>> Tuyển sinh > Điểm thi tốt nghiệp 2014 > điểm thi

Ngày 8-6, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức Hội thảo “Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam” với sự tham dự của đại diện nhiều trường ĐH cả trong và ngoài nước.

Nhiều hạn chế trong đầu tư đại học tại Việt Nam

Tại hội thảo, GS-TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu bật lên những thách thức của giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong đó, khó khăn lớn nhất phải kể đến là nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn rất thấp, chi phí đơn vị trên mỗi sinh viên bình quân mỗi năm chưa tới 500 USD. Con số này so với các nước trong khu vực còn quá khiêm tốn, dẫn tới nhiều hệ lụy trong việc tạo điều kiện phát huy năng lực sáng tạo của sinh viên.

Nhiều ý kiến cho rằng những yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam còn nằm ở chỗ chất lượng của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là những nơi xa trung tâm còn rất kém, số lượng giờ giảng dạy còn nhiều nên không có thời gian cho nghiên cứu khoa học, trình độ ngoại ngữ còn yếu…

Nhiều hạn chế trong đầu tư đại học tại Việt Nam

Nhiều hạn chế trong đầu tư đại học tại Việt Nam

Để đẩy nhanh tốc độ hội nhập quốc tế, GS-TSKH Bùi Văn Ga đề nghị các trường cần chủ động tạo mọi điều kiện cần thiết để trao đổi sinh viên và giảng viên, tăng cường trao đổi học thuật với các nước trong khu vực và quốc tế. Thứ trưởng Ga cho biết bộ đang phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương xây dựng khung trình độ quốc gia, hoàn thiện nghị định phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, có chính sách thu hút các nhà khoa học, giảng viên ở nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 7-6, hội thảo “Mô hình đại học phi lợi nhuận” do Trường ĐH Hoa Sen tổ chức cũng thu hút hơn 150 chuyên gia, giảng viên tham dự. Các chuyên gia đã phân tích khái niệm, mô hình của một đại học tư thục “phi lợi nhuận – non-profit” hay cũng gọi là “không vì mục tiêu lợi nhuận – not for profit” và “vì mục tiêu lợi nhuận – for profit” đang tồn tại trên thế giới.

Các đại biểu cho rằng, sẽ phải tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo với nhiều đối tượng khác nhau để tìm kiếm một giải pháp cân bằng về quyền lợi và sự lựa chọn mô hình mà một trường đại học tư thục nên theo đuổi, nhất là khi quy định của Luật giáo dục đại học mới năm 2013 ghi rõ trần cổ tức chỉ bằng lợi nhuận của trái phiếu chính phủ và không cho phép chia thưởng từ lợi nhuận do trường mang lại mà phải tái đầu tư hoàn toàn vào hoạt động giáo dục.

Theo Báo NLĐ