>> Giáo dục, tuyển sinh, đào tạo, tuyển sinh đại học

Theo Tổng cục Dạy nghề, dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ xây dựng 40 trường nghề chất lượng cao. Từ năm học này sẽ đào tạo một số ngành nghề theo tiêu chuẩn ASEAN và chuẩn quốc tế

Theo đề án của Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH vừa được công bố, việc xây dựng trường nghề chất lượng cao (CLC) sẽ tập trung vào 2 yếu tố là trang thiết bị và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường nghề, một yêu cầu cơ bản cần phải thay đổi là chương trình đào tạo nghề hiện nay đang có quá nhiều vấn đề lại chưa được nhắc đến.

Cấp độ ASEAN

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, tạo môi trường hội nhập, theo ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, trong chiến lược dạy nghề từ nay đến năm 2020 sẽ có 30 nghề cấp độ ASEAN được chọn để đào tạo.

Trước mắt, năm 2013, chuyển giao 12 nghề cấp độ quốc tế, 4 nghề cấp độ ASEAN. Các nghề được lựa chọn từ các chương trình tiên tiến nhất của các nước trong khu vực và quốc tế để chuyển giao, đào tạo giáo viên. Như thế, bằng cấp sẽ được công nhận không chỉ trong khu vực mà còn cả quốc tế, tạo điều kiện cho lao động có đủ năng lực để làm việc trong nhiều môi trường khác nhau.

đào tạo trường nghề

Học viên thực hành trên máy tại Khoa Điện tử Trường Trung cấp Kỹ thuật Hùng Vương

Tại TP HCM, Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương - 1 trong 40 trường được chọn đào tạo nghề CLC - cũng đang trong quá trình đào tạo một số ngành nghề theo chuẩn ASEAN. Ông Nguyễn Đắc Hiển, trưởng phòng đào tạo, cho biết trường đã có 9 giáo viên được cử đi học ở Hàn Quốc và Thái Lan, đồng thời tổ chức mua sắm trang thiết bị để học viên có điều kiện thực hành. Ba ngành trọng điểm được chọn đào tạo là cắt gọt kim loại, cơ điện tử, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí.

“Để nâng cao hiệu quả đào tạo, đầu vào các ngành theo chuẩn ASEAN cũng phải tăng so với các ngành khác. Cụ thể, tiêu chí xét tuyển phải là tốt nghiệp lớp 12 loại khá, có điểm bình quân 2 môn toán, lý trên 7 và yêu cầu nghiêm ngặt về sĩ số, mỗi lớp chỉ 18-20 học viên” - ông Hiển cho biết.
Theo ông Hiển, hiệu quả rõ rệt nhất là những học viên này đã được các doanh nghiệp đặt hàng ngay sau khi tốt nghiệp. Mới đây, học viên duy nhất của cả nước đã được chọn đi thi hội thi tay nghề giỏi trên thế giới.

Bắt đầu từ năm nay, Trường CĐ Nghề TP HCM cũng sẽ tổ chức đào tạo 3 ngành kỹ thuật, gồm: máy lạnh - điều hòa không khí, kỹ thuật lắp đặt điện - điều khiển trong công nghiệp và cắt gọt kim loại theo chuẩn ASEAN.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Ngọc Phi, các trường nghề Việt Nam sẽ tuyển sinh, đào tạo thí điểm 8 nghề theo chuẩn quốc tế: Điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn và khu vực, thiết kế sản phẩm mộc, kỹ thuật xây dựng... Muốn vậy, các trường cần nâng cao chất lượng dạy nghề, thực hiện đổi mới toàn diện công tác dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chương trình quá nặng

Theo đề án xây dựng trường nghề CLC, TP HCM sẽ có 14 trường thực hiện. Hiệu trưởng một trường nghề tại quận 1 cho rằng xây dựng trường nghề CLC trong bối cảnh hội nhập là cần thiết nhưng bên cạnh đầu tư về trang thiết bị, giáo viên thì yếu tố chương trình phải được đặt lên hàng đầu.
Chương trình khung về đào tạo nghề hiện nay vẫn còn quá cứng nhắc, không hợp lý. 70% chương trình khung chỉ còn khoảng 20% là phù hợp. Bộ dành cho các trường 30% để tự quyết định đào tạo theo modun nhưng tỉ lệ đó chẳng ăn thua gì. Điểm yếu nhất của các kỹ sư Việt Nam khi ra trường là nói được nhưng làm không được. Vì vậy, tại sao không tăng cường thời gian thực hành nghề, vừa tránh lãng phí máy móc vừa giúp các em ra trường là đi làm được ngay mà không phải đào tạo lại như các doanh nghiệp bấy lâu vẫn kêu ca? Ví dụ, ở môn vẽ, thay vì yêu cầu các em vẽ hình trụ, hình tròn, sao không yêu cầu các em vẽ thẳng cái lốp ô tô? Như vậy vừa thực tế lại vừa có ích” - vị hiệu trưởng này phân tích.

Trong khi đó, theo TS Horst Sommer, Giám đốc chương trình Hợp tác Việt - Đức về đào tạo nghề Việt Nam, một trong những nguyên nhân tạo nên tính hấp dẫn trong đào tạo nghề theo mô hình nước Đức là sự tương hợp cao giữa yêu cầu thị trường lao động và bức tranh dạy nghề; sự kết hợp tương đối chặt chẽ giữa lý thuyết, đào tạo trong trường và đào tạo thực hành tại xí nghiệp. Tại Đức không có chương trình khung quốc gia về đào tạo nghề.

Đức, tiêu chuẩn nghề nghiệp do các khối đại diện doanh nghiệp, nghề nghiệp quy định. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để nghĩ rằng chỉ cần tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trang thiết bị dạy nghề thì sẽ cải thiện được bức tranh của các trường nghề mà quên rằng còn cần nhiều yếu tố khác, như thay chất đội ngũ giáo viên, tăng cường thời gian thực hành cho người học tại các doanh nghiệp, thực hành ở các vị trí sẽ làm việc trong tương lai... Do vậy, tiêu chí quan trọng nhất khi phía Đức hợp tác với các trường nghề tại Việt Nam là trường này phải hợp tác với doanh nghiệp nào đó, đồng thời cán bộ - giáo viên sử dụng những phương tiện giảng dạy phù hợp” - TS Horst Sommer nhấn mạnh.

Tiêu chí trường nghề chất lượng cao

Theo Vụ Kế hoạch tài chính, trường nghề CLC ngoài việc đạt các tiêu chí kiểm định chất lượng còn phải có ít nhất 5 nghề trọng điểm để đào tạo, trong đó tối thiểu 3 nghề cấp độ ASEAN và quốc tế. Quy mô đào tạo tối thiểu 1.000 học sinh, sinh viên; tuyển sinh tối thiểu 50 học sinh, sinh viên vào các nghề trọng điểm/năm. Ngoài ra, phải có hệ thống bảo đảm chất lượng do tổ chức City & Guilds (Anh Quốc) công nhận; ít nhất 90% học sinh, sinh viên có việc làm trong 3 tháng kể từ khi tốt nghiệp; mức lương khởi điểm bình quân sau khi tốt nghiệp ít nhất bằng 2 lần lương tối thiểu mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động.

Theo Đặng Trinh, NLĐ