Hoan nghênh việc chấn chỉnh đào tạo thạc sĩ của Bộ GDĐT

Trao đổi với chúng tôi, GS-TS Võ Tòng Xuân bày tỏ nhiều cảm xúc trước thông tin Bộ GDĐT ra quyết định dừng tuyển sinh đối với 161 cơ sở đào tạo thạc sĩ (ThS).

Là nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học gần 50 năm trong nghề, với rất nhiều công trình khoa học trong và ngoài nước đã được áp dụng trong thực tế và nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế, đào tạo hàng chục thạc sĩ (ThS) và tiến sĩ (TS), và từng kinh qua cương vị lãnh đạo hai trường đại học Cần Thơ, An Giang, vì thế hơn ai hết, GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng ĐH Tân Tạo (Long An) - hiểu và trăn trở với thực trạng đau lòng: “Trình độ giả bên trong bằng cấp thật” đối với người có bằng cấp, nhất là bằng cấp ThS.


Chương trình đào tạo sau đại học tại Việt Nam còn nhiều nhiêu khê

Chương trình đào tạo sau đại học ( thạc sĩ)  tại Việt Nam còn nhiều nhiêu khê

Hình minh họa, nguồn Internet

* Với tư cách là nhà giáo dục, GS tiếp nhận thông tin tạm dừng tuyển sinh Thạc sĩ đối với 161 cơ sở đào tạo như thế nào?

- Trước hết là tôi rất mừng vì điều này như chiếc phanh dừng con tàu giáo dục đang có nguy cơ lao lệch đường ray kịp đứng lại trước khi rơi xuống vực. Nhìn trên tổng thể, việc đào tạo sau đại học nói chung, ThS nói riêng, ở Việt Nam đang rất nhiêu khê.

* Xin GS nói rõ hơn?


- Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là chất lượng của các bằng cấp ThS của ta hiện nay. Không kể đến chuyện yếu về tin học và ngoại ngữ, mà ngay đến kiến thức chuyên ngành cũng hạn chế trong những người có bằng cấp ThS. Đó là vì mỗi cơ sở giáo dục được bộ cho đào tạo sau đại học, ít nơi nào có đủ lực lượng chuyên môn để dạy các môn học cấp sau đại học (khoa sau đại học).

Mỗi học viên ThS cũng hiếm có được một hội đồng sau đại học của riêng mình để hướng dẫn xuyên suốt, từ khâu thiết kế chương trình học và chương trình nghiên cứu đúng theo phương pháp quốc tế, cho đến cung cấp trang thiết bị và hướng dẫn nghiên cứu đến nơi đến chốn như nhiều quốc gia tiên tiến đã và đang áp dụng có hiệu quả.

Mặt khác, ở một số cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ ở nước ngoài, nếu trong khoa không có dạy môn học cần thiết cho người theo học ThS, thì giáo sư hướng dẫn giao cho sinh viên đọc cả quyển sách tham khảo về môn học, và sinh viên sẽ báo cáo nội dung kiến thức đó. Như thế chương trình học mà hội đồng hướng dẫn đã vạch ra được thực hiện đầy đủ, đến khoảng giữa kỳ, thường là sau 1,5 năm sinh viên phải qua cuộc sát hạch bởi các thành viên hội đồng hướng dẫn. Đây là một “comprehensive examination” (cuộc thi hiểu biết chuyên môn) sinh viên cần phải đậu, trước khi kết thúc các nghiên cứu của đề tài luận văn tốt nghiệp.

Trái lại, trong các cơ sở của ta, cả giáo sư và thí sinh đều ít khi nghiên cứu một quyển sách tham khảo thay cho môn học bị thiếu vì không ai dạy. Thí sinh thường bị “bỏ rơi” tự tìm tòi học hỏi, ai biết rành ngoại ngữ thì đọc, không thì thôi. Chính đây là khâu yếu của cách đào tạo ThS của nhiều cơ sở của ta.

Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, sinh viên phải thực hiện các thí nghiệm, hoặc điều tra khảo sát thực tế để thu thập số liệu. Có đề tài cần phải tham khảo nhiều tài liệu đã xuất bản, nhưng thư viện nhiều trường không có kinh phí để mua dài hạn những cơ sở dữ liệu. Thậm chí ở nơi có mua, thì sinh viên lại không đủ ngoại ngữ để tìm và đọc các tài liệu này. Trong khi đó chương trình học bắt buộc sinh viên phải có 2-3 bài báo cáo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học của ngành, nhưng trên thực tế quy định này cũng không bảo đảm chân thật, vì tác giả có thể chi tiền để bài báo được đăng mặc dù nội dung khoa học chưa đạt chuẩn.

Thú thật, khi nhận lời phản biện cho một công trình nghiên cứu ThS, tôi chấp nhận phải mất nhiều thời gian để chỉnh sửa cho thí sinh sau buổi bảo vệ luận án, vì trong thực tế nhiều luận văn không đạt chuẩn khoa học quốc tế cả về nội dung và về hình thức trình bày bài báo cáo khoa học, nhất là cách tham khảo tài liệu, cách phân tích số liệu theo thống kê.

* Theo GS, vì sao có tình trạng này?


- Trước hết xuất phát từ xu thế của xã hội sính bằng cấp. Và hệ lụy là người người, nhà nhà đổ xô đi kiếm bằng cấp cao để giữ việc và để có cơ hội thăng tiến. Có cầu thì có cung. Theo đó, các trường tìm cách “bung ra”, vì thế mới nảy sinh chuyện đau lòng: Nhiều trường không đủ chuẩn tối thiểu về giảng viên cơ hữu có trình độ quốc tế trong ngành mà vẫn tuyển sinh, vẫn đào tạo và cấp bằng.

Bộ GDĐT quan tâm kiểm soát đầu vào, nhưng đầu ra thì hoàn toàn giao cho hội đồng bảo vệ luận án. Nhưng thực tế cho thấy các hội đồng này là những “tụ điểm hữu nghị”. Nhiều hội đồng có mặt vài thành viên không chuyên sâu về vấn đề khoa học mà đề tài luận văn đang đề cập, nhưng họ được đề nghị làm thành viên vì được biết chắc chắn là họ sẽ bỏ phiếu... thuận.

* GS đánh giá thế nào về quyết định này và theo GS, cần làm gì để chất lượng đào tạo sau đại học được củng cố và phát triển ngang tầm khu vực và thế giới?


- Quyết định dừng tuyển sinh 161 cơ sở đào tạo ThS của Bộ GDĐT tuy trễ, nhưng cần thiết để chấn chỉnh lại các chương trình giáo dục sau đại học theo hướng chất lượng và khoa học. Tuy nhiên, để chất lượng đào tạo của ta dễ dàng hội nhập với quốc tế, đồng thời cho ra trường những người có kiến thức căn cơ và chuyên sâu về ngành đào tạo và có kỹ năng nghiên cứu khoa học ngang tầm quốc tế có thể đưa ra những phát minh, giải pháp khoa học mới cho nhân dân và nhân loại, theo tôi, tới đây Bộ GDĐT cần thiết kế lại quy trình đào tạo ThS và TS theo chuẩn hiện đại cả về nội dung chương trình và hình thức thực hiện để các trường và cơ sở đào tạo. Song song đó, bộ cũng cần ban hành quy trình kiểm tra, kiểm soát và giám sát thật sự khoa học cả đầu vào lẫn đầu ra để đảm bảo mỗi bước thực hiện đào tạo sau đại học nói chung, ThS nói riêng thật nghiêm túc, không vị nể, qua loa, xuề xòa, hữu nghị

- Xin cảm ơn GS!

Theo Báo Lao Động