Lễ tốt nghiệp của trò khiếm thính

Cô Trần Thị Ngời - hiệu trưởng Trường khuyết tật thính giác Hi Vọng 1, TP.HCM - bước lên khi được mời phát biểu tại lễ tốt nghiệp. Thay vì nói vào micro, cô đưa hai tay lên phía trước lắc lắc, rồi đặt một tay vào ngực, người hơi khom xuống... Phía dưới, 16 học trò khiếm thính của cô chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa sau chín tháng miệt mài “học đến bơ phờ”.

Lễ tốt nghiệp được tổ chức tại phòng C109 Trường ĐH Văn Lang (Q.Bình Thạnh) chiều 22-12. Ngoài những “nhân vật chính” còn có phụ huynh đến chung vui, một doanh nghiệp đến phỏng vấn tuyển dụng ngay sau khi học viên nhận bằng. “Cô chúc mừng các em. Cô rất xúc động với những gì các em đạt được” - cô Ngời “phiên dịch” lại ý của mình cho cả phòng cùng nghe.

Gần hai năm trước, chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật của Trường ĐH Văn Lang gửi thư đến Trường Hi Vọng 1 mời học sinh tham gia các khóa đào tạo. “Đây là lối thoát với học sinh của chúng tôi - cô Ngời xúc động nói tại lễ khai giảng - Ở trường, chúng tôi cũng dạy tin học căn bản cho các em. Nhưng khi các em muốn học tin học nâng cao ở các trung tâm bên ngoài thì không nơi nào nhận vì khó khăn trong giao tiếp”.

hoc sinh khiem thinh, khuyet tat, bam sinh, hoc sinh, giao vien, truong hy vong, le tot nghiep, tuoi tre

Học sinh khuyết tật trong giờ sinh hoạt.

Nắm bắt cơ hội ấy, cô Ngời đã cử một giáo viên ngôn ngữ ký hiệu của trường đi theo để phiên dịch cho trò. Những tưởng đã êm xuôi nhưng vừa học ở trường, vừa làm nhiều bài tập, đồ án nên nhiều bạn có dấu hiệu đuối. “Sợ các em không theo nổi, “rụng” giữa đường nên tôi quyết định cắt giảm một số môn ở trường cho các em tập trung làm đồ án ở lớp công nghệ thông tin” - cô Ngời nhớ lại. Cuối cùng, kết quả vượt xa hơn mong đợi khi không chỉ theo kịp chương trình học, 90% HS tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc và tự tin phỏng vấn xin việc.

Tham dự lễ tốt nghiệp đặc biệt ấy, đọng lại trong trái tim người viết không phải là áo cử nhân và tràn ngập hoa hồng. Mà đó là niềm vui hiện rõ lên khóe mắt của thầy, của trò và cả những người làm cha làm mẹ đưa con đến nhận bằng. Đó còn là giây phút khó quên khi các em nhận bằng, dù nói rất khó khăn nhưng vẫn khoanh tay đồng loạt: “Chúng em cảm ơn thầy Việt Dũng (kỹ sư Trần Phan Việt Dũng, trưởng ban trung học chuyên nghiệp Trường ĐH Văn Lang, nơi tổ chức chương trình), cảm ơn chương trình”.

Và đó còn là cái ôm của thầy chúc mừng trò sau khi vượt qua chặng đường gian nan trong học tập.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

 

Kênh Tuyển Sinh

Theo: báo Tuổi trẻ