>> Luật giáo dục ĐH và những điểm mấu chốt

Luật Giáo dục ĐH mới được Quốc hội thông qua, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm tới nhưng đại diện nhiều trường ngoài công lập lo rằng một số quy định của luật này sẽ khiến họ thêm rối khi áp dụng.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định hiện các trường ĐH ngoài công lập bị chi phối bởi hàng loạt quy chế, chính sách quản lý mà trong đó, không ít chủ trương bất hợp lý gây khó khăn khi thực hiện. Luật Giáo dục ĐH 2012 hy vọng sẽ giúp các trường tháo gỡ những khó khăn này. Thế nhưng, không ít trường ngoài công lập đang rất lo lắng khi luật đi vào thực tế.

Vướng tài sản chung

Theo chủ tịch HĐQT của một trường thuộc khối ĐH, CĐ tư thục tại TPHCM, trường này đã hoàn tất việc chuyển sang tư thục theo đúng quy định. Sau khi chuyển đổi, trường liên tiếp xảy ra mâu thuẫn nội bộ, một thời gian dài mới bầu được HĐQT. Đến nay, mâu thuẫn nội bộ vẫn âm ỉ, kìm hãm sự phát triển của trường. Nguyên nhân là do các quy định về quyền sở hữu tài sản từ trước tới nay không minh bạch.

 

Đại học tư thục, đại học dân lập, trường đại học tư thục

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - một trong những trường ĐH dân lập đã chuyển sang tư thục - trong giờ học.


Năm 2009, Quyết định 61/2009/QĐ-TTg về quy chế tổ chức và hoạt động của trường tư thục được ban hành, trong đó nêu: “Tài sản của các trường ĐH tư thục được hình thành từ vốn góp của các cổ đông thuộc sở hữu tư nhân của tổ chức, cá nhân góp vốn theo số lượng cổ phần. Tài sản do biếu, tặng, cho, tài trợ hoặc tăng thêm nhờ kết quả hoạt động của trường thuộc sở hữu chung của trường ĐH tư thục”.

Sau đó, Quyết định 63/2011/QĐ-TTg giải thích rõ hơn về tài sản chung, trong đó có vốn sở hữu chung hợp nhất không phân chia - là tài sản từ ĐH dân lập chuyển sang nhưng lại được chia thành cổ phần để tính cổ tức.“Chính quy định này đã gây rắc rối bởi tài sản chung bao gồm cả cơ sở vật chất nhưng chia thành cổ phần để tính cổ tức thì làm sao tính được? Tài sản chung không phải là vốn để chia lãi. Vì quy định này, mâu thuẫn lợi ích càng tăng lên” - vị chủ tịch HĐQT nêu trên nói.

Ngoài ra, Quyết định 63 yêu cầu có người đại diện cho tài sản chung hợp nhất không phân chia của trường ĐH dân lập chuyển sang, do những người góp vốn và đại diện cán bộ cơ hữu bầu ra. Người này được tham gia đại hội cổ đông và có quyền biểu quyết theo đa số. Do vậy, lại nảy sinh mâu thuẫn trong việc bầu ai là người đại diện bởi người đại diện cho tài sản chung sẽ có quyền quyết định cao nhất vì số phiếu biểu quyết tương ứng với số cổ phần của tài sản chung là rất lớn so với cổ phần cá nhân.

Những bất cập của các quy chế đang áp dụng đã khiến việc chuyển đổi từ loại hình dân lập sang tư thục ở nhiều trường gặp bế tắc. Đến nay, sau 5 năm, chỉ có 3/19 trường ĐH dân lập chuyển đổi thành công sang tư thục theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 7-2007. Những trường ĐH dân lập chưa chuyển đổi còn lại hiện đang loay hoay hoạt động mà không theo một quy chế nào (Luật Giáo dục không có mô hình ĐH dân lập).

Nản lòng nhà đầu tư

Những bất cập của các quy chế trước đây chưa được giải quyết thì Luật Giáo dục ĐH dự kiến áp dụng vào thực tế trong năm tới lại khiến nhiều trường tư thục rối bời. Luật quy định thành viên HĐQT bao gồm đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định, hiệu trưởng, đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục ĐH có trụ sở, đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể, đại diện giảng viên.

Theo GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long, Luật Giáo dục ĐH quy định đại diện chính quyền địa phương trong HĐQT của trường nhưng không thấy ghi rõ cấp nào, các cấp này có sự am hiểu về giáo dục ĐH hay không. Việc đưa một đại diện của chính quyền địa phương vào HĐQT sẽ gây nhiều rối loạn vì người này có thể không hiểu về các hoạt động của nhà trường để tham gia biểu quyết những vấn đề phát triển của trường. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng nhân lực am hiểu quản lý giáo dục ĐH, đại diện chính quyền địa phương tham gia vào bộ máy quản lý của các trường ở đâu cho đủ khi có hàng chục trường ĐH, CĐ ngoài công lập trên cùng trên một địa bàn như Hà Nội hoặc TPHCM?

Chủ tịch HĐQT của một trường tư thục tại TPHCM cho rằng Luật Giáo dục đại học quy định HĐQT có 6 người, trong đó chỉ 1 người đại diện cho các tổ chức, cá nhân có cổ phần đóng góp thì việc nắm cổ phần chẳng còn giá trị nữa vì HĐQT bỏ phiếu theo đa số. Luật Giáo dục ĐH cũng nêu HĐQT của trường tư thục quyết định tất cả mọi vấn đề quan trọng nhưng với thành phần HĐQT như vậy, rõ ràng người góp vốn không có quyền hạn gì đáng kể. “Vậy thì có ai dám bỏ vốn để xây dựng và phát triển trường? Chủ trương xã hội hóa giáo dục liệu có thực hiện được?” - vị này băn khoăn.

PGS-TSKH Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cho rằng khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực sẽ cần thêm một số nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết hơn, tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện và giúp hoạt động giáo dục được công khai, minh bạch.

“Việc đưa một đại diện của chính quyền địa phương vào HĐQT để trông nom tài sản chung sẽ gây nhiều rối loạn vì người này có thể không hiểu các hoạt động của nhà trường để tham gia biểu quyết về đường lối đưa trường đi lên” - GS Hoàng Xuân Sính.

Những tin tức được quan tâm nhiều nhất:

Du học anh, Du học Mỹ, tuyển sinh, tuyển sinh 2013, trường quốc tế, cao đẳng quốc tế, điểm thi đại học 2013, diem thi dai hoc, tieng anh, học tiếng anh

Kênh Tuyển Sinh