Nghị định 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hợp tác, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực giáo dục đang gây lo lắng sẽ làm giảm lượng vốn FDI.

Chưa rõ ràng

Theo Nghị định 73, nhà đầu tư nước ngoài được thành lập các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài và dành cho trẻ em là người nước ngoài. Trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình nước ngoài.

Cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp bằng của nước ngoài, chủ yếu dành cho học sinh là người nước ngoài và cho phép các cơ sở giáo dục này được tiếp nhận một tỷ lệ học sinh Việt Nam có nhu cầu học tập.

Cụ thể: Ở các trường tiểu học và THCS không quá 10% tổng số học sinh của trường; ở các trường THPT không quá 20% tổng số học sinh của trường. Không ít chuyên gia cho rằng quy định mới này sẽ làm khó cho một số nhà đầu tư nước ngoài và làm nhiều người nản lòng khi muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Hiện nay, giáo dục - đào tạo được xem là một trong những lĩnh vực thu hút FDI yếu nhất của Việt Nam. Giáo dục đứng thứ 17/18 ngành, lĩnh vực có vốn FDI tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 2-2013, lĩnh vực giáo dục - đào tạo cả nước thu hút 170 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 468 triệu USD.

Quy mô trung bình của một dự án khoảng 2,8 triệu USD. Trong số 170 dự án, cơ sở giáo dục phổ thông có 20 dự án, chiếm 33,2% về tổng vốn đầu tư; cơ sở giáo dục mầm non có 34 dự án, chiếm 9,4% về tổng vốn đầu tư. Các dự án chủ yếu tập trung ở 2 thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội, chưa có một dự án FDI vào giáo dục nào được thực hiện ở các tỉnh.

“Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục trước nay đã gặp phải khá nhiều khó khăn trước không ít nghị định. Nay thêm nghị đinh mới này e rằng công tác xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư nước ngoài… sẽ càng khó khăn hơn” - một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TPHCM chia sẻ.

Có khá nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh nghị định mới. Chẳng hạn, hiện nay ngoài các trường quốc tế có vốn đầu tư nước ngoài, dạy theo chương trình nước ngoài, vẫn còn khá nhiều trường quốc tế không có vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại dạy theo chương trình nước ngoài, thông qua việc liên kết với các tổ chức giáo dục nước ngoài (không có yếu tố vốn đầu tư) thì sẽ giải quyết như thế nào? Hay như quy định tỷ lệ học sinh theo quy định nói trên liệu có phù hợp hay chưa?

Sức ép trường ngoại

Trước thắc mắc về tỷ lệ học sinh Việt Nam theo học tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài là 10% ở cấp tiểu học và THCS, 20% ở cấp THPT, đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo chia sẻ rằng kết quả này được lấy ra sau những cuộc khảo sát của Bộ cũng như từ kinh nghiệm quốc tế. Song trên thực tế lại có khá nhiều trường quốc tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ học sinh Việt Nam theo học vượt quy định trên khá nhiều.

Chẳng hạn Trường quốc tế Kingderworld hiện có khoảng 70% học sinh Việt Nam đang theo học. Tương tự, trường quốc tế FOSCO (TPHCM) cũng có đến gần 70% là học sinh Việt Nam. Thấp hơn một chút có Renaissance International School Saigon với khoảng 40% học sinh người Việt Nam.

Nghị định 73 có hiệu lực từ cuối năm 2012, song đến nay những em học sinh đang theo học vẫn tiếp tục học tập bình thường, nhưng các trường quốc tế này phải có lộ trình thực hiện Nghị định 73 về tỷ lệ tiếp nhận học sinh Việt Nam. Như vậy, rất có thể từ năm học mới sắp tới, các trường sẽ phải thực hiện theo Nghị định 73. Về phía đại diện các trường quốc tế có vốn đầu tư nước ngoài hẳn sẽ khó để tìm ra một lượng học sinh thay thế khoảng trống mà học sinh Việt Nam để lại.

Không nhận trả lời trực tiếp vấn đề này, nhưng đại diện một số trường bày tỏ lo lắng và cho hay rất có thể họ sẽ thu hẹp hoạt động của mình tại Việt Nam. Về phía phụ huynh học sinh, không ai dám chắc khi tỷ lệ bị khống chế ở mức 10% và 20% như vậy có xảy ra hiện tượng chạy trường, lo lót trước hay không. Vì trên thực tế, nhu cầu cho con học trường quốc tế của người Việt Nam là không nhỏ.

Hàng năm, có một lượng ngoại tệ không nhỏ được đưa ra nước ngoài để phục vụ nhu cầu học tập của các du học sinh Việt Nam. Chính vì thế, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục sẽ giúp hạn chế phần nào hiện tượng chảy máu ngoại tệ khi học sinh có thể du học tại chỗ.

Nhưng những khó khăn trong thủ tục đầu tư, cũng như nút thắt mới này sẽ làm cho công cuộc thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo ở Việt Nam khó càng thêm khó.

 

Bạn muốn biết về:

Tư vấn chọn và học tại các trường quốc tế năm 2013

Giúp con chọn trường quốc tế

 

Tin bài gốc: SGĐT

Kenhtuyensinh

Theo: SGĐT