết sức cẩn thận khi phá kính để giảm thiểu chấn thương. Sau khi kính đã vỡ, trẻ cần lưu ý bước xuống xe thật cẩn thận và không giẫm lên các mảnh thủy tinh.
Những điều bố mẹ cần chú ý khi để trẻ ở trong ô tô lâu cùng mình
- Cần chọn đỗ xe ở nơi thoáng đãng, tránh xa không gian chật hẹp, bí khí bởi nếu tai nạn xảy ra, ngay cả khi mở hết cửa bé vẫn sẽ bị thiếu oxy hay nghiêm trọng hơn là ngộ động khí CO thải từ động cơ.
- Để tránh trẻ bị ngạt khí tử vong khi ngủ trên ô tô, bố mẹ cần hé một chút cửa kính để đảm bảo không khí bên trong và bên ngoài lưu thông, đủ oxy cho bé ở bên trong.
- Trường hợp bật điều hòa và đóng kín cửa xe, phụ huynh cần chọn chế độ lấy gió ngoài, bổ sung oxy cho khoang cabin. Đặc biệt, bố mẹ cần phải quan tâm, chú ý đến trẻ hơn, không được để lại mình bé trên ô tô. Trước khi rời khỏi xe, nên kiểm tra lại trong xe để tránh để quên trẻ hay đánh rơi đồ vật gì dễ gây cháy nổ.
Cách xử trí khi trẻ bị sốc nhiệt
- Cần đưa trẻ ra khỏi ngay môi trường có nhiệt độ cao đến nơi có bóng râm, cởi bỏ quần áo. Đắp khăn mát hoặc xối nước lên người trẻ.
- Cho trẻ uống nước (không có cồn, caffeine hoặc chất kích thích) nếu trẻ có thể uống được.
- Hồi sức tim phổi nếu trẻ không tỉnh và không thở.
- Cho trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ vẫn không khỏe.
Mong rằng với những thông tin trên, các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn và giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng để tự bảo vệ bản thân, từ đó giúp hạn chế các hậu quả đáng tiếc nếu chẳng may bị bỏ quên một mình trên ô tô.
Hướng dẫn trẻ thoát ra khi mắc kẹt trong xe hơi (Nguồn: Trung tâm Tin tức VTV24)
Kênh Tuyển Sinh tổng hợp