Trường học cho trẻ khiếm thính - Thiếu và yếu
TPHCM hiện mới có khoảng 15 trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính, trong đó hầu hết chỉ dừng ở bậc tiểu học, một vài nơi có mở thêm các lớp trung học nhưng không thường xuyên. Số học sinh đang theo học những nơi này chưa đến 2.000 em, chưa bằng 1/1.000 tổng số 2,6 triệu người khiếm thính ở Việt Nam. Vì sao?
Tự “bơi”!
Có thể nói năm 2000 là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự phát triển vượt bậc của cộng đồng người khiếm thính, khi mà Quỹ Nippon, Nhật Bản mở dự án hỗ trợ học sinh khiếm thính Việt Nam học lên trung học. Đến nay, đã có 10 em tốt nghiệp cao đẳng từ chương trình này, bước đầu tìm kiếm việc làm, hòa nhập xã hội. Trước đó, cả nước chưa từng có trường chuyên biệt nào đào tạo bậc trung học, người khiếm thính Việt Nam chỉ học hết tiểu học rồi ở nhà phụ giúp gia đình hoặc nhọc nhằn kiếm sống bằng những nghề lao động phổ thông như giữ xe, phục vụ quán ăn, tạp vụ…
Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED), Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính châu Á - Thái Bình Dương (APFHD) cho biết: “Ở nhiều nước khác trên thế giới, người khiếm thính đạt đến học vị tiến sĩ là bình thường. Hơn nữa, họ còn có mặt trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội như kỹ sư, giảng viên đại học, luật sư, linh mục, giám mục… Trong khi đó ở nước ta, người khiếm thính còn chịu nhiều thiệt thòi, đa phần học không quá lớp 5, do đó thiếu tự tin khi hòa nhập xã hội là điều tất yếu”.
Một tiết học tại Trường Chuyên biệt quận 10, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI
Nguyên nhân là do hiện nay, mới có 2 nơi đào tạo giáo viên dạy học cho đối tượng này. Một là Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 đào tạo giáo viên mẫu giáo, hai là Bộ môn Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm TPHCM đào tạo giáo viên tiểu học cho người khiếm thính. Như vậy, trong tương lai nếu mở trường trung học chuyên biệt cho trẻ khiếm thính cũng không “đào” đâu ra nguồn tuyển giáo viên. Thêm vào đó, nhiều nơi điều kiện dạy và học hiện nay thiếu thốn trầm trọng.
Hiệu trưởng một trường chuyên biệt than: “Hơn 80 máy trợ thính đang sử dụng ở trường tôi hiện nay xuất xứ từ các chương trình viện trợ nước ngoài, số ít trong đó đã hỏng hóc do sử dụng lâu năm nhưng chưa có điều kiện thay thế. Có lớp số máy ít hơn số học sinh nên các em phải luân phiên sử dụng, hiệu quả học tập chưa cao là vì vậy…”. Bên cạnh đó, theo Thông tư 24 do Bộ Y tế ban hành, máy trợ thính hiện nay không thuộc danh mục trang thiết bị y tế nên chất lượng và giá cả nhiều nơi còn thả nổi. Thêm vào đó, tài liệu, trang thiết bị dạy học còn khá ít ỏi, giá cả chưa được kiểm soát nên việc dạy học phần nhiều dựa vào khả năng “tự bơi” của các trường.
Dạy hòa nhập bằng kỹ năng sống
Kết quả cuộc khảo sát tìm hiểu khó khăn và nhu cầu của học sinh khiếm thính gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED) thực hiện cho thấy, có đến 24,1% người được hỏi cho biết thường xuyên gặp khó khăn, hạn chế về giao tiếp, 19,6% đánh giá giáo viên không hiểu tâm lý học sinh. N.P.T, thành viên đang sinh hoạt tại CLB Khiếm thính TPHCM chia sẻ, trước đây em từng gặp khó khăn khi giao tiếp với cả người thân trong gia đình.
Ở nhà, mẹ thường không cho em làm bất cứ việc gì. Lớn hơn một chút, suốt ngày em chỉ biết đứng nhìn trẻ con hàng xóm nô đùa và làm bạn với mấy bộ đồ chơi xếp hình. Hơn 7 tuổi mới được cho đi học, đến lớp có nhiều bạn cùng cảnh ngộ nhưng thầy cô không phải người nào cũng hiểu hết những điều em muốn nói. Nhiều khi thấy thầy cô bực mình em chỉ biết lặng lẽ cúi đầu mà không hiểu tại sao, lâu ngày thành ra thu mình trong vỏ ốc cô độc của chính mình, sợ giao tiếp với người ngoài, sợ bất kỳ ánh mắt nào chĩa thẳng vào người. Tâm sự của T. không phải là trường hợp hiếm.
Bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED) cho biết, bản thân bà từng chứng kiến nhiều trường hợp học sinh khiếm thính ra trường, có đủ bằng cấp nhưng ngại không đi kiếm việc làm, hoặc kiếm được việc làm rồi nhưng không duy trì được lâu. Nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp từng nhận lao động khuyết tật đưa ra là do người khiếm thính nói riêng và khuyết tật nói chung hiện nay chưa được xã hội nhìn nhận như những cá thể độc lập, quen nhận sự bảo bọc quá nhiều từ gia đình khiến họ dễ nảy sinh tâm lý mặc cảm, tự ti.
Thêm vào đó, do thiếu hụt kỹ năng sống, không biết cái gì cần, cái gì không nên họ thường xuyên rơi vào trạng thái bi quan, chán nản, thiếu sự phấn đấu. Do đó, theo nhiều giáo viên lâu năm tiếp xúc với nhóm đối tượng đặc biệt này, ngoài việc dạy kiến thức, học sinh khiếm thính còn cần được trang bị kỹ năng sống, lấy phản ứng của người đối diện làm cơ sở điều chỉnh hành vi và tâm lý của mình. Tuy nhiên, tiếc là điều đó hiện nay không phải nơi nào cũng làm được.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Sài gòn giải phóng