Đánh giá học sinh tiểu học theo cách mới: Tránh câu hỏi vận dụng nhạy cảm
Buổi tập huấn dạy học phát triển năng lực, kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 25/10, nhằm hướng dẫn các giáo viên tiểu học cách dạy học hai môn Toán-Tiếng Việt theo Thông tư 22.
Hướng dẫn cách dạy học đánh giá năng lực môn Toán, ông Trần Diên Hiển, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi đánh giá năng lực của học sinh qua một chủ đề nào đó cần xác định chuẩn kiến thức và kĩ năng học sinh cần đạt được sau chủ đề đó. Xác định những lĩnh vực trong cuộc sống mà học sinh có cơ hội vận dụng và phát huy rồi cụ thể hóa thành các tình huống. Vì vậy trong công tác đánh giá năng lực môn Toán của học sinh cần thực hiện qua hai bước là đánh giá kiến thức và kĩ năng của học sinh qua chủ đề của môn học; Thiết kế các tình huống trong cuộc sống yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức và kĩ năng để xử lý.
Ông Hiển hướng dẫn, khi học về đếm và so sánh các số trong phạm vi 20 (lớp 1) giáo viên tạo ra tình huống để học sinh vận dụng vào cuộc sống như Nhà em có tất cả…phòng, trong đó có…phòng nhủ. Các phòng còn lại là …. Theo ông câu hỏi này có khả năng vận dụng phép đếm đến 20 trong cuộc sống hằng ngày, thấy được ý nghĩa của phép đếm trong gia đình và cộng đồng…
Ở lớp 2, khi học về so sánh và tính toán các số đo thời gian, giáo viên có thể tạo ra tình huống để học sinh vận dụng vào cuộc sống như Em hãy ghi lần lượt các thành viên trong gia đình; Em hỏi tuổi từng người rồi ghi lần lượt tuổi mỗi người theo thứ tự…; Trong gia đình em……là người nhiều tuổi nhất. Hai người đó hơn kém nhau…tuổi.
Một giáo viên ở Tân Phú cho rằng, cô hoàn toàn đồng ý với những câu hỏi thực tế vì những câu hỏi này giúp các em đi từ kiến thức tới thực tế. Nhưng cần cân nhắc nhưng bài toán mang tính chất nhạy về gia đình riêng của các em.
“Với câu hỏi Nhà em có tất cả…phòng, trong đó có…phòng ngủ. Cá nhân tôi vừa chuyển tới một khu nhà trọ mới và có rất nhiều học sinh. Vậy với những em phải ở nhà trọ thì như thế nào. Các em sẽ làm như thế nào. Hay câu hỏi trong gia đình em có mấy người, với những gia đình trọn vẹn không sao nhưng có những em sẽ kể rằng em sống với ông bà ngoại vì bố đi tù, mẹ lấy chồng khác”
Theo cô, dù những câu hỏi này vận dụng rất hay nhưng phải lưu ý những vấn đề nhạy cảm, vì chắc chắn có nhiều học sinh sẽ bị tổn thương.
Ngoài ra, cô cũng lưu ý, đối với môn Tiếng Việt cần sử dụng từ như thế nào để học sinh tiếp cận được những kiến thức phong phú, tránh khuôn mẫu, nhưng tránh đưa ra những câu hỏi để học sinh trả lời ngô nghê, hồn nhiên.
Giáo dục
Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-theo-cach-moi-tranh-cau-hoi-van-dung-nhay-cam-336000.html