Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

hoc phi dai hoc

Gánh nặng chi phí ĐH sẽ thêm lo lắng cho sinh viên

 

Tại Hội thảo Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập do Bộ Tài chính phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP tổ chức ngày 29/11/2011 tại Hà Nội, hàng loạt ý kiến đóng góp của các trường ĐH đã tập trung vào vấn đề mức học phí hiện nay.

 

GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM phân tích: trong tài chính, giáo dục ĐH có một số chỉ số rất cơ bản nhằm đảm bảo cho chất lượng đào tạo là mức đầu tư cho một sinh viên (SV) trong một năm, ở Việt Nam quen gọi là “suất đầu tư”, với thế giới thì thường được biểu thị qua một chỉ số gọi là “chi phí đơn vị” (CPĐV) - chi phí bình quân cho một SV trong một năm. Năm 2009, ước tính, CPĐV ở ĐH công lập Việt Nam vào khoảng 500 - 550 USD/SV; trong khi đó, mức tiền này ở Mỹ là 22.000 USD, Đài Loan là 7.000 USD… Sự chênh lệch này, dẫn tới hiệu quả yếu kém trong chất lượng đào tạo ĐH ở Việt Nam. “Ngày nay, không thể nói chất lượng sản phẩm của tôi tương đương với anh nhưng giá thành chỉ bằng 1/5 hay 1/3”, GS Phụ nhấn mạnh. Vì vậy, GS Phụ cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chi phí đầu tư cho SV, học phí ở ĐH công lập bình quân sẽ phải tăng lên hơn ba lần so với hiện nay. Ông Phụ lưu ý, tăng học phí là một hoạt động nhằm thực hiện “xã hội hóa về quản lý giáo dục ĐH”, giảm bớt tỷ lệ ngân sách nhà nước và tăng quyền tự chủ cho các trường đại học.

 

Đề xuất tăng học phí của các trường ĐH đã nhận được sự ủng hộ từ phía Bộ Tài chính. TS Nguyễn Trường Giang - Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo, được áp dụng đồng đều cho tất cả các học sinh nhập học dẫn đến tình trạng “cào bằng”, không có sự phân biệt giữa học sinh gia đình nghèo, có thu nhập thấp với học sinh gia đình trung lưu có thu nhập cao. “Điều này dẫn đến một thực tế là chính sách học phí thấp của chúng ta đang trợ cấp ngược cho người giàu”, TS Giang bức xúc.

 

Hầu hết lãnh đạo của các trường ĐH đều cho rằng, tăng học phí còn là một giải pháp giúp tăng cường quyền tự chủ cho các trường. Với mức thu “lạc hậu” như hiện nay, dù trao quyền tự chủ đến mấy thì các trường ĐH cũng không thể thực hiện.

 

PGS-TS Trần Xuân Hải - Học viện Tài chính cho rằng, việc tăng học phí sẽ giúp các trường ĐH công lập có quyền tự quyết hơn trong việc xây dựng chương trình riêng, được phép giữ lại một phần nguồn thu để sử dụng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo đầu ra một cách đúng hướng hơn. Cũng theo ông Hải, Chính phủ nên cho phép các trường ĐH công lập căn cứ vào chất lượng đào tạo, thương hiệu và uy tín đối với xã hội của từng trường, từng chuyên ngành đào tạo để có quy định về mức thu học phí khác nhau.

 

Là một trong năm trường được Bộ Giáo dục và đào tạo giao nhiệm vụ thí điểm thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2005, GS-TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương bộc bạch: “Thực chất, cái gọi là “tự chủ toàn phần” là việc cắt giảm kinh phí chi thường xuyên từ Nhà nước, nhà trường không được hưởng quyền lợi và quy chế gì hơn so với các trường công lập khác, trừ việc có thể tự xây dựng một số định mức chi cao hơn mức quy định như chi lương đến 2,5 lần lương cơ bản. Tuy nhiên, vì không được hưởng quyền lợi và cơ chế gì nên không thể phát triển thêm”.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (laodong)


Bài: Đại học lại yêu cầu tăng học phí