>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, học đường

Vừa qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức buổi Hội thảo giới thiệu mô hình ĐH sáng tạo - một trong các giải pháp quan trọng giúp nhà trường nhanh chóng hội nhập vào nền giáo dục ĐH của thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong giai đoạn mới. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, mô hình ĐH sáng tạo có thể là mô hình đào tạo phù hợp với chủ trương đa dạng hóa mô hình trường ĐH theo quy định của Luật Giáo dục ĐH.

Hình dung về mô hình ĐH sáng tạo

Theo các chuyên gia, mô hình ĐH sáng tạo ra đời tại Phần Lan, sau đó được nhân rộng ra các nước Mỹ, Anh và châu Âu. Nó xuất phát từ sự hợp tác giữa các trường ĐH với các doanh nghiệp trong việc gắn liền nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất. ĐH sáng tạo được hình thành và phát triển do nhu cầu đổi mới giáo dục ĐH để đáp ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức, mở rộng phương thức đào tạo mới.


“ĐH sáng tạo” được hình thành cùng với sự ra đời ĐH Aolto năm 2010 tại thủ đô Helsinki là kết quả của việc sát nhập tự nguyện của 3 ĐH lớn và lâu đời của Phần Lan trong các ngành thiết kế, công nghệ và kinh doanh. Bằng tinh thần “cởi mở, phóng khoáng, không thành kiến, sẵn sàng tiếp thu cái mới và phá vỡ những rào cản” ĐH sáng tạo là cây cầu lấp khoảng cách giữa các học viện và doanh nghiệp, sản sinh ra những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng phù hợp hơn với những nhu cầu của kỹ nghệ và kinh doanh. Họ sẽ làm việc trong môi trường tương tác toàn cầu được trang bị bởi những thiết bị công nghệ mới nhất.

Một nhóm nghiên cứu gồm các hiệu trưởng, giáo sư đầu ngành và lãnh đạo các công ty Phần Lan đã liên kết những trường ĐH hàng đầu trên thế giới để xây dựng hình mẫu cho ĐH sáng tạo. Ngay cả Ấn Độ cũng định hướng giai đoạn 2010-2020 là “thập kỷ đổi mới sáng tạo quốc gia” và tháng 4 vừa qua, Chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch thành lập 14 trường ĐH sáng tạo. Hiện nay, Dự án ĐH sáng tạo đang được nhiều nước quan tâm và triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo quốc gia trong cải tổ hệ thống giáo dục ĐH.

Các chuyên gia cho rằng ĐH sáng tạo được xem như hình mẫu cho ĐH tinh hoa trong thời đại công nghệ thông tin và kinh tế tri thức. Nếu như tài chính của mô hình ĐH nghiên cứu chủ yếu do Nhà nước cấp và một phần từ các tập đoàn, nhà đầu tư thì ở ĐH sáng tạo, ngân sách được huy động từ nhiều nguồn (từ các hoạt động đổi mới sáng tạo), quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ cho đổi mới sáng tạo.

Điểm nổi bật ở ĐH sáng tạo chính là phát triển cơ sở hạ tầng trên nền tảng công nghệ thông tin, không cần đầu tư nhiều vào phòng ốc, phòng thí nghiệm, thay vào đó tập trung cho phát triển thư viện số, giảng đường ảo, liên kết với các ĐH khác cùng chia sẻ cơ sở hạ tầng. Điều này hoàn toàn ngược lại với ĐH nghiên cứu, chủ yếu đầu tư các phòng thí nghiệm, thư viện, phòng ốc, đất đai. ĐH sáng tạo thu dụng người tài giỏi theo các tiêu chí tuyển chọn phi truyền thống, coi trọng khả năng giải quyết vấn đề, tính sáng tạo, kết quả hoạt động thực tiễn...

Với giáo dục hiện tại, dường như chỉ có các ĐH tinh hoa (nghiên cứu) mới đáp ứng một phần nhân lực cho nền kinh tế tri thức và sáng tạo. Để gia tăng nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng phát triển tri thức và sáng tạo, giáo dục ĐH đương đại cần chuyển từ giáo dục ĐH cho đại chúng thành giáo dục ĐH sáng tạo cho đại chúng.

Mô hình này là một khái niệm còn khá mới mẻ trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với sự thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế xã hội, việc áp dụng mô hình này vào chương trình đào tạo ở bậc ĐH của nước ta là cần thiết. Mô hình ĐH sáng tạo nhằm đổi mới và tăng trưởng giáo dục ĐH Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý; tăng khả năng gắn kết với doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư, hình thành các liên kết giữa ĐH và doanh nghiệp; tăng cường hội nhập quốc tế để ngành GD Việt Nam nhanh chóng đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong đào tạo.

Điều kiện để hình thành ĐH sáng tạo

giáo dục đại học

Muốn phát triển theo mô hình ĐH sáng tạo cần phải có những đổi mới trong 3 vấn đề: nghiên cứu, dạy và học và chuyển giao kiến thức

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, để thực sự là một trường ĐH sáng tạo, thì đòi hỏi những chủ thể của trường như lãnh đạo, giảng viên, giáo viên, học sinh - sinh viên, đều là những con người có tư duy sáng tạo. Chủ đề sáng tạo phải tạo được sự lan tỏa và thấm vào tất cả các hoạt động của trường. Nói đơn giản, ĐH sáng tạo là nơi hội tụ những con người có tư duy sáng tạo, từ những tư duy sáng tạo này nó sẽ tạo nên một năng lực mạnh mẽ, để hình thành một trường ĐH sáng tạo có vị thế vững vàng trong khu vực.

Giáo sư Nguyễn Lộc, Viện phó Viện khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng các trường muốn phát triển theo mô hình ĐH sáng tạo cần phải có những đổi mới trong 3 vấn đề: nghiên cứu, dạy và học và chuyển giao kiến thức. Trong đó, các trường ĐH sáng tạo không coi mình là nguồn duy nhất tạo ra phát minh và sáng tạo mà phải tìm kiếm đối tác chiến lược, tương tác chặt chẽ với các nhà sản xuất kiến thức khác.

Về dạy và học, các trường phải thực hiện bước nhảy từ đào tạo chuyên gia về môn học sang đào tạo người lao động có chuyên môn nghề nghiệp. Việc chuyển giao kiến thức được ví “như là một trò chơi, trong thời gian đó quả bóng di chuyển liên tục giữa các cầu thủ, và trong thời gian đó các cầu thủ phải hợp tác mới có thể giành được chiến thắng”.

Có thể ứng dụng vào giáo dục ĐH Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, mô hình ĐH sáng tạo thực chất cũng là ĐH nghiên cứu nhưng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên nền tảng công nghệ thông tin. Với chương trình đào tạo mềm dẻo, mô hình ĐH sáng tạo có thể phát huy tác dụng tích cực trong mối quan hệ về GD&ĐT được quy định trong Luật Giáo dục ĐH.

Khi Luật Giáo dục ĐH được áp dụng vào thực tế, các trường được tự chủ lựa chọn chương trình đào tạo, không theo chương trình khung như trước đây. Bộ chỉ quy định và kiểm soát chuẩn đầu ra. Với chương trình đào tạo mềm dẻo, mô hình ĐH sáng tạo có thể phát huy tác dụng tích cực trong mối quan hệ về giáo dục và đào tạo được quy định trong Luật Giáo dục ĐH.

Việc xây dựng các trường ĐH của nước ta để trở thành những ĐH đào tạo đa ngành, theo hướng ứng dụng, cũng như củng cố chất lượng đào tạo kỹ thuật viên tại các trường ĐH, CĐ hiện nay không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc phát triển các trường ĐH theo định hướng nghiên cứu là một thử thách rất lớn. Để đưa các trường này vào quỹ đạo phát triển ĐH nghiên cứu thì việc đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học trong trường là yêu cầu không thể thiếu.

Do đó, mô hình giáo dục ĐH sáng tạo, mô hình giáo dục ĐH trong kỷ nguyên mới cần phải gắn việc đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở giáo dục với cơ sở nghiên cứu khoa học, gắn nhà trường với doanh nghiệp để tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng ĐH sáng tạo là một mô hình rất mới. Lâu nay chúng ta chỉ có ĐH nghiên cứu, ĐH theo hướng ứng dụng, các trường CĐ đào tạo nghề nghiệp. Việc đầu tư cho các trường ĐH nghiên cứu lại hết sức tốn kém, các nước đang phát triển như chúng ta rất khó có thể hình thành được những ĐH nghiên cứu thực sự.

Mô hình ĐH sáng tạo mà thực chất cũng là ĐH nghiên cứu nhưng đầu tư ở mức độ thấp hơn (nhờ vào nền tảng công nghệ thông tin cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ như sử dụng các thư viện điện tử, chia sẻ các nguồn tài nguyên, tạo điều kiện kết nối qua Internet)... giúp giảm đi sự tốn kém thường gặp đối với các trường ĐH nghiên cứu trước đây. Vì vậy, mô hình này có thể rất thích nghi với nước ta khi muốn phát triển các ĐH nghiên cứu.

Theo Nguyễn Vinh Quang, GDTĐ